Ngoại trưởng Anh James Cleverly đã nêu cách mà ông cho là "nhanh nhất và duy nhất" để chấm dứt xung đột Nga - Ukraine.
Lính xe tăng Ukraine huấn luyện tại Anh (Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh).
Trong bài viết đăng trên báo Times of Malta hôm 5/2, Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine là cách nhanh nhất và duy nhất để chấm dứt xung đột với Nga.
"Cung cấp cho Ukraine những công cụ họ cần để hoàn thành nhiệm vụ là cách nhanh nhất và thực chất là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình", ông Cleverly nói.
Ông Cleverly cũng hoan nghênh việc Đức và Mỹ cùng với Anh cấp xe tăng hiện đại cho Ukraine. Nhà ngoại giao Anh cho rằng, Nga sẽ phải dè chừng trước "sức mạnh của các đối thủ".
Anh đã phê duyệt 14 xe tăng chiến đấu Challenger 2, cùng hàng nghìn viên đạn và pháo tự hành, trong gói viện trợ quân sự mới nhất cho Ukraine vào ngày 17/1. Các binh sĩ Ukraine đã đến Anh để tham gia chương trình huấn luyện sử dụng xe tăng.
Đức và Mỹ tuyên bố sẽ gửi xe tăng hiện đại đến Ukraine vào ngày 26/1. Berlin xác nhận sẽ cung cấp 14 xe tăng Leopard 2 và 88 xe tăng Leopard 1 cũ hơn, cũng như ủy quyền cho các quốc gia khác cung cấp xe tăng Đức cho Ukraine. Trong khi đó, Washington cho biết sẽ gửi 31 xe tăng M1 Abrams tới Ukraine.
Theo Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, Kiev dự kiến sẽ nhận được tổng cộng 120-140 xe tăng phương Tây trong đợt viện trợ xe tăng đầu tiên. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 27/1 ước tính Ukraine cần 300-500 xe tăng để đối phó chiến dịch quân sự của Nga.
Ngoài xe tăng, các nước phương Tây cũng cam kết chuyển xe chiến đấu bộ binh và hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại cho Ukraine.
Tổng thống Zelensky tháng trước tuyên bố, chiến dịch quân sự của Nga chỉ có thể được ngăn chặn "bằng các vũ khí phù hợp", đồng thời cho rằng không thể thuyết phục Nga dừng xung đột "bằng các biện pháp khác". Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba tuyên bố, trang bị vũ khí cho Ukraine giành chiến thắng là "con đường ngắn nhất để khôi phục hòa bình và an ninh ở châu Âu".
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nhận định, cách duy nhất để buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán là tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine. Ông cảnh báo Nga sẽ không đàm phán nếu Moscow tin rằng nước này có thể giành chiến thắng trên chiến trường. Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, nhà lãnh đạo NATO cũng nói rằng, hỗ trợ quân sự cho Ukraine là "con đường nhanh nhất dẫn đến hòa bình".
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, phương Tây đã rót viện trợ quân sự đáng kể cho chính quyền Kiev. Mỹ cho đến nay vẫn là nước viện trợ nhiều nhất.
Tuy nhiên, Nga cảnh báo, những khí tài của phương Tây không thể xoay chuyển tình hình chiến sự, mà chỉ kéo dài đau khổ của người dân Ukraine. Moscow cũng tuyên bố, bất cứ khí tài nào bên ngoài cung cấp cho Kiev đều sẽ trở thành "mục tiêu tấn công chính đáng cho pháo binh Nga".
Nga gần đây tuyên bố sẽ phá hủy xe tăng của phương Tây cấp cho Ukraine. Moscow cũng cảnh báo khí tài quân sự của phương Tây khiến xung đột kéo dài và tiến trình đàm phán trở nên khó khăn hơn.
Theo Kyiv Independent