Thủ tướng Anh đã chỉ đạo triển khai các khí tài quân sự tới phía đông Địa Trung Hải để hỗ trợ Israel giữa lúc căng thẳng leo thang trong khu vực.
Tàu Lyme Bay của Hải quân Hoàng gia Anh (Ảnh: Getty).
"Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã chỉ đạo triển khai các khí tài quân sự của Anh tới phía đông Địa Trung Hải để hỗ trợ Israel, củng cố sự ổn định trong khu vực và ngăn chặn leo thang", Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong thông cáo báo chí hôm 12/10.
"Các nhóm quân sự và ngoại giao của chúng tôi trong khu vực cũng sẽ hỗ trợ các đối tác quốc tế thiết lập lại an ninh và đảm bảo viện trợ nhân đạo đến được với hàng nghìn nạn nhân vô tội trong cuộc tấn công khốc liệt này của Hamas", Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố.
Thông cáo cho biết Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh (RAF) sẽ bắt đầu tuần tra vào ngày 13/10 nhằm "giúp các đối tác theo dõi các mối đe dọa đối với an ninh khu vực", như việc chuyển vũ khí cho các nhóm tấn công. Ngoài ra, một nhóm đặc nhiệm của Hải quân Hoàng gia Anh cũng sẽ được triển khai "vào tuần tới như một biện pháp dự phòng để hỗ trợ các nỗ lực nhân đạo".
"Nhóm quân sự, bao gồm máy bay P8, thiết bị giám sát, 2 tàu Hải quân Hoàng gia, RFA Lyme Bay và RFA Argus, 3 trực thăng Merlin và một đại đội của Thủy quân lục chiến Hoàng gia, sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho Israel và các đối tác trong khu vực, đồng thời đảm bảo khả năng răn đe", thông cáo cho biết thêm.
Thủ tướng Sunak cũng yêu cầu tất cả các đội quân ở Israel, Síp và trên toàn khu vực được tăng cường để hỗ trợ lập kế hoạch dự phòng và hỗ trợ nỗ lực của các nước láng giềng nhằm đối phó với bất kỳ sự lan rộng nào từ cuộc xung đột ở Israel.
Thủ tướng Rishi Sunak đã nói với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng, Anh sẽ chuyển một "gói hỗ trợ đáng kể" cho Israel để ngăn chặn những nỗ lực leo thang hơn nữa cuộc xung đột giữa Israel và Hamas.
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Mỹ (Ảnh: Hải quân Mỹ).
Trước đó, Tướng Michael "Erik" Kurilla thuộc Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ ngày 10/10 thông báo, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford với 8 phi đội máy bay tấn công và yểm trợ cùng 4 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đã đến vùng biển phía đông Địa Trung Hải, nhằm gửi "tín hiệu răn đe mạnh mẽ nếu bất kỳ đối tượng thù địch nào với Israel cân nhắc việc tìm cách tận dụng tình hình này".
USS Gerald R. Ford, tàu sân bay mới nhất và tiên tiến nhất của Hải quân Mỹ, cùng khoảng 5.000 thủy thủ và nhiều máy bay chiến đấu sẽ được các tàu tuần dương cũng như tàu khu trục hộ tống trong một hoạt động biểu dương lực lượng ở khu vực sát Israel.
Ngoài ra, Mỹ cũng đã thực hiện các bước để tăng cường các phi đội máy bay chiến đấu F-35, F-15, F-16 và A-10 của Không quân Mỹ trong khu vực.
Lực lượng Phòng vệ Israel hôm 10/10 xác nhận, máy bay quân sự đầu tiên của Mỹ chở "đạn dược tiên tiến" đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Nevatim ở Israel.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 12/10 rằng sẽ không có binh sĩ Mỹ nào được triển khai tới Israel. Tuy nhiên, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Lực lượng Phòng vệ Israel trong cuộc chiến chống lại Hamas.
"Mỹ có một số chuyên gia có thể đưa ra cho Israel lời khuyên và cố vấn về cách giải cứu các con tin bị Hamas bắt giữ, đồng thời duy trì mối quan hệ chia sẻ thông tin và tình báo với Israel, cũng như mối quan hệ quốc phòng mạnh mẽ, liên quan đến việc cung cấp vũ khí và đạn dược", ông Kirby nói thêm.
Theo ông Kirby, Lực lượng Phòng vệ Israel tuy có "quy mô nhỏ nhưng rất có năng lực" và Mỹ đang "làm mọi cách để cải thiện năng lực này".
Cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo các quan chức địa phương, cho đến nay, khoảng 1.200 người đã thiệt mạng ở Israel và ít nhất 1.100 người thiệt mạng ở Gaza trong các cuộc giao tranh.
Theo Business Insider
Nguồn: Báo điện tử Dân trí