Do đấu đá nội bộ trong suốt ba năm qua, bà May đã thất bại trong hồ sơ Brexit và phải tuyên bố bỏ cuộc. Nhưng dù ai lên thay thì các chướng ngại nội tại cũng không thay đổi.
Kể từ ngày 07/06/2019, Theresa May rời ghế chủ tịch đảng Bảo Thủ Anh, mở đường cho cuộc chạy đua tìm một người lãnh đạo mới với trọng trách đưa nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Nữ thủ tướng Theresa May từ chức lãnh đạo đảng Bảo Thủ. REUTERS/Toby Melville/File Photo
Theresa May, 62 tuổi, làm thủ tướng Anh từ tháng 07/2016, với nhiệm vụ khó khăn là thương lượng một thỏa thuận Brexit, ly dị với châu Âu, sau khi 52% cử tri bỏ phiếu đồng ý.
Trọng trách của bà là vừa tháo gỡ mối quan hệ mật thiết 40 năm giữa đảo quốc và châu Âu mà cũng vừa đoàn kết hai phe ủng hộ và chống Brexit.
Nhưng thỏa thuận đạt được sau hai năm đàm phán kiên trì với Bruxelles, để Anh Quốc có thể ra đi trong điều kiện « tối ưu », đã bị Quốc Hội Anh, mà chính xác là các dân biểu Bảo Thủ bác bỏ đến ba lần. Vấn đề là nếu ra đi mà không có thỏa thuận, giới kinh tế Anh lo sợ sẽ bị thiệt hại rất nặng.
Nỗ lực cuối cùng trong tuyệt vọng, không biết cách nào để tránh Brexit mà không có thỏa thuận, bà thuyết phục được Bruxelles cho thêm 6 tháng, đến 31/10/2019 thay vì 29/03/2019, với dụng ý kỳ vọng vào cuộc bầu cử châu Âu để bật dậy.
Thế nhưng, thái độ lừng khừng của đảng Bảo Thủ đã bị cử tri trừng phạt, đảng này bị rơi xuống hàng thứ năm trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu hôm 23/05/2019.
Mệt mỏi vì Brexit, bị tấn công từ mọi phía, bị đánh phá ngay trong nội bộ, ngày 24/05, Theresa May thông báo từ chức chủ tịch đảng Bảo Thủ kể từ 07/06/2019.
Theresa May để cho thủ tướng mới nhiệm vụ khởi động lại tiến trình Brexit : hoặc thương thuyết lại với châu Âu một thỏa thuận mới, hoặc chuẩn bị ra đi mà không có thỏa thuận gì cả. Hai kịch bản này cũng là trọng tâm của cuộc chạy đua vào căn nhà số 10, Downing Street.
Nói cách khác, Theresa May ra đi, nhưng nước Anh vẫn sa lầy với những vấn đề như cũ.
Trong số 11 ứng cử viên, có hai nhân vật được chú ý nhất là cựu ngoại trưởng Boris Johnson và đương kim ngoại trưởng Jeremy Hunt. Người thứ nhất phản bội, người thứ hai trung thành với bà May.
Boris Johnson, 54 tuổi, được thành viên cơ sở ủng hộ nhưng bị các dân biểu Bảo Thủ rất ghét. Nếu qua được « lưới thanh lọc » này, cựu ngoại trưởng Anh có hy vọng làm thủ tướng tương lai. Boris Johnson tuyên bố chủ trương « đàm phán lại một thỏa thuận với châu Âu, nhưng cũng sẵn sàn rời bàn thương lượng ».
Còn đương kim ngoại trưởng Jeremy Hunt, 51 tuổi, trước đây có lập trường « thà không thỏa thuận hơn là không Brexit » và đã từng tuyên bố Liên Hiệp Châu Âu « độc đoán không thua gì Liên Bang Xô Viết » ngày trước. Nhưng để tranh ghế thủ tướng, ông lại nói « bỏ Liên Hiệp Châu Âu vào ngày 31/10 tới đây mà không có thỏa thuận, thì chẳng khác nào tự sát ».
Người mới nhưng chướng ngại vẫn như cũ
Nhưng, vấn đề chủ yếu đối với thủ tướng mới, trên nguyên tắc, sẽ được bầu vào cuối tháng 07, vẫn là Quốc Hội Anh đang phân hóa tột cùng. Người thay bà Theresa May cũng không có đa số để biểu quyết thông qua bất kỳ giải pháp nào.
Thời gian quá cấp bách không cho phép thương lượng một thỏa thuận mới với châu Âu trong khi Bruxelles đã nói là « không còn gì để đàm phán nữa ».
Vậy thì đổi một thủ tướng mới để làm gì ? Phải chăng chỉ để đưa nước Anh vào bất định, viễn ảnh mà rất nhiều thần dân của nữ hoàng Anh lo sợ.
Giới phân tích không loại trừ khả năng giới chính trị Anh « âm mưu » tổ chức lại trưng cầu dân ý mà kết quả lần thứ nhất bị xem là có bàn tay « tuyên truyền đầu độc » của Nga và « tin giả » từ phe Brexit. Trong đó các tác giả, có ông Boris Johnson, đang bị kiện về tội nói dối, phóng đại về số tiền đóng góp của Anh cho Liên Hiệp Châu Âu.
Nguồn: Tú Anh/ RFI