Thủ tướng Johnson cho biết đã đến lúc Anh nên áp dụng cách tiếp cận của cựu Tổng thống Roosevelt, vốn đã giúp nước Mỹ phục hồi sau cuộc Đại suy thoái.
Ngày 29/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cam kết áp dụng biện pháp kích thích kinh tế quy mô lớn mà cựu Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt từng triển khai để vực dậy nên kinh tế Mỹ sau cuộc Đại Suy thoái.
Trao đổi với đài phát thanh thuộc báo The Times, Thủ tướng Johnson cho rằng nước Anh đang tiến tới "giai đoạn khóa khăn" khi phải vật lộn qua đợt suy thoái kinh tế lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra. Do đó, ông cho rằng đã đến lúc Anh nên áp dụng cách tiếp cận của cựu Tổng thống Roosevelt, vốn đã giúp nước Mỹ phục hồi sau cuộc Đại suy thoái.
Ông cũng cho biết sẽ nỗ lực thúc đẩy các kế hoạch nhằm khuyến khích đầu tư, cũng như khẳng định chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Phát biểu của Thủ tướng Johnson được đưa ra một tuần trước khi các nhà hàng, quán rượu và các lĩnh vực khác trong ngành khách sạn, du lịch và văn hóa tại Anh lần đầu tiên mở cửa trở lại hoàn toàn kể từ ngày 20/3.
Ba ngày sau đó, nước Anh đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc và đây là một trong những lệnh phong tỏa hà khắc nhất tại châu Âu.
Văn phòng quản lý nợ quốc gia của Anh vừa thông báo kế hoạch bán 275 tỷ bảng Anh (340 tỷ USD) trái phiếu chính phủ từ tháng Tư đến tháng Tám tới để chi tiêu cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Trong cuộc Đại suy thoái 1930, Tổng thống Mỹ Roosevelt khi đó đã triển khai chương trình "Thỏa thuận mới" để kéo nước Mỹ vốn đang chìm dưới đáy khủng hoảng.
Với chương trình này, Tổng thống Roosevelt tái cấu trúc quy luật của nền kinh tế thông qua việc thành lập Công ty Tài chính Tái thiết (RFC) - một hình thức của Ngân hàng Nhà nước với mục đích bảo lãnh cho các ngân hàng tư nhân.
Bên cạnh đó, RFC còn có nhiệm vụ đặc biệt là tài trợ cho các chương trình phúc lợi và công trình xây dựng lớn, qua đó đã làm thay đổi hoàn toàn nước Mỹ thời điểm đó.
Tuy nhiên, yếu tố thứ hai là vấn đề còn thiếu trong các giải pháp giải cứu nền kinh tế Mỹ trước cuộc khủng hoảng COVID-19 ở thời điểm hiện tại./.
Nguồn: Phương Oanh/ Vietnam+