Việc từ chối thỏa thuận Brexit sẽ gây ra nhiều rủi ro, dẫn đến "gây chia rẽ và bất ổn", Thủ tướng Anh Theresa May nói với các dân biểu phản đối kế hoạch của bà.
Bà có bài phát biểu tại Hạ viện Anh sau khi lãnh đạo của 27 quốc gia thành viên EU chấp thuận các điều khoản Anh rời EU tại hội nghị thượng đỉnh hôm Chủ Nhật (25/11).
Bà May nay sẽ phải thuyết phục các chính trị gia trong Quốc hội Anh ủng hộ thỏa thuận này.
Tuy nhiên, các bộ trưởng trong nội các thừa nhận bà sẽ phải chống đỡ vất vả trước các đảng phái khác trong Hạ viện, và trước cả nhiều dân biểu trong chính Đảng Bảo thủ của bà.
Lãnh đạo Đảng Lao Động Jeremy Corbyn tuyên bố đảng của ông sẽ phản đối thỏa thuận mà ông gọi là "tồi tệ nhất thế giới".
Thủ tướng Anh Theresa May gọi điện cho Chủ tịch Ủy hội Châu Âu Jean-Claude Juncker
Bà thủ tướng cam kết sẽ đặt toàn bộ "trái tim và tâm hồn" vào hai tuần vận động nhằm thuyết phục các dân biểu ủng hộ các điều khoản rút khỏi EU và mối quan hệ trong tương lai của Anh với khối này.
Quốc hội sẽ quyết định chấp nhận hay bác bỏ vào tháng tới. Việc biểu quyết nhiều khả năng sẽ diễn ra vào ngày 12/12.
Bà May nói rằng đây là "thỏa thuận duy nhất" mà Anh có trên bàn đàm phán. Theo kế hoạch, Anh sẽ rời EU vào này 29/03/2019.
Sau cuộc họp nội các kéo dài hai giờ đồng hồ, Phủ Thủ tướng nói rằng trong trường hợp "khó có khả năng xảy ra" là Quốc hội không đồng ý với các điều khoản rút lui, thì "mọi hành động cần thiết" sẽ được thực hiện để triển khai phương án Anh rời EU mà không đạt thỏa thuận nào.
Tại sao phản đối?
Những người phản đối ở cả hai phía đều nói rằng thỏa thuận này không đáp ứng được những gì cử tri muốn đạt được trong kỳ trưng cầu dân ý 2016 cũng như những gì người dân được hứa hẹn trong suốt chiến dịch vận động rời EU.
Những người ủng hộ Brexit thì cho rằng thay vì giành lại quyền kiểm soát, Anh đang trao cho EU quá nhiều ảnh hưởng trong những vấn đề then chốt, làm trở ngại cho việc Anh đàm phán các hiệp định thương mại với các nước khác.
Cụ thể, họ lo sợ là Anh sẽ mắc kẹt vô thời hạn trong thỏa thuận hải quan 'chốt chặn cuối' ('backstop'), được đưa ra để tránh việc kiểm tra thực sự đói với người và hàng tại biên giới với Ireland, mà không được đơn phương rút lui.
Nhiều người muốn ở lại EU thì nói thỏa thuận này khiến cho việc tiếp tục ở lại EU sẽ trở thành điểm bất lợi cho Anh, bởi nó không đem lại cho Anh mối quan hệ 'thương mại không ma sát' với châu Âu, tức thị trường thương mại không tồn tại mối liên hệ qua lại tương ứng giữa chi phí cùng các điều kiệu ràng buộc với các giao dịch được thực hiện.
Những người muốn dừng tiến trình Brexit nói họ muốn một cuộc trưng cầu dân ý khác, bởi họ cho rằng hồi 2016 mọi người đã không được biết chi tiết việc 'Rời bỏ EU' sẽ có ý nghĩa ra sao.
Thủ tướng Anh Theresa May có mặt ở Brussels để chốt thỏa thuận với các nhà lãnh đạo EU hôm 25/11
Thông điệp của bà Theresa May là gì?
Trong tuyên bố tại Hạ viện Anh, bà May nói việc ủng hộ thỏa thuận sẽ chấm dứt tình trạng không rõ ràng quanh chủ đề Brexit.
"Nhiệm vụ của chúng ta, trong vai trò Quốc hội trong những tuần tới, là thẩm định một cách chi tiết thỏa thuận này, tiến hành tranh luận một cách tôn trọng lẫn nhau, lắng nghe cử tri và ra quyết định vì lợi ích quốc gia," bà nói.
Bà nói với các dân biểu rằng họ cần chọn giữa việc ủng hộ thỏa thuận này và "tiến tới xây dựng một tương lai tươi sáng", và việc bác bỏ nó để "làm lại từ đầu".
Hôm Chủ Nhật, người đứng đầu Ủy hội Châu Âu, Jean-Claude Juncker nói rằng bất kỳ ai ở Anh nghĩ rằng EU có thể đưa ra các điều khoản tốt hơn sẽ phải "thất vọng", bởi đây là thỏa thuận "duy nhất" đặt lên bàn đàm phán cho Anh cân nhắc.
Tuy nhiên, những người phản đối nói rằng nếu thỏa thuận bị bác bỏ, các quan chức EU sẽ phải đưa ra căn cứ cho việc để nước Anh ra khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận nào.
Nguồn: BBC