Bà mẹ kiện chính phủ vì cho phép phá thai nếu em bé mắc bệnh Down

Hành động này hướng tới việc chấm dứt đạo luật cho phép đình chỉ thai kỳ sau 24 tuần nếu phát hiện "thai nhi có dấu hiệu bất thường nghiêm trọng".

Người mẹ của một em bé mắc hội chứng Down đang kiện chính phủ vì cho phép việc nạo phá nếu thai sau 24 tuần có dấu hiệu khuyết tật.

Maire Lea-Wilson nói rằng cô được khuyên vào viện để phá thai, con trai cô hiện đã 11 tháng tuổi. Cô cảm thấy bị áp đặt rằng "Mình sẽ muốn từ bỏ một đứa con mắc hội chứng Down".

Ở Anh, Scotland và xứ Wales, việc phá thai có thể được thực hiện trong 24 tuần đầu tiên của thai kỳ. Những trường hợp này phải được ít nhất hai bác sĩ xác nhận, rằng việc sinh con sẽ gây nguy hiểm về sức khỏe thể chất hoặc tinh thần của người phụ nữ .

Sau 24 tuần, người phụ nữ chỉ có thể phá thai nếu cô ấy có nguy cơ bị tổn thương nghiêm trọng về thể chất và tinh thần, hoặc có một bất thường nghiêm trọng về thai nhi, bao gồm hội chứng Down.

132 1 Ba Me Kien Chinh Phu Vi Cho Phep Pha Thai Neu Em Be Mac Benh DownMaire Lea-Wilson với con trai 11 tháng tuổi Aidan.

Lea-Wilson nói rằng cô "không thể tưởng tượng nổi” cuộc sống không có con trai và muốn những đứa trẻ mắc hội chứng Down chưa được chào đời cũng có "quyền bình đẳng".

"Con trai tôi gặp nhiều thách thức và đã làm rất tốt vì vậy chúng tôi thực sự tự hào về cậu bé. Tôi có hai con trai. Tôi yêu và coi trọng chúng như nhau. Tôi nghĩ dường như thật sai lầm khi luật pháp không cho chúng bình đẳng và chúng tôi muốn thay đổi điều đó ", cô nói.

"Điều đầu tiên mà họ đề cập đến (ở bệnh viện) là liệu chúng tôi có muốn bỏ thai hay không. Lúc đó tôi đang mang thai 34 tuần, vì vậy đây là một câu hỏi rất khó trả lời.”

“Thật khó để suy nghĩ lại việc đó, tôi cảm thấy khó mà chấp nhận được việc mạng sống của Aidan không được coi trọng bằng anh trai con. Điều đó khiến tôi lo lắng liệu con có được đối xử công bằng hay không.

“Tôi cũng lo rằng khi con lớn hơn, nếu đạo luật đó vẫn tồn tại, nó sẽ khiến con cảm giác thế nào: rằng con không có giá trị, rằng con không quan trọng bằng người khác?”

Cô Wilson và Heidi Crowter, 24 tuổi, người mắc hội chứng Down đã cùng chung tay tiến hành hành động pháp lý này. Cô Crowter nói rằng luật pháp hiện hành khiến cô cảm thấy "bị xã hội từ chối".

Cô Crowter cho biết cô yêu thích đội Liverpool và muốn được dành thời gian bên chồng sắp cưới.

Cô nói: "Tôi nghĩ (nguyên nhân) này thực sự quan trọng vì đó rõ ràng là sự phân biệt đối xử. Tất cả chúng ta đều có giá trị như nhau. Tôi là người mắc hội chứng Down và điều đó khiến tôi cảm thấy buồn bã, bị xã hội từ chối và coi thường. Nó khiến tôi cảm thấy mình không nên tồn tại trên thế giới này."

Ann Furedi là giám đốc điều hành của Dịch vụ tư vấn mang thai British Pregnacy Advisory Service. Bà khẳng định phụ nữ không thể “nhẹ nhàng” đưa ra quyết định phá thai để bỏ đi một đứa trẻ tàn tật.

"Những bà mẹ đang nuôi con nhỏ dễ suy nghĩ đến chuyện phá thai nếu đứa trẻ tiếp theo có dấu hiệu tàn tật, " bà nói.

"Đó có thể là vấn đề tài chính hay những tổn thương trong các mối quan hệ ... chúng ta cần đưa ra quyết định về việc phá thai dựa trên lương tâm của chính mình''.

"Người đưa ra quyết định cho chúng ta không thể là ai khác, và vì vậy khi một người phụ nữ nghĩ rằng kết thúc thai kỳ là điều phù hợp với cô ấy và gia đình, tôi thực sự tin rằng đó là quyết định của cô ấy."

Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội cho biết họ không thể bình luận về thủ tục tố tụng.

Các giấy tờ pháp lý sẽ được nộp lên Tòa án Tối cao vào tuần tới và sau đó một thẩm phán sẽ quyết định xem vụ kiện mang tính bước ngoặt này có thể được tiến hành xét xử hay không.

 

Nguồn: Sky News

Bài liên quan