Các nước châu Âu cần cùng lúc đối phó với hậu quả của chiến tranh ở Ukraine, sự cạnh tranh từ hàng hóa Trung Quốc và viễn cảnh ông Trump quay lại Nhà Trắng.
Nỗi lo chiến sự, Trung Quốc và ông Trump
Theo tạp chí Economist, nền kinh tế châu Âu vốn đã ảm đạm nay có thể còn thụt lùi nhanh chóng nếu không giải quyết hợp lý những nguy cơ ngoại khối.
Trong 10 năm qua, tăng trưởng kinh tế toàn châu Âu chỉ đạt 4%, thua xa con số 8% của nền kinh tế Mỹ.
Giữa bối cảnh này, chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ, dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng nhất khối này từng đối mặt trong nhiều năm qua. Điều này giáng một đòn mạnh vào kinh tế chung, khiến cả Liên minh châu Âu (EU) và Anh cùng tăng trưởng âm từ tháng 2-2022 đến nay.
Chất chồng lên những vấn đề đó, châu Âu còn đối diện với làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Trước nguy cơ giảm phát kinh tế, Bắc Kinh đang tiến hành một loạt biện pháp hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất trong nước, vốn đã chiếm một phần ba tổng sản lượng toàn cầu.
Mục tiêu của Trung Quốc khá rõ ràng: dựa vào hàng hóa xuất khẩu để kích thích nền kinh tế.
Trọng tâm của Trung Quốc đang là hàng hóa "xanh", tiêu biểu trong đó là xe điện, tuốc bin gió, hệ thống đường sắt... Điều này cực kỳ hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng không của châu Âu, vốn đang chiếm sóng nhiều trên nghị trường các nước.
Xe điện của hãng BYD (Trung Quốc) xuất hiện tại Triển lãm ô tô Paris 2022. Xe điện giá rẻ từ Trung Quốc đang cạnh tranh trực tiếp với các hãng ô tô truyền thống châu Âu - Ảnh: GETTY IMAGES
Với giá cả phải chăng, hàng Trung Quốc đe dọa trực tiếp nền sản xuất châu Âu.
Khó khăn từ phương Đông chưa đủ, EU và Anh còn phải đề phòng phía Tây. Nếu tái đắc cử tổng thống vào tháng 11 này, ông Donald Trum sẽ mang trở lại hàng rào thuế quan khổng lồ với hàng châu Âu xuất khẩu.
Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình (2017 - 2021), ông Trump đã áp thuế lên nhôm và thép nhập khẩu từ châu Âu vào Mỹ.
Hiện ứng viên của Đảng Cộng hòa còn hăm he sẽ áp 10% thuế nhập khẩu lên mọi hàng hóa châu Âu. Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng cạnh tranh của lục địa già tại Mỹ, nhất là khi đây là thị trường mang lại 500 tỉ euro (540 tỉ USD) cho các nước châu Âu trong năm 2023.
Châu Âu cần gì để thoát nạn?
Công nhân làm việc trong một nhà máy luyện kim ở Đức. Ngành công nghiệp sản xuất châu Âu, đặc biệt của Đức, cần chuyển mình để thích nghi với các biến động thế giới - Ảnh: AFP
Tạp chí Economist nhận định để xoay chuyển tình thế, các nước châu Âu cần đặc biệt chú ý việc không sa vào cuộc chiến bảo hộ với Mỹ và Trung Quốc. Việc chạy đua bằng cách trợ giá sản phẩm nội địa là phương án lãng phí nguồn lực và sẽ không bên nào hưởng lợi.
Thay vào đó, châu Âu nên tìm cách biến nguy thành an qua việc đẩy mạnh giao thương giữa các nước. Ngành sản xuất ở Mỹ phát triển sẽ yêu cầu cần một lượng lớn linh kiện, máy móc. Đây chính là cơ hội lớn để các nhà máy châu Âu chộp lấy.
Mặt khác, hàng hóa nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc chính là giải pháp chuyển đổi xanh ít tạo gánh nặng cho người tiêu dùng có thu nhập hạn chế ở châu Âu. Nếu tận dụng khéo léo nguồn hàng này, EU và Anh có thể tiết kiệm nguồn ngân sách lớn.
Châu Âu cũng có thể nhìn vào Trung Quốc để thấy được lợi ích từ việc xây dựng một thị trường nội địa rộng lớn. Để làm được điều này, EU cần nhanh chóng cải tổ hệ thống quy định rườm rà và không đồng nhất của mình.
Việc hợp nhất thị trường hiệu quả sẽ tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế chung châu Âu, đồng thời là bước đà cho ngành dịch vụ đi lên.
"Chính sách cởi mở như vậy có thể được xem là ngây thơ trong giai đoạn chủ nghĩa bảo hộ đang lên. Tuy nhiên, chỉ có thị trường như thế mới có thể giúp châu Âu phát triển trong bối cảnh thế giới chuyển mình. Bất chấp các biến cố ập đến, các chính quyền phải nhắc nhở bản thân về thực tế này", Economist kết luận.
NGỌC ĐỨC
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online