Bài toán khó của hàng triệu người tị nạn Ukraine ở châu Âu

Hơn 6 triệu người Ukraine đã sơ khán khỏi quê hương kể từ khi xung đột bùng nổ vào tháng 2/2022, gây ra những thách thức lớn về kinh tế và nhân khẩu học cho tương lai của đất nước.

1 Bai Toan Kho Cua Hang Trieu Nguoi Ti Nan Ukraine O Chau Au

Người dân sơ tán khỏi Pokorvsk ở miền đông Ukraine hồi tháng 7/2022 (Ảnh: Getty).

Thông tin đáng kinh ngạc này gần như không được chú ý trong những phút cuối cùng của cuộc họp báo cuối năm của Tổng thống Volodymyr Zelensky vào tháng 12/2023.

Khi được hỏi về việc 6,2 triệu người Ukraine - gần 15% dân số - đã rời khỏi đất nước trong 2 năm qua, Tổng thống Zelensky đưa ra danh sách các ưu đãi để khuyến khích họ quay trở lại: trả tiền mặt, trợ cấp thế chấp, cho vay kinh doanh khởi nghiệp.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ukraine dành phần lớn câu trả lời của mình cho một ý tưởng rất khác: có nhiều quốc tịch. Mục tiêu là cho phép người dân Ukraine sống và làm việc tại nước khác được phép về thăm, đầu tư và đóng góp cho quốc gia. Đây không phải là khái niệm mới, nhưng nghe nó từ Tổng thống Zelensky là điều hoàn toàn bất ngờ.

Nhiều người đặt ra câu hỏi, điều này có phải là ông đã thừa nhận nhiều người tị nạn Ukraine có thể không bao giờ quay trở lại?

Rủi ro rất cao

Nếu những người tị nạn Ukraine không quay trở lại, các dự báo về nhân khẩu học cho thấy dân số của đất nước này, vốn đã giảm trước chiến tranh, có thể tiếp tục suy giảm 25% trong những thập niên tới.

Các cuộc khảo sát cho thấy, những người rời Ukraine được giáo dục tốt hơn so với dân số nói chung, với 2/3 đã hoàn thành chương trình giáo dục đại học. Vì vậy, việc thiếu hụt dân số này sẽ là đòn giáng mạnh vào kinh tế đối với một đất nước đang nỗ lực tái thiết.

Tổng thống Zelensky hy vọng các quốc gia châu Âu sẽ khuyến khích người Ukraine quay trở lại, bao gồm cả việc giảm bớt phúc lợi cho người tị nạn ngoại trừ những người trong hoàn cảnh mà ông gọi là "thảm khốc". Cộng hòa Séc, Ireland và Thụy Sĩ hiện đang xem xét trợ cấp du lịch để giúp người Ukraine trở về nước khi giao tranh chấm dứt.

Tuy nhiên, không quốc gia nào nói về việc buộc họ phải quay trở lại.

Trong cuộc khảo sát tại Đức hồi mùa thu năm 2023, nhiều người Ukraine khi được hỏi về kế hoạch của họ đã tỏ rõ sự mâu thuẫn trong việc trở về nước. Gần 2 năm sau chiến sự, Đức tiếp đón nhiều người tị nạn Ukraine hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Âu, với hơn 1,1 triệu người.

Tất cả các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cung cấp cho người tị nạn những điều kiện sống cơ bản, bao gồm nhà ở, chăm sóc sức khỏe và quyền làm việc, nhưng Đức đưa ra gói viện trợ đặc biệt hào phóng. Ngoài các khoản trợ cấp ngắn hạn về nhà ở và thực phẩm, những người mới đến còn được tham gia học tập nhằm giúp họ hòa nhập ở Đức.

"Chúng tôi hy vọng ít nhất 50% người Ukraine sẽ ở lại Đức ngay cả sau chiến tranh. Con số này tăng lên mỗi ngày khi họ dần quen với cuộc sống ở đây và xung đột tàn phá Ukraine ngày càng nghiêm trọng hơn", ông Wolfgang Hummel, đứng đầu bộ phận pháp lý tại văn phòng các vấn đề người tị nạn của Berlin, cho biết.

Cô Alona Kazak, 39 tuổi, rời Mariupol ngay trước khi làn sóng pháo kích bắt đầu ở đây. Cô và con gái sơ sinh lên chuyến tàu đến Kiev và mong chồng sẽ đi cùng nhưng không được. Cô đã một mình trải qua tuần đầu tiên của cuộc chiến trong một căn hầm trú ẩn.

Sau đó, một đồng nghiệp cũ đã giới thiệu cô với một tình nguyện viên phi lợi nhuận, người đã đề nghị giúp cô rời khỏi đất nước. Nhân viên cứu trợ nói với cô rằng, Phần Lan và Đức là hai quốc gia mang lại những lợi ích xã hội tốt nhất ở châu Âu, nhưng khí hậu ở Đức lại tốt hơn.

Thế là Kazak lên một chuyến tàu khác, và đến tháng 4 cô sống trong nhà của người đàn ông đơn thân ở Potsdam. Đó một trong hàng nghìn người Đức nhận người Ukraine về nhà của họ. Những tháng đầu tiên thật khó khăn. Kazak được biết chồng cô đã mất tích.

Cô không thể tìm được một căn hộ nên đã chuyển đến một nhà trọ. Nhưng con gái cô cũng không được đến trường mẫu giáo vì không còn chỗ. Và nếu không có người chăm sóc trẻ, cô không thể tham gia các khóa học, các lớp định hướng, trường ngôn ngữ, đào tạo nghề vốn được cung cấp miễn phí cho tất cả người dân Ukraine.

Đến năm 2023, mọi thứ có vẻ tốt hơn. Kazak đã mở một studio nhỏ và đang tham gia các lớp học ngôn ngữ toàn thời gian khi con gái đi nhà trẻ. Cô vẫn đang sống dựa vào sự hỗ trợ của tiểu bang: 650 USD tiền thuê nhà mỗi tháng và 850 USD tiền mặt hỗ trợ.

Mặc dù cô cho biết bản thân rất háo hức được làm việc vì cô có bằng đại học hóa học và có kinh nghiệm làm giám đốc bán hàng nhưng vẫn chưa bắt đầu tìm việc làm. "Chính phủ nói rằng tốt hơn hết là nên học ngôn ngữ trước. Điều đó sẽ giúp tôi có được công việc tốt hơn sau này", cô nói.

Khoảng 50% người tị nạn Ukraine có việc làm

Trên khắp châu Âu, khoảng một nửa số người tị nạn Ukraine đã tìm được việc làm. Con số này ở Đức thấp hơn: chỉ có 25% nam giới đang làm việc và thậm chí phụ nữ còn ít hơn.

Trong số những người Ukraine ở Đức, đàn ông dường như sẵn sàng nhận những công việc mà họ không đủ trình độ hơn phụ nữ. Một chuyên gia tư vấn tài chính ở Bucha đang làm những công việc lặt vặt; một thợ điện ở Zaporizhia đang làm việc bàn giấy, sổ sách. Nhưng họ dường như cũng tập trung vào cuộc sống lâu dài hơn, hoàn thành khóa học ngôn ngữ của bang và đăng ký đào tạo nghề.

2 Bai Toan Kho Cua Hang Trieu Nguoi Ti Nan Ukraine O Chau Au

Trẻ em Ukraine tị nạn ở Moldova tham dự hội thảo tại một nhà máy đồ chơi hồi tháng 11/2023 (Ảnh: Getty).

Hiện nay, các nhà hoạch định chính sách trên khắp EU ngày càng nói nhiều về "mục đích kép", giúp người tị nạn hòa nhập ở đất nước mới đồng thời duy trì nền văn hóa của họ và cả mối quan hệ với quê nhà.

Nhân viên xã hội Khrystyna Valdovska, người đã sống ở Đức khi xung đột bùng nổ, đã giúp hàng trăm người mới đến định cư ở Brandenburg, cách Berlin không xa. "Tôi nói với họ đây là cơ hội để cho con cái họ thấy châu Âu và học hỏi những thói quen của người châu Âu, sau đó mang những thói quen đó trở về và xây dựng một Ukraine tốt đẹp hơn", Valdovska nói.

Cháu trai của Valdovska là Arseni Shatro, người đến Brandenburg vào giữa năm 2022, mơ ước có 2 hộ chiếu và một biên giới rộng mở. "Tôi muốn đi tới đi lui", anh cho biết và nói thêm rằng: "Tôi làm việc ở châu Âu nhưng với tất cả các quyền và trách nhiệm của công dân Ukraine".

Cuối cùng, theo các chuyên gia, cả châu Âu và Ukraine sẽ phải tìm ra giải pháp. Các nhà hoạch định chính sách châu Âu có thể giúp đỡ bằng cách trợ cấp tiền cho họ về nước và cung cấp khoản tiền nhỏ cho những người hồi hương. Ukraine nên đưa ra loạt ưu đãi, từ học bổng đến các khoản vay không lãi suất và vốn ban đầu cho các doanh nghiệp mới.

Tuy nhiên, về lâu dài, sự hấp dẫn quan trọng nhất sẽ không phải là những lợi ích đặc biệt. Điều mà người Ukraine ở nước ngoài mong muốn nhất là điều mà tất cả người Ukraine đang đấu tranh: một Ukraine an toàn, độc lập, dân chủ với nền kinh tế sôi động.

Theo Wall Street Journal

Nguồn: Báo điện tử Dân trí

Bài liên quan