Cảnh sát đã đụng độ với những người chống đối khi họ biểu tình ở trung tâm London hô vang khẩu hiệu ''Đây không phải Thủ tướng của tôi''.
Những người biểu tình giương cao những tấm bảng ghi ''Phản đối Luật lệ của Đảng Bảo thủ'' và ''Người tị nạn được chào đón''. Họ đi bộ từ Văn phòng Thủ tướng ở số 10 phố Downing đến quảng trường Trafalgar.
Theo Mirror, cảnh sát đã phải tách những người biểu tình gây hấn với phe ủng hộ Brexit. Những người chứng kiến cho biết đám đông rất hỗn loạn. Ít nhất một người đã phải ôm gương mặt đầm đìa máu, theo Guardian.
Một đoạn clip cho thấy cảnh sát cố gắng đẩy lui những người chống đối trên Phố Parliament. Cảnh sát la lớn: ''Lùi lại nếu không các người sẽ bị đánh''.
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát trong cuộc biểu tình chống Boris Johnson tại Quảng trường Trafalgar. (Ảnh: AP)
Các con đường xung quanh Whitehall đã bị chặn khi những người biểu tình tiếp tục di chuyển xuống các nơi khác ở Central London. Nhiều nhóm biểu tình do các tổ chức Stand up to Racism, Love Music Hate Racism và Antifascist Action (Antifa) chỉ đạo, đã đối đầu với các nhóm thân chính phủ.
Damien Gayle, phóng viên Guardian, cho biết đã có những cuộc đụng độ giữa các phe ủng hộ cánh tả và phe ủng hộ cánh hữu của Thủ tướng Boris Johnson.
Cuộc biểu tình xảy ra sau khi Đảng Bảo thủ tái lập chiến thắng. (Ảnh: Reuters)
Tại Quảng trường Trafalgar, người biểu tình di chuyển vào Haymarket. Họ gào to khẩu hiệu: ''Cứu lấy NHS của chúng ta'', sau đó bị cảnh sát phong tỏa ở Victoria Street.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 13/12 kêu gọi nên hàn gắn những bất đồng sâu sắc đã chia rẽ Vương quốc Anh về giải pháp Brexit, nói rằng chiến thắng lớn của ông trong cuộc bầu cử đã trao cho ông nhiệm vụ đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu vào ngày 31 tháng 1.
Người biểu tình giơ cao khẩu hiệu ''Người di cư và người tị nạn được chào đón ở đây''. Ảnh: AP
Những người chống đối Brexit xuống đường vào tối 13/12. Ảnh: AP
Người biểu tình chống lại vấn nạn phân biệt chủng tộc trong Đảng Bảo thủ. Ảnh: AP
Biểu tình xảy ra sau khi ông Johnson tuyên bố sẽ hàn gắn đất nước. Ảnh: AP
Cảnh sát tách một người ra khỏi cuộc biểu tình nhuốm màu bạo động. Ảnh: AP
Người biểu tình cho rằng ''Đảng Bảo thủ đang giết chết tầng lớp lao động''. Ảnh: AP
Những phe cánh đối lập không tin chính sách của ông Johnson có thể cứu NHS. Ảnh: AP
Cảnh sát dùng gậy đẩy lùi những người biểu tình. Ảnh: AP
Là gương mặt của chiến dịch “Rút khỏi EU” trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, ông Johnson dự tranh dưới khẩu hiệu “Get Brexit Done – Hãy Hoàn tất Brexit”, ông hứa sẽ đả thông bế tắc và tăng chi trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và cảnh sát.
Giành được chiến thắng lớn nhất cho phe bảo thủ kể từ sau sự đắc thắng của bà Margaret Thatcher năm 1987, ông Johnson đánh bại đối thủ Jeremy Corbyn của Đảng Lao động. Đảng Bảo thủ của ông giành được 365 ghế. Đảng Lao động chỉ chiếm được 203 ghế.
Kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý, Brexit đã chia rẽ Vương quốc Anh và khiến người dân tự vấn về mọi vấn đề, từ vấn đề ly khai khỏi EU, vấn đề nhập cư cho đến chủ nghĩa tư bản, đế chế, cho tới thế nào là tính cách của người Anh.
Với đa số áp đảo đó, giờ đây ông Johnson có thể nhanh chóng thông qua thỏa thuận Brexit mà ông đã đạt với EU để Vương quốc Anh có thể rời khối này vào ngày 31 tháng 1, nhiều tháng trễ hơn dự kiến ban đầu.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chúc mừng ông Johnson, nói rằng một thỏa thuận thương mại với Mỹ có thể mang nhiều lợi lộc về cho nước Anh, hơn bất cứ thỏa thuận nào với EU, khối kinh tế lớn nhất thế giới.
Scotland bác bỏ Brexit
Kết quả bầu cử được ca tụng là một chiến thắng cho chủ nghĩa dân tộc Anh, Scotland và Ireland - nhưng chiến thắng của ông Johnson đang khơi dậy những lo ngại về tương lai của Vương quốc Anh.
Đảng Quốc gia Scotland (SNP) chủ trương chống Brexit, ủng hộ giải pháp độc lập, giành được 48 ghế trong tổng cộng 59 ghế tại quốc hội Scotland, đánh bại cả đảng Bảo thủ lẫn Đảng Lao động.
Bà Nicola Sturgeon, lãnh đạo của SNP và cũng là bộ trưởng đầu tiên của Scotland nói.
“Cử tri Scotland đã lên tiếng. Bây giờ là lúc chúng ta phải quyết định tương lai của chính mình.”
Bà cho biết chính phủ bán tự trị của bà vào tuần tới sẽ công bố các lập luận bênh vực giải pháp chuyển giao quyền lực từ London đến Edinburgh, cho phép bà tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nữa về giải pháp độc lập cho Scotland.
Ở Bắc Ireland, lần đầu tiên từ năm 1921 khi Ireland bị chia đôi thành Bắc Ireland thuộc vương quốc Anh, và Cộng hòa Ireland ở miền Nam, cử tri ủng hộ giải pháp một nước Ireland thống nhất giành được nhiều ghế hơn so với cử tri muốn ở lại trong vương quốc Anh.
Theo Metro/Guardian