“Bóng ma“ COVID-19 đe dọa châu Âu

Châu Âu đang chứng kiến số ca nhiễm nCoV tăng cao kỷ lục ở nhiều nước, khiến giới chuyên gia lo ngại về mùa đông khốc liệt vì đại dịch Covid-19.

Các bệnh viện châu Âu giờ được trang bị tốt hơn để ứng phó với đại dịch. Các biện pháp ngăn dịch như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang trở nên phổ biến và đợt bùng phát mới chủ yếu ảnh hưởng tới người trẻ, nhóm ít có nguy cơ qua đời nếu nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, thời tiết đã bắt đầu lạnh hơn và thời gian cúm mùa trong năm cũng đang đến. Dịch bệnh đang dần chuyển sang nhóm dân số già hơn và có nhiều dấu hiệu cho thấy mọi người ngày càng mệt mỏi với việc tuân thủ các biện pháp hạn chế.

"Chúng ta rõ ràng không có cách nào ngăn chặn Covid-19 lây lan ngoài phong tỏa và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Chúng ta chưa có vaccine", Michael Head, nhà nghiên cứu cấp cao về y tế toàn cầu tại Đại học Southampton, Anh, cho hay.

Head không mong số ca qua đời ở châu Âu sẽ chạm ngưỡng như đợt bùng phát đầu tiên, nhưng "chúng ta sẽ thấy có nhiều ca nhiễm hơn, số ca nhập viện cũng nhiều hơn và hệ thống y tế sẽ phải chịu rất nhiều áp lực. Tỷ lệ qua đời cũng sẽ rất lớn".

132 1 Bong Ma Covid 19 De Doa Chau Au

Theo phân tích của CNN dựa trên dữ liệu của Đại học Johns Hopskin, số ca nhiễm mới trung bình trên toàn châu Âu trong 7 ngày tính tới 22/9 đã đạt mức cao kỷ lục 52.418 người. Nhưng số ca qua đời được báo cáo chỉ là 556 trường hợp, thấp hơn nhiều so với trung bình 4.134 ca mỗi ngày trong tổng số 31.852 ca nhiễm trong 7 ngày liên tiếp tính đến 10/4.

Bệnh viện ở châu Âu giờ có thể chẩn đoán và điều trị Covid-19 tốt hơn, khiến tỷ lệ qua đời đối với bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt ở một số quốc gia trong khu vực giảm từ 50% hồi đầu năm nay xuống khoảng 20%, theo Head ước tính. Tuy nhiên, Bulgaria, Croatia, Malta, Romania và Tây Ban Nha vẫn chứng kiến tỷ lệ qua đời liên tục tăng.

Trong tuần đầu tiên của tháng 9, số ca nhiễm mới được báo cáo nhiều nhất tập trung vào nhóm dân số tuổi từ 25-49, theo Hans Kluge, giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nhưng tỷ lệ nhiễm nCoV trong nhóm cao tuổi hơn, từ 59-79, cũng đang dần tăng lên.

Head cảnh báo xu hướng này có thể một lần nữa khiến nhóm người cao tuổi, có nguy cơ qua đời cao nếu nhiễm bệnh, trở thành nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi đại dịch.

"Chúng tôi đang thấy tỷ lệ nhiễm nCoV ở nhóm dân số già và nhóm dễ bị tổn thương lại tăng lên ở tất cả quốc gia châu Âu. Do đó, rất dễ để dự đoán các quốc gia như Anh, Pháp và Tây Ban Nha, nơi hiện báo cáo số ca nhiễm tập trung vào người trẻ, sẽ bắt đầu chứng kiến số ca nhiễm ở người cao tuổi tăng lên trong 4-6 tuần nữa", Head nói.

Nhà nghiên cứu này cảnh báo số ca nhiễm trong cộng đồng tăng lên đồng nghĩa Covid-19 sẽ có nhiều cơ hội để tấn công các cơ sở chăm sóc như viện dưỡng lão, những nơi từng chứng kiến các ổ dịch bùng phát lớn trong đợt bùng phát trước.

Bên cạnh mối đe dọa hiện hữu của Covid-19, nhiều chuyên gia y tế nhận định sự xuất hiện của cúm mùa cũng là mối lo ngại lớn, bởi nó có thể gia tăng gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Pháp, quốc gia báo cáo số ca nhiễm trong ngày cao nhất là 13.498 người vào hôm 19/9, đã thấy số ca chăm sóc đặc biệt tăng 25% trong tuần trước.

Tỷ lệ qua đời không phải là vấn đề duy nhất. Áp lực đối với các bệnh viện cũng ngày một lớn hơn do gia tăng số ca phải "điều trị dài ngày", người phải chịu tác động tiêu cực từ Covid-19 hơn một tháng sau khi nhiễm bệnh. "Thậm chí đối với người trẻ, chúng tôi vẫn thấy khoảng 10-20% phải chịu hậu quả lâu dài hơn sau lần nhiễm đầu tiên", Head cho biết.

Ông cảnh báo điều này sẽ "gia tăng căng thẳng cho các dịch vụ y tế trong vài tháng tới và thậm chí trong nhiều năm về sau".

Peter Drobac, bác sĩ sức khỏe toàn cầu và là giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp Xã hội Skoll tại Đại học Oxford, Anh, cho rằng sẽ là "vô trách nhiệm" nếu châu Âu để tỷ vong quay trở lại mức như hồi tháng 4.

"Chúng ta đã biết tương đối đủ về Covid-19, như cách nó truyền nhiễm, cách để kiểm soát và cách điều trị cho người nhiễm bệnh. Chúng ta nên đảm bảo làn sóng thứ hai sẽ không quá lớn, bởi nếu không nó đồng nghĩa với tỷ lệ qua đời lớn khi hệ thống y tế bắt đầu quá tải", Drobac nói và cảnh báo thêm rằng "rõ ràng chúng ta đang mất kiểm soát với nó".

Châu Âu đang có cách tiếp cận khác với làn sóng Covid-19 thứ hai. Lãnh đạo các nước châu Âu đang cố gắng bảo vệ sức khỏe cộng đồng nhưng tránh phong tỏa quốc gia, do lo ngại gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế chưa kịp phục hồi sau đợt bùng phát đầu tiên.

Tây Ban Nha ghi nhận số ca nhiễm hàng ngày cao kỷ lục 14.389 hôm 18/9. Tại Madrid, nơi chiếm 1/3 số ca nhiễm, cư dân tại 37 khu vực chỉ được phép rời nhà để đi làm, tới trường học hoặc vì lý do y tế. Công viên và khu vui chơi đều phải đóng cửa từ ngày 21/9.

Anh hạn chế tụ tập nhóm quá 6 người và sẽ đóng cửa toàn bộ quán rượu, nhà hàng sau 22h. Cộng hòa Czech tái áp đặt quy định đeo khẩu trang tại các khu vực trong nhà từ hồi đầu tháng này.

"Điểm mấu chốt là làn sóng Covid-19 đã xuất hiện ở nhiều quốc gia châu Âu. Các hành động của chúng tôi trong vài tuần tới và trong suốt mùa đông sẽ rất quan trọng để ngăn chặn dịch lây lan. Nhưng nếu chúng tôi không xử lý sớm, đặc biệt là ở các quốc gia như Anh, Tây Ban Nha và Pháp ngay từ lúc này, chúng tôi chắc chắn sẽ thấy số người qua đời tăng mạnh", Drobac nhận định.

132 2 Bong Ma Covid 19 De Doa Chau Au

Hàng quán chật kín khách ở phố người Hoa ở London, Anh hôm 19/9. Ảnh: AP.

Drobac thêm rằng châu Âu một lần nữa cần phải "làm phẳng đường cong dịch" thông qua các biện pháp vệ sinh an toàn và giãn cách xã hội, cũng như đẩy mạnh xét nghiệm và truy vết tiếp xúc.

Ông cũng tin rằng "không có khả năng" các nước châu Âu sẽ tái áp đặt phong tỏa toàn bộ đất nước như hồi mùa xuân, một phần do công chúng cảm thấy mệt mỏi và chống đối các hạn chế nghiêm ngặt này. "Tôi nghĩ rất khó để nhận được ủng hộ của cộng đồng và giới chính trị cho điều đó. Tôi nghĩ nó cũng rất khó thực thi vì mọi người đều thấy mệt mỏi", Drobac nói.

"Chúng tôi tin rằng mùa đông chính là điều kiện tuyệt vời để Covid-19 bùng phát. Đó là lý do tôi ước rằng chúng tôi có thể tận dụng mùa hè tốt hơn để tiêu diệt hoàn toàn vi ru s và đảm bảo chúng ta ở vị thế tốt hơn", Drobac nói thêm.

Ủy viên phụ trách y tế của Liên minh châu Âu (EU) Stella Kyriakides cũng cảnh báo châu Âu đang ở "thời điểm quyết định" để đối phó với đợt bùng phát thứ hai và thêm rằng hành động của mọi người hiện tại sẽ quyết định mức độ nghiêm trọng của các biện pháp hạn chế trong vài tháng tới.

"Chúng tôi ở đây để kêu gọi mọi người hành động một cách quyết liệt. Bởi rất có thể đây chính là cơ hội cuối cùng để tránh lặp lại kịch bản của mùa xuân", Kyriakides nói.

Nguồn: Vnexpress.net

 

Bài liên quan