Brexit: Chỉ còn 1 tuần nữa…vẫn chưa có “lối thoát” cho Vương Quốc Anh

Chỉ còn 1 tuần nữa là đến ngày 31-10, hạn chót mà Thủ tướng Boris Johnson khẳng định đưa Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Song quyết tâm “sắt đá” của ông Johnson vẫn gặp trở ngại và cuộc khủng hoảng của nước Anh vẫn tiếp tục bế tắc.

426 1 Brexit Chi Con 1 Tuan Nuavan Chua Co Loi Thoat Cho Vuong Quoc Anh
Hàng trăm nghìn người Anh biểu tình chống Brexit trước Quốc hội Anh ngày 19-10. Ảnh: The Guardian

Ngay sau khi Anh đạt được thỏa thuận với EU ngày 17-10, Hạ viện Anh đã gấp rút tiến hành phiên họp đặc biệt vào ngày “Siêu thứ Bảy” 19-10. Không như kỳ vọng có bước chuyển mới, tiến trình Brexit lại tiếp tục bị trì hoãn khi Hạ viện Anh từ chối bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit mới này.

Thay vào đó, Hạ viện Anh thông qua Dự luật bổ sung về việc hoãn bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit cho đến khi các điều luật thực thi thỏa thuận được ban hành. Dự luật này mang tên Letwin với mục tiêu ngăn chặn Chính phủ tiến hành Brexit không thỏa thuận trong trường hợp Quốc hội không thông qua thỏa thuận Brexit vừa đạt được. Giới phân tích quốc tế cho rằng, đây có thể là hệ lụy từ những hành động cứng rắn trước đó của ông Johnson khi khai trừ 21 nghị sĩ đảng Bảo thủ, chấp thuận nhượng bộ EU về việc thiết lập biên giới hải quan trên biển Ireland khiến mất đi sự ủng hộ của đảng Hợp nhất Dân chủ Bắc Ireland (DUP)…

Trước những “trói buộc” bằng các quy định pháp luật, Thủ tướng Johnson buộc phải chấp hành việc viết thư gửi cho EU vào cuối ngày 19-10 để xin gia hạn Brexit đến ngày 31-1-2020. Điều này là trái với tham vọng đưa Anh rời EU vào hạn chót 31-10 của ông Johnson. Trong bức thứ đầu tiên xin gia hạn Brexit theo đúng quy định, Thủ tướng Johnson đã không ký tên.

Còn bức thư thứ 2 có ký tên, ông Johnson gọi việc xin gia hạn Brexit là một sai lầm, mang đến bất lợi cho cả Anh và EU, đồng thời kêu gọi EU yêu cầu các Nghị sĩ Anh thông qua thỏa thuận Brexit vừa đạt được. Như vậy, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thực thi các nghĩa vụ của mình và không làm cho quyết tâm Brexit bị ảnh hưởng. Trước đó, sau phiên họp “Siêu thứ Bảy”, ông Johnson vẫn phát biểu khẳng định rằng sẽ không đàm phán với EU về việc trì hoãn Brexit.

Cũng theo giới phân tích quốc tế, những ngày cuối tháng 10 sẽ có nhiều diễn biến mới liên quan đến vấn đề Brexit và cũng như mọi diễn biến khác, tất cả đều khó lường và không nằm trong dự tính của cả nước Anh lẫn EU. Các nước EU vốn luôn không hiểu nước Anh muốn gì, bởi nội bộ nước Anh đang từng ngày chia rẽ sâu sắc hơn. Những nỗ lực của Thủ tướng Johnson là không thể xem nhẹ và rất có thể, Chính phủ Anh sẽ đưa ra được những điều luật thực thi thỏa thuận đáp ứng yêu cầu của Quốc hội nhằm đảm bảo mục tiêu Brexit vào hạn chót 31-10.

Sau hơn 3 năm kể từ khi nước Anh tổ chức cuộc trưng cầu ý dân với kết quả tán thành nước Anh phải rời EU, nhưng Brexit vẫn chưa có “lối thoát”. Trong cuộc trưng cầu ý dân đó, có 51,8% người Anh muốn rời EU, trong khi 48,1% còn lại muốn ở lại EU.

Cuối tuần qua, hàng trăm nghìn người Anh đã xuống đường biểu tình chống Brexit. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ năm 2016 với quan điểm chính là nước Anh cần ở lại EU. Tuy nhiên, không khí của cuộc biểu tình thể hiện sự bất bình khi Chính phủ Anh không thể đưa ra phương án rõ ràng và kéo dài “mớ bòng bong” Brexit đầy rối ren và chia cắt sâu sắc trong suốt hơn 3 năm qua.

Thanh Trúc

Bài liên quan