Cuối cùng, thời hạn 31-10 để Anh ra khỏi EU đã kết thúc và nước Anh vẫn không thể có được sự nhất trí về việc rời EU như thế nào.
Bất chấp những nỗ lực và “thủ thuật” của Thủ tướng Boris Johnson, cuối cùng cũng phải quay trở lại kịch bản ngay từ đầu đã được cho là khả dĩ, và triệt để hơn cả là tiến hành bầu cử sớm để Quốc hội mới quyết định về Brexit.
Ông Steve Bray, một người biểu tình chống Brexit, giơ biểu ngữ phản đối bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London hôm 30-10 - Ảnh: REUTERS
Với việc cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày 12-12 này, lần đầu tiên trong gần một thế kỷ qua (kể từ năm 1923), các cử tri Anh sẽ đi bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử vào mùa đông lạnh giá. Nhưng liệu cuộc bầu cử này có phải là phán quyết cuối cùng đối với Brexit?
Không ai quan điểm giống ai
Hơn 3 năm trước, thủ tướng Cameron của Đảng Bảo thủ trong một nước cờ chính trị sai lầm đã đưa vấn đề Anh rời khỏi EU ra trưng cầu ý dân.
Nước cờ này đã không chỉ cướp đi sinh mệnh chính trị của ông và khiến ông trở thành một trong những vị thủ tướng ít được ưa thích nhất ở Anh, mà còn đẩy nước Anh vào cuộc khủng hoảng Brexit mà cho đến nay vẫn chưa có lối thoát.
Một loạt sáng kiến để giải quyết vấn đề Brexit đã được thủ tướng kế nhiệm May cũng như đương kim Thủ tướng Johnson đưa ra nhưng đều không được Quốc hội Anh, bao gồm các nghị sĩ của Đảng Bảo thủ cầm quyền cũng như Công đảng đối lập, đồng ý. EU đã buộc phải hai lần kéo dài thời hạn Brexit để Anh có thể giải quyết ổn thỏa câu chuyện nội bộ.
Cựu thủ tướng Theresa May dù vượt qua được vòng đàm phán cam go với EU để đạt được thỏa thuận Brexit nhưng cuối cùng vẫn không vượt qua được cửa ải Quốc hội khi năm lần bảy lượt thỏa thuận này được đưa ra bỏ phiếu nhưng vẫn bị bác bỏ bởi ngay chính các nghị sĩ trong Đảng Bảo thủ của bà.
Thủ tướng kế nhiệm Johnson dù đã thuyết phục được EU sửa đổi những điểm cơ bản gây tranh cãi nhất trong thỏa thuận nhưng cũng không đủ để thuyết phục được các nghị sĩ Anh. Là bậc thầy về các “thủ thuật” chính trị, ông Johnson đã vận dụng nhiều nước cờ “lắt léo” nhưng cũng không thể vượt qua rào cản của Quốc hội Anh.
Sự bế tắc này đơn giản là vì không ai có quan điểm giống ai về Brexit. Sự chia rẽ không chỉ xảy ra giữa các đảng phái ủng hộ Brexit và các đảng phái ủng hộ việc Anh tiếp tục là thành viên trong EU, mà ngay trong mỗi đảng cũng có những quan điểm khác nhau: có người ủng hộ “ra đi” ngay và luôn, có người ủng hộ “ở lại” hoặc “ra đi” nhưng phải có một thỏa thuận xứng đáng.
Do đó, không ngạc nhiên là bất kỳ một giải pháp nào cũng không thể làm vừa lòng các nghị sĩ trong Quốc hội Anh. Cuối cùng, sau hơn 3 năm không thể nhất trí với nhau về việc giải quyết Brexit như thế nào, các nghị sĩ Anh đã quyết định sẽ để cho những người kế nhiệm họ (hay chính họ nếu được tái cử) trách nhiệm giải quyết vấn đề này.
Điều gì sẽ diễn ra?
Việc cả Đảng Bảo thủ cầm quyền và Công đảng đối lập dù không thể nhất trí với nhau trong việc giải quyết Brexit như thế nào nhưng đều chấp nhận một cuộc bầu cử mới cho thấy mỗi đảng đều có những tính toán của riêng mình trong cuộc bầu cử sắp tới.
Thủ tướng Johnson của Đảng Bảo thủ cầm quyền hi vọng người dân Anh sẽ bỏ phiếu cho ông và cho Đảng Bảo thủ có được đa số phiếu trong Quốc hội để phá vỡ thế bế tắc nhằm thông qua thỏa thuận Brexit với EU hoặc thậm chí ra khỏi EU mà không cần thỏa thuận.
Nhưng dù đang dẫn trước Công đảng trong các cuộc thăm dò dư luận, một kết quả ngoài dự tính tương tự như thất bại trong cuộc bầu cử năm 2017 là một điều không phải không thể xảy ra.
Còn lãnh đạo Công đảng đối lập Corbyn thì tính toán rằng những cử tri Anh mong muốn Anh vẫn ở lại trong EU sẽ bỏ phiếu cho ông như đã từng làm năm 2017 khiến Đảng Bảo thủ mất đi đa số trong Quốc hội. Tuy nhiên, Công đảng của ông lần này phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Đảng Dân chủ tự do cũng ủng hộ việc ở lại EU và đang nhận được nhiều sự ủng hộ của cử tri, nhất là các cử tri trẻ tuổi.
Cho dù Thủ tướng Johnson và lãnh đạo các đảng đều cho rằng cuộc bầu cử lần này không chỉ là Brexit nhưng đối với các cử tri Anh, cuộc bầu cử lần này dù muốn hay không sẽ là một cuộc trưng cầu về Brexit, ít nhất là về cách giải quyết Brexit như thế nào. Hơn 70% cử tri Anh cho rằng Brexit là vấn đề nghiêm trọng nhất mà Anh đang phải đối mặt.
Nhưng liệu một Quốc hội mới có thể phá vỡ bế tắc này không? Câu trả lời là có nhưng không đơn giản như vậy vì còn tùy thuộc vào kết quả của cuộc bầu cử như thế nào.
Với việc cử tri Anh ngày nay bỏ phiếu không chỉ vì lòng trung thành với một đảng phái nào đó như trước đây mà còn bỏ phiếu cho mong muốn ở lại hay ra khỏi EU. Nhiều cử tri ủng hộ Đảng Bảo thủ nhưng vẫn muốn Anh ở lại và ngược lại, cũng không ít cử tri của Công đảng lại ủng hộ Brexit.
Với sự nổi lên của Đảng Dân chủ tự do ủng hộ ở lại và đảng Brexit ủng hộ “ra đi” mà không cần thỏa thuận, kết quả của cuộc bầu cử này như thế nào lại càng khó đoán định.
Nếu không có đảng nào giành được đa số phiếu tại Quốc hội trong cuộc bầu cử ngày 12-12 tới và tương quan giữa các đảng phái trong Quốc hội vẫn như cũ thì việc tổ chức bầu cử sớm này không mang lại kết quả gì.
Và nếu bế tắc của Brexit vẫn không được giải quyết, rất có thể giải pháp cuối cùng sẽ là tiến hành một cuộc trưng cầu ý kiến lần 2 về việc Anh rút ra khỏi EU. Lúc đó mọi việc sẽ quay trở lại nơi đã bắt đầu.
Theo Tô Hoàng / tuoitre.vn