Mâu thuẫn cũ chưa qua, mâu thuẫn mới đã tới. Anh và Liên minh châu Âu tiếp tục bất đồng liên quan đến vị thế của phái bộ ngoại giao thời hậu Brexit.
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là tròn 4 năm ngày diễn ra cuộc trưng cầu ý dân lịch sử tại Anh quyết định việc đi hay ở lại Liên minh châu Âu, song mối quan hệ tương lai giữa hai bên vẫn chưa thể ngã ngũ.
Anh và Liên minh châu Âu tiếp tục bất đồng liên quan đến vị thế của phái bộ ngoại giao thời hậu Brexit. (Ảnh minh họa: KT)
Thời báo Tài chính Anh số ra ngày 24/5 cho biết, mâu thuẫn mới nảy sinh trong tiến trình Anh và Liên minh châu Âu đàm phán về mối quan hệ thương mại hậu Brexit. Hai bên không thể tìm được tiếng nói chung liên quan tới vấn đề Chính phủ Anh trì hoãn trao qui chế ngoại giao đầy đủ cho cơ quan đại diện ngoại giao của Liên minh châu Âu tại London.
Trong khi Liên minh châu Âu yêu cầu qui chế này nên được trao một cách tự động, thì Anh cho rằng “giờ đây nước này đã rời khỏi Liên minh châu Âu, vì thế vấn đề cần phải đàm phán thêm để có những dàn xếp thích hợp. Đây cũng là lập trường mà nước Anh nhiều lần nhấn mạnh tới không chỉ trong vấn đề liên quan đến vị thế của các phái bộ ngoại giao, mà cả trong các vấn đề khác như nghề cá.
Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh Michael Gove tuyên bố: “Vẫn còn một số lĩnh vực mà chúng tôi có sự khác biệt đáng kể, trong đó có nghề cá. Liên minh châu Âu về cơ bản muốn Anh tuân thủ những quy tắc nội khối của họ, dù chúng tôi không còn là thành viên nữa. Họ muốn có quyền tiếp cận với ngư trường của chúng tôi như trước đây trong khi lại hạn chế quyền tiếp cận của chúng tôi vào thị trường của họ.”
Anh và Liên minh châu Âu ban đầu dự kiến hoàn thành các cuộc đàm phán về quy chế của phái bộ Liên minh châu Âu tại Anh vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, nỗ lực này đã không thành công do không nhận được sự ủng hộ của đa số tại Quốc hội Anh và sự bùng phát của dịch Covid-19 hồi tháng 2 vừa qua khiến tình hình càng bế tắc hơn. Theo Thời báo Tài chính Anh, thời hạn chót cho các cuộc đàm phán về vấn đề này là trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit vào ngày 31/12 tới.
Cho đến nay, Anh và Liên minh châu Âu đã tiến hành 3 vòng đàm phán thương mại sau khi Anh rời mái nhà chung Liên minh châu Âu, trong bối cảnh hai bên đều đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong cuộc chiến với cuộc khủng hoảng Covid-19.
Cú sốc mới đây nhất trong quan hệ hai bên có lẽ là việc Anh yêu cầu từ ngày 8/6 tới, tất cả những người nhập cảnh vào nước này bằng mọi phương tiện tầu hỏa, phà hoặc máy bay đều phải cách ly 14 ngày để hạn chế đà lây lan của virus SARS-CoV-2.
Quyết định đã khiến nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu bất bình, đặc biệt là Pháp. Bộ Nội Vụ Pháp đã nhanh chóng cho biết “lấy làm tiếc” và tuyên bố “sẵn sàng áp dụng biện pháp tương tự” đối với mọi hành khách đến từ Anh. Theo phía Pháp, bước đi của Anh không chỉ mang ý nghĩa chống dịch, mà còn thể hiện quyết tâm của Anh sớm giành lại quyền kiểm soát biên giới trong bối cảnh đàm phán hậu Brexit. Những bất đồng này có nguy cơ làm xấu đi mối quan hệ vốn đã nhiều sóng gió giữa hai bên.
Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu Michel Barnier đã cảnh báo: “Vòng đàm phán mới nhất giữa Anh và Liên minh châu Âu là rất đáng thất vọng. Tôi hi vọng vòng tiếp theo vào tháng 6 tới và sau đó là tháng 7 sẽ diễn ra tích cực và có thể tạo ra một quỹ đạo rõ ràng hơn. Mọi bước đi chệch hướng đều có thể dẫn đến thất bại và nguy cơ không thỏa thuận.”
Cả hai vòng đàm phán trước diễn ra vào tháng 3 và tháng 4 vừa qua đều không đạt được tiến triển. Phía Liên minh châu Âu cho rằng Anh chỉ tập trung vào các vấn đề mà họ quan tâm và bỏ qua những nội dung thiết yếu đối với các thành viên Liên minh châu Âu, như đánh bắt cá hay các tiêu chuẩn tối thiểu về y tế và môi trường./.
VOV Paris