Brexit và một nước Anh nhiều âu lo

Nền chính trị nước Anh đang bộc lộ những yếu tố đáng lo ngại khiến nhiều người cảm nhận rằng “xứ sở sương mù” đang trên đà trượt dốc. 

Nếu so với đầu thế kỷ XX, khi đế chế Anh thống trị tới 2/3 hành tinh, trung tâm tài chính London chiếm thế thượng phong, và bản thân nước Anh nhập khẩu và xuất khẩu nhiều hơn bất kỳ nước nào khác, thì nước Anh ngày nay dường như chỉ còn là hào quang của quá khứ, vừa hướng nội lại vừa lo âu, kinh tế trì trệ, chi phí đắt đỏ, xã hội chia rẽ và lo lắng về tương lai. 

Trượt dốc tương đối

Sự trượt dốc của Vương quốc Anh mang tính tương đối hơn là tuyệt đối. Bởi xét tương quan thì một công dân hạng trung của nước Anh ngày nay vẫn giàu có hơn so với công dân của đế chế Anh trước đây. Trong khi đó, những nền kinh tế tiên tiến khác cũng đã trải qua nhiều năm tăng trưởng chậm lại. Mặc dù khoa học và dược phẩm có bước tiến vượt bậc, song nhiều bằng chứng cho thấy sự thoái trào của nước Anh mà người ta khó có thể bỏ qua. 

132 1 Brexit Va Mot Nuoc Anh Nhieu Au Lo Brexit đang làm khó nước Anh. (Nguồn: Sky News)

Các định chế chính trị cốt lõi của nước Anh đang trong giai đoạn suy sụp nghiêm trọng. Trong quá khứ, các cuộc khủng hoảng lớn đã làm nên những tên tuổi lớn như Lloyd George trong Thế chiến thứ nhất và Winston Churchill trong Thế chiến thứ hai. Ngày nay, nước Anh đứng giữa hai sự lựa chọn, một là nhà lãnh đạo thường thường bậc trung mẫn cán như Thủ tướng Theresa May và một người phản đối chuyên nghiệp như ông Jeremy Corbyn. Một phần tư dân số Anh cho biết, họ ủng hộ một đảng cực hữu khi mà họ cảm thấy thất vọng đối với những chính đảng hiện nay. 

Một sự suy giảm tương đối có nguy cơ trở thành tuyệt đối. Kinh tế Anh tăng trưởng chậm lại kể từ năm 2015 bất chấp lãi suất ở mức thấp kỷ lục và đồng bảng rớt giá, trong khi tình trạng mức tăng năng suất ì ạch và lương thực tế giảm trong một thập niên vẫn là những vấn đề gai góc đối với nền kinh tế. 

Trong khi đó, các cuộc tranh cãi giữa các đảng phái, trong đó chủ yếu liên quan đến việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit, gây tâm lý chán nản cho người dân. Những người theo phe ủng hộ "Ở lại" phàn nàn Brexit đang dẫn tới kết cục “tự sát toàn quốc”, trong khi những người ủng hộ Brexit nói rằng giấc mơ của họ bị “phản bội”. Bên cạnh đó cũng tồn tại sự chán nản về gần như mọi khía cạnh của đời sống quốc gia, từ năng lực quốc phòng đến tiềm lực kinh tế.

Tại hội thảo về “Mô hình tăng trưởng của Anh”, do Policy Exchange, tổ chức cuối tháng Bảy vừa qua, không một đại biểu tham dự nào, kể cả cựu quan chức Bộ Tài chính Anh Lord Macpherson, đưa ra được một nhận định tích cực. Còn cựu Thủ tướng Tony Blair nhận định rằng, một trong những thách thức lớn nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 là sự bi quan ngày càng gia tăng đối với năng lực của chính phủ trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống.

3 nguyên nhân cốt lõi

Đây cũng không phải lần đầu tiên người dân Anh tỏ ra chán nản trước những nỗi lo về sự trượt dốc của nước Anh. Theo nhận định của giới phân tích, hiện tồn tại ba yếu tố cốt lõi đằng sau những lo âu này. Yếu tố thứ nhất là sự thất vọng.

Trong 40 năm qua, nước Anh cảm thấy họ đã vượt qua được sự trượt dốc này. Tuy nhiên, họ cũng đối mặt với những vấn đề ngày càng chồng chất. Trước tiên, việc bán nhà hội đồng là điều tốt đối với người thuê nhà và cho cả Bộ Tài chính, song điều này cũng khiến Anh lâm vào cảnh thiếu quỹ nhà ở xã hội. Điều đó cũng làm nảy sinh vấn đề về cân bằng giữa các vùng miền, trong đó sự phát triển bùng nổ của lĩnh vực tài chính đã mang lại dòng tiền chảy vào khu vực Đông Nam, trong bối cảnh miền Bắc vẫn chỉ là cái bóng của chính mình trước đây. 

132 2 Brexit Va Mot Nuoc Anh Nhieu Au Lo Brexit được cho là đã "đầu độc" tâm trạng của người dân Anh. (Nguồn: Getty Images)

Điểm thứ hai được cho là “đầu độc” tâm trạng của người dân Anh chính là nhận sai lầm trong việc rời Liên minh châu Âu (EU). Brexit được thúc đẩy bởi sự kết hợp khác thường giữa sự thất vọng (về mô hình lạc hậu khiến nhiều người bị tụt lại đằng sau) và tâm trạng lạc quan (rằng với việc giải phóng bản thân khỏi EU, nước Anh có thể khởi động lại cỗ máy tăng trưởng). Tuy nhiên, phần lớn các vấn đề của nước Anh đều phát sinh từ các vấn đề nội tại của nước này, chứ không liên quan đến việc tư cách thành viên EU đã cản trở các doanh nghiệp Anh giao dịch với các nước khác trên thế giới.

Trên thực tế, EU vừa ký thỏa thuận thương mại với Nhật Bản và nhất trí hợp tác để tiến tới việc giảm bớt các rào cản thương mại với Mỹ. Hầu hết các nhà kinh tế nhận định rằng bất kỳ kịch bản Brexit nào cũng sẽ làm giảm nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Anh. Và trong trường hợp nước Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào, hậu quả khi đó sẽ lớn. 

Vấn đề thứ ba là những chính sách tồi có thể thỏa mãn tâm lý những người thích cảm giác mạnh hơn, trong khi các cuộc tranh cãi liên quan đến Brexit đã "bơm" những tư tưởng "độc hại" vào trong giới chính trị. Những người ủng hộ Brexit dùng những từ ngữ như “kẻ phản bội” khi đề cập đến đảng Bảo thủ hay Thủ tướng Theresa May. Điều này có thể mang lại cơ hội lớn cho thủ lĩnh Công đảng, ông Jeremy Corbyn, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và thực hiện một chính sách quốc hữu hóa những ngành chủ chốt.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair lập luận rằng nền chính trị Anh vào thời điểm này một là nên tiếp tục sự bất bình hoặc phải đi tìm giải pháp. Vấn đề là ngày càng khó tìm câu trả lời cho vấn đề này và sự bất bình gia tăng từng ngày. 

Báo Thế giới và Việt Nam

Thu Hiền

(theo The Economist)

Bài liên quan