Brexit và những hệ lụy khó lường...

Ngoại trừ thương mại với Liên minh châu Âu (EU) không thay đổi trong 1 năm, Brexit sẽ mang tới cho Anh những hệ lụy lớn.

132 1 Brexit Va Nhung He Luy Kho Luong

Anh dã chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu hôm 01/02

Vào lúc 11 giờ GMT ngày 31 tháng 1, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland cuối cùng không còn là thành viên Liên minh châu Âu. Sau bốn năm tranh luận chính trị, Anh chính thức rời khỏi EU Nhưng điều gì sẽ thay đổi và điều gì sẽ giữ nguyên?

Hơn nửa thế kỷ trước, Vương quốc Anh đã đăng ký làm thành viên Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) vào năm 1961, nhưng Tổng thống Pháp Charles de Gaulle đã chặn nó. Cuối cùng, Vương quốc Anh cũng đã gia nhập liên minh ngay sau cuộc trưng cầu dân ý năm 1973.

Vào tháng 6 năm 2016, đa số người Anh đã bỏ phiếu rời EU. Khi đó Thủ tướng Theresa May đã kêu gọi áp dụng Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, nhưng nước Anh vẫn phải tổ chức cuộc bầu cử sớm, trước khi Quốc hội đồng ý chấp nhận các điều khoản của thỏa thuận Brexit.

Thỏa thuận thương mại hậu Brexit

Trong giai đoạn chuyển tiếp, Vương quốc Anh sẽ tiếp tục tham gia Liên minh Hải quan và Thị trường đơn nhất của EU.

Vào ngày 01 tháng 02, đã bất đầu giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit kéo dài 11 tháng. Trong thời gian này, thương mại giữa Anh và EU hầu như không thay đổi, và Chính phủ London sẽ đàm phán với EU về các điều khoản của thỏa thuận thương mại.

Trong giai đoạn chuyển tiếp, Chính phủ, các công ty và người dân Anh sẽ phải tuân thủ các quy định của EU về mọi thứ, từ tiêu chuẩn sản xuất giấy vệ sinh đến hợp tác quốc phòng và an ninh.

Chính phủ của Boris Johnson cũng sẽ tạo ra một cơ quan mới để bảo vệ các công ty Anh khỏi thiệt hại do các hoạt động thương mại không công bằng và nhập khẩu không thể lường trước được.

Mặc dù những chi tiết vẫn chưa rõ, nhưng có vẻ như cơ quan mới sẽ được thành lập để chống lại việc bán phá giá hàng xuất khẩu giá rẻ, ví dụ như thép Trung Quốc, mà các nhà sản xuất Anh không thể cạnh tranh.

Và nếu thỏa thuận thương mại không được ký kết, thì sau ngày 31 tháng 12 năm 2020, cả hai bên có thể áp dụng thuế quan. Theo hầu hết các nhà kinh tế, đây là một kịch bản khủng khiếp có thể dẫn đến suy thoái kinh tế ở Anh.

Thủ tướng Boris Johnson nói rằng, ông sẽ không yêu cầu gia hạn thời gian chuyển tiếp sau tháng 12 năm 2020. Mặc dù như vậy, nhưng trước đây Thủ tướng Anh cũng đã hứa sẽ không yêu cầu hoãn Brexit sau ngày 31 tháng 10 năm 2019..., nhưng ông đã làm như vậy.

Nhưng ngoài thương mại, còn có những thay đổi nào sẽ được thấy ở Anh?

Hệ thống nhập cư

Trong dự luật rời khỏi Liên minh châu Âu, Chính phủ Anh đã hứa sẽ bảo vệ quyền của các công dân EU hiện sống ở Anh, cũng như các công dân của Thụy Sĩ, Na Uy và Iceland.

Nhưng các công dân EU đến Vương quốc Anh sau ngày 1 tháng 1 năm 2021 sẽ không thể tự động cư trú tại quốc gia này.

Từ đầu năm 2021, Chính phủ Anh sẽ giới thiệu một hệ thống cấp thị thực dựa trên thang điểm giống hệ thống của Australia, như London đã từng đề xuất lần đầu tiên trong khuôn khổ chiến dịch rút khỏi EU vào năm 2016.

Tất cả công dân Liên minh châu Âu, ngoại trừ công dân Cộng hòa Ireland, sẽ phải đối mặt với các rào cản nhập cư giống như công dân ngoài EU.

Nhưng, sẽ có ngoại lệ. Ví dụ, Anh sẽ nới lỏng cấp thị thực cho người nhập cư trong các dịch vụ công cộng, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế. Ngoài ra, sẽ có 10.000 lao động làm việc theo mùa tại các nông trại.

Quên đi vấn đề Ireland

Sau giai đoạn chuyển tiếp, Chính phủ Anh sẽ bắt đầu triển khai giao thức mới trên đường biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.

Điều này sẽ không ảnh hưởng đến thương mại xuyên biên giới, nhưng các thủ tục quan liêu mới sẽ được đưa ra cho bất kỳ hoạt động nhập khẩu hoặc xuất khẩu hàng hóa giữa Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Johnson đã né tránh vấn đề Ireland, ông chỉ hứa rằng, sẽ không có bất kỳ kiểm tra hay rào cản nào cho việc vận chuyển hàng hóa giữa Bắc Ireland và Vương quốc Anh. Tuy nhiên, ông đã sai.

Hàng hóa được vận chuyển qua Biển Ireland sẽ trải qua một thủ tục mới, quy chế hải quan "kép" tại Bắc Ireland sẽ được áp dụng. Ngoài ra, thực phẩm sẽ được kiểm tra bổ sung.

Brexit sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nông dân và ngư dân?

Nông dân Anh sẽ không còn phải tuân theo những gì chính phủ gọi là "Chính sách nông nghiệp thống nhất" của Liên minh châu Âu. Mặt khác, họ sẽ không có quyền nhận trợ cấp của EU mà họ hiện đang nhận được.

Chính phủ cho biết, họ sẽ chuyển sang một hệ thống mới, thay vì nhận tiền tùy thuộc vào diện tích đất canh tác, nông dân sẽ nhận phần thưởng cho việc "cải thiện môi trường, chăm sóc cây trồng, vật nuôi và sản xuất thực phẩm chất lượng cao bằng các phương pháp thân thiện với môi trường".

Chưa có chi tiết nào về hệ thống quản lý môi trường mới này, nhưng các trợ cấp trực tiếp sẽ bị ngừng trong vòng bảy năm.

Các tàu đánh cá bên ngoài Vương quốc Anh sẽ không còn phải tuân theo những gì Chính phủ gọi là "chính sách đánh bắt cá không công bằng của EU", và các ngư dân nước ngoài sẽ không được phép đánh bắt cá trong vùng biển của Vương quốc Anh nếu không có giấy phép đặc biệt.

Chính phủ cho biết, họ sẽ tạo ra cơ chế để xác định "quyền đánh bắt cá của Vương quốc Anh", và điều đó sẽ giúp duy trì và có thể làm tăng sản lượng cá; nhưng vẫn chưa rõ liệu Chính phủ sẽ thiết lập hạn ngạch cho tàu đánh cá của Anh hoặc sẽ hạn chế số ngày mà tàu đánh cá có thể hiện diện trên biển.

Người dân sẽ nhận thấy những thay đổi nào?

Trong giai đoạn chuyển tiếp, các quy tắc du lịch giữa Vương quốc Anh và EU sẽ không thay đổi. Hộ chiếu màu đỏ hoặc đỏ tía của EU sẽ dần được thay thế bằng hộ chiếu màu xanh lính thủy theo mẫu đã được dùng trước năm 1997.

Tội phạm chắc chắn sẽ nhận thấy những thay đổi - sau giai đoạn chuyển tiếp, từ trong sinh hoạt của cư dân, đến việc Vương quốc Anh sẽ không áp dụng lệnh bắt giữ kiểu EU.

Điều đó có nghĩa là việc dẫn độ tội phạm từ các nước EU sang Anh và từ Anh sang EU sẽ trở nên phức tạp hơn, ví dụ như Đức tuyên bố sẽ từ chối mọi yêu cầu dẫn độ của Anh sau ngày 31 tháng 12 năm 2020.

Nguồn: Huy Bình/ Baodatviet.vn

Bài liên quan