Các nước châu Âu dần nới lỏng hạn chế, mở cửa biên giới trở lại

Nhiều biện pháp hạn chế đối với du khách đến EU và khu vực Schengen sẽ được nới lỏng từ ngày 15/6, nhưng các nước vẫn áp đặt một số biện pháp phòng dịch.

Từ ngày 15/6, các quốc gia châu Âu tiếp tục nới lỏng một số biện pháp kiểm soát biên giới sau khi phải đóng cửa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, nhưng Tây Ban Nha vẫn đóng cửa biên giới, một loạt các biện pháp hạn chế ở nhiều nơi khác và các cách thức hoạt động mới cho thấy còn lâu nữa mới khôi phục được mức độ đi lại trước khi đại dịch bùng phát. 

Khu vực tự do đi lại Schengen, gồm 22 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cùng với Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ, cho phép người dân tự do đi lại giữa các nước trong khu vực, nhưng hầu hết các nước này đã phải đóng cửa biên giới trong vòng 3 tháng qua trừ hoạt động vận chuyển hàng hóa và những người có nhiệm vụ cấp thiết.

132 1 Cac Nuoc Chau Au Dan Noi Long Han Che Mo Cua Bien Gioi Tro Lai

Ủy viên phụ trách các vấn đề nội bộ của EU Ylva Johansson đã hối thúc các nước thành viên Schengen dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới trong nội bộ khối từ ngày 15/6, và cho phép mở cửa dần dần với các nước khác từ tháng Bảy tới. 

Từ Iceland đến Hy Lạp, nhiều biện pháp hạn chế đối với du khách đến EU và Schengen sẽ được nới lỏng từ ngày 15/6, nhưng các nước vẫn áp đặt một số biện pháp phòng dịch. Hy Lạp sẽ yêu cầu cách ly đối với những người đến nước này từ các sân bay ở 8 nước EU.

Cộng hòa Séc sẽ cấm du khách đến từ những quốc gia được đánh giá ở mức "cam" và "đỏ," những nước được cho là có nguy cơ nhiễm bệnh cao, như Bồ Đào Nha và Thụy Điển.

Trong khi đó, Đan Mạch sẽ đón tiếp du khách từ Iceland, Đức và Na Uy với điều kiện họ phải lưu trú ít nhất 6 đêm.

Anh và Pháp đều có quy định cách ly bắt buộc hai tuần đối với các du khách đến hai nước này. Trong khi đó, Tây Ban Nha chưa mở cửa biên giới cho người nước ngoài cho đến ngày 21/6 tới, ngoại trừ một số đảo.

Trước dịch bệnh, mỗi ngày có trung bình 3,5 triệu lượt di chuyển giữa các nước trong EU, trong đó 1,7 triệu lượt là của người đi làm. 

Về tình hình dịch bệnh, ngày 14/6, Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy cho biết nước này ghi nhận thêm 338 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa tổng số ca mắc bệnh COVID-19 lên 236.989 trường hợp.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, số ca tử vong tại Italy cũng tăng 44 người, lên 34.345 trường hợp. Trong khi đó, số ca hồi phục tăng 1.505 ca, lên 176.370 người./.

Trần Quyên-Hải Linh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn: Tổng hợp

 

Bài liên quan