Giới chức EU bày tỏ lo ngại, Châu Âu có thể phải đối mặt với gia tăng lây nhiễm COVID-19 trong những tuần tới sau các cuộc biểu tình rầm rộ.
Reuters đưa tin, hàng chục nghìn người biểu tình đã tập trung tại các thành phố lớn của Châu Âu trong những ngày gần đây để biểu tình chống phân biệt chủng tộc sau vụ cảnh sát giết người da màu George Floyd tại Mỹ.
Cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc diễn ra ở Berlin, Đức. Ảnh: AFP
"Nếu bạn khuyên mọi người nên giữ khoảng cách 1,5 m và mọi người vẫn đứng cạnh nhau, ôm nhau, thì tôi không có cảm giác tốt về điều đó'', Reuters dẫn lời Jozef Kesecioglu, Chủ tịch Hiệp hội Chăm sóc y tế đặc biệt Châu Âu, phát biểu trước hội nghị hôm 11.6 cho biết.
Khi được hỏi liệu có thể có sự gia tăng các ca lây nhiễm COVID-19 trong hai tuần tới không, ông nói: "Có, nhưng hi vọng là tôi đã sai".
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đã lên tiếng kêu gọi mọi người không nên tham dự các cuộc tụ họp lớn hơn sáu người, bao gồm cả các cuộc biểu tình.
"Tôi hiểu rằng mọi người muốn thể hiện quan điểm của mình cho một vấn đề mà họ quan tâm sâu sắc. Nhưng đây là một loại virus phát triển mạnh khi tiếp xúc xã hội, bất kể vấn đề của bạn là gì", Bộ trưởng nói trong một cuộc họp báo hàng ngày.
Hầu hết các nước Châu Âu đã vượt qua đỉnh điểm của đại dịch và đang dần mở cửa trở lại kinh doanh và đường biên giới, do các ca nhiễm đã giảm dần trong những tuần qua. Nhưng các cuộc tụ họp đông người có thể tác động đến xu hướng tích cực này.
Trước thực trạng các cuộc biểu tình gần đây, các nhà khoa học đang dự kiến một làn sóng thứ hai sẽ xảy ra chỉ sau mùa hè.
Vẫn chưa rõ COVID-19 bị ảnh hưởng như thế nào bởi các yếu tố mùa vụ và mọi người dành nhiều thời gian ở ngoài trời, nơi các giọt bắn virus phân tán nhanh hơn, có khả năng giúp hạn chế sự lây lan của nó.
Tuy nhiên, tác động tích cực của việc ở ngoài trời có thể bị phản tác dụng nếu không tuân thủ giãn cách xã hội.
"Đối với bất kỳ bệnh hô hấp truyền nhiễm nào, các sự kiện lớn có thể là con đường lây truyền chính", Martin Seychell - quan chức y tế tại Ủy ban Liên minh Châu Âu cho biết, và nói thêm rằng, virus vẫn đang lưu hành, mặc dù với tốc độ thấp hơn so với vài tuần trước.
Khả năng và quy mô của làn sóng thứ hai sẽ phụ thuộc vào việc duy trì hiệu quả các biện pháp giãn cách xã hội và các yếu tố khác, nhiều trong số đó vẫn chưa được biết đến, ông Martin Seychell quan ngại.
Bộ trưởng Y tế Italia Roberto Speranza cũng đưa ra một lưu ý thận trọng: "Làn sóng thứ hai không chắc chắn sẽ xảy ra nhưng vẫn có thể''.
Nguồn: Tri thức