Người châu Âu dường như vẫn tin rằng COVID-19 không nghiêm trọng hơn cúm và sẽ khó đe dọa đến đời sống kinh tế và xã hội thường nhật. Đó là giải thích của GS Hà Lan về lý do dịch đang lây lan nhanh ở châu Âu.
"Chính phủ của họ đến nay chỉ triển khai các biện pháp nhẹ nhàng và công dân của họ không phải điều chỉnh lại lối sống. Nhưng các thông tin, số liệu và kinh nghiệm từ châu Á cho thấy họ nên làm ngược lại" - giáo sư W.M. de Jong của Đại học Eramus Rotterdam, Hà Lan, nhận định ngày 7-3, một ngày trước khi Ý buộc phải cách ly 16 triệu người tại miền bắc để ngăn dịch lây lan.
Chậm hành động
Đến cuối tháng 2-2019, khi Ý có hơn 200 ca nhiễm, 7 người chết và là ổ dịch lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Hàn Quốc, Anh vẫn chỉ khuyến cáo người dân du lịch trở về từ miền bắc nước Ý nên tự cách ly ở nhà nếu có các triệu chứng giống cúm. Nghị viện châu Âu ngày 25-2 cũng yêu cầu tất cả nhân viên từng du lịch ở miền bắc nước Ý tự cách ly và đi làm trở lại khi có sự đồng ý của bác sĩ.
Tại thời điểm đó, chỉ có Pháp là nước ở châu Âu duy nhất áp dụng biện pháp cách ly người trở về từ bắc Ý.
Trong khi đó, tại châu Á, Trung Quốc là một trong những nước châu Á cứng rắn khi phong tỏa hàng loạt thành phố, hạn chế du lịch, xây dựng hàng loạt bệnh viện dã chiến.
Còn Hàn Quốc "tuyên chiến" với virus corona chủng mới và lập ngân sách 10 tỉ USD để chống dịch, Nhật hủy hàng loạt sự kiện lớn. Nhiều nơi như Hong Kong, Singapore tổ chức các chiến dịch lớn để tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa.
Ngày 10-3, khi dịch đã lan ra toàn bộ các nước Liên minh châu Âu (EU), các nhà lãnh đạo khối mới tổ chức cuộc họp trực tuyến bàn về các biện pháp chung để đối phó với COVID-19, nhưng nội dung trọng tâm lại là giảm bớt các thiệt hại kinh tế từ dịch.
Các nước EU có thể ngừng hiệp ước Schengen, vốn cho phép tự do đi lại giữa các nước trong khu vực, trong các tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, việc hạn chế đi lại trong khu vực Schengen là một thách thức dù nhiều thành viên đang bị ảnh hưởng nặng bởi dịch.
Trong cuộc họp của bộ trưởng y tế các nước EU ngày 6-3, Bộ trưởng Đức Jens Spahn vẫn loại trừ khả năng hạn chế đi lại trên khắp khu vực dù việc này khiến nhiều nước lo sợ.
"Các nước châu Âu không thể cấm công dân Ý nhập cảnh trong khu vực Schengen. Cách khả thi duy nhất là thủ tướng Ý kêu gọi công dân tránh du lịch đến các nước EU" - Thủ tướng CH Czech Andrej Babis kêu gọi vào ngày 10-3.
Đó là chưa kể hi vọng châu Âu đồng lòng phối hợp chống dịch cũng tan biến khi các nước tranh luận về việc một số nước lớn như Đức, Pháp kiên quyết giữ lệnh cấm xuất khẩu các vật dụng y tế như khẩu trang.
"Lý do là vì tình hình ở các nước chúng tôi khác với những nước khác. Chúng tôi đang ở giai đoạn khác so với các nước, vốn vẫn đang phát hiện và khống chế các ca nhiễm" - ông Spahn nói ngày 6-3.
Binh sĩ Hàn Quốc phun thuốc tẩy trùng ở khu nhà tại Daegu ngày 9-3 - Ảnh: Reuters
Không nguy hiểm hơn cúm?
Cũng có ý kiến cho rằng những biện pháp cứng rắn của Trung Quốc khó có thể áp dụng được tại phương Tây, chưa kể quy mô dịch bệnh ở Trung Quốc cũng khác.
Tuy nhiên, nhìn vào phản ứng của các nước phương Tây đến hiện tại vẫn cho thấy COVID-19 dường như không phải là mối đe dọa nghiêm trọng.
"Năm ngoái có 37.000 người Mỹ chết vì cúm... Không có gì phải đóng cửa, cuộc sống và kinh tế vẫn tiếp diễn. Tại thời điểm này có 546 ca nhiễm virus corona với 22 người chết. Hãy nghĩ về điều đó" - Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter ngày 9-3, khi dịch đã xuất hiện ở 34 bang của nước Mỹ.
Trong khi đó, Anh, với khoảng 320 ca nhiễm, cùng ngày cho biết nước này vẫn đang trong giai đoạn "ngăn chặn" dịch, tức vẫn ở giai đoạn 1 trong bốn giai đoạn chống dịch là ngăn chặn, kiềm chế, nghiên cứu và giảm nhẹ. Ở giai đoạn 1 này, các sự kiện thể thao thậm chí vẫn được phép diễn ra.
Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại các lãnh đạo phương Tây đang lặp lại sai lầm của các nước châu Á.
"Chúng ta đang có cơ hội để thoát khỏi dịch... nhưng thay vào đó, ông Trump tập trung vào một chính sách đơn thuần là ngăn chặn - giữ nước Mỹ tránh khỏi dịch thông qua cấm du lịch và cách ly" - Matthew Kavanagh, chuyên gia y tế của Đại học Georgetown (Mỹ), nhận định và cho rằng các biện pháp ngăn chặn hiện đã không còn hữu hiệu.
Tại thời điểm này, ở Trung Quốc, Ý, Hàn Quốc và Mỹ, chúng ta đang bước vào giai đoạn diễn ra sự lây lan cộng đồng, có nghĩa là chúng ta không thể cách ly toàn bộ mọi người, không thể ngăn điều đó bằng việc cấm đi lại.
Hàn Quốc tự tin chống dịch
Chính phủ Hàn Quốc đang kỳ vọng về một bước ngoặt mới trong công tác phòng dịch, sau khi số ca mắc bệnh COVID-19 đã giảm dưới ngưỡng 200 ca/ngày.
Theo Hãng tin Yonhap, khi chủ trì phiên họp với đội ngũ cố vấn của phủ tổng thống Hàn Quốc chiều 10-3, Tổng thống Moon Jae In đã chủ động cởi bỏ khẩu trang và nhấn mạnh cần tiếp tục duy trì xu hướng giảm ca mắc bệnh mới.
Ông nhấn mạnh: "Nếu số bệnh nhân mới tiếp tục giảm thêm, dịch bệnh bước vào giai đoạn ổn định, Hàn Quốc sẽ có thể được coi là một điển hình về phòng chống dịch".
Tổng thống Moon đã đánh giá cao công tác đối phó với dịch bệnh của chính phủ và cảm ơn sức mạnh của người dân đã tạo nên thành quả.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh thêm rằng chưa thể lạc quan vào lúc này, đặc biệt là khi trên cả nước vẫn ghi nhận các ca nhiễm tập thể quy mô nhỏ và không loại trừ khả năng sẽ lan rộng hơn. Chính quyền Seoul dự kiến sẽ điều tra toàn diện những khu vực có rủi ro cao, như các viện dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội... để chủ động đối phó.
Về quy định mua khẩu trang các ngày trong tuần theo số cuối của năm sinh, Tổng thống Moon nhấn mạnh rằng "đây là một biện pháp bất khả kháng" nên đề nghị người dân hợp tác thực hiện trên tinh thần "quan tâm, nhường nhịn lẫn nhau".
Ông cũng đề nghị các cố vấn phủ tổng thống làm gương trong sử dụng khẩu trang vải, ngoại trừ các trường hợp được khuyến nghị sử dụng khẩu trang y tế, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ hướng dẫn của cơ quan phòng dịch cho đến khi nguồn cung khẩu trang được đảm bảo.
HỒNG VÂN