Việc khí hậu bất ngờ ấm lên và các lô LNG được mua thành công giúp châu Âu có nhiều khí đốt hơn nhu cầu sử dụng.
Sau khi bị Nga cắt nguồn cung khí đốt đã phụ thuộc lâu nay, châu Âu ráo riết nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) trên toàn cầu để làm đầy kho dự trữ. Nỗ lực này đã giúp tỷ lệ dự trữ nói chung ở châu Âu đạt 93,6%. Riêng Đức đã lấp đầy 97,5%.
Hiện tại, việc khí hậu bất ngờ ấm lên và mua thành công nhiều lô LNG giúp châu Âu có nhiều khí đốt hơn nhu cầu sử dụng. Giá khí đốt cũng đã giảm mạnh, hiện chỉ bằng chưa đầy một phần ba đỉnh mùa hè.
Rủi ro vẫn còn ở phía trước, vì tình hình còn phụ thuộc lớn vào thời tiết. Một đợt rét đột ngột cũng có thể khiến châu Âu phải dùng đến khí đốt dự trữ. Các chính phủ thì vẫn đang lo ngại cơ sở hạ tầng về năng lượng bị phá hoại khiến tình hình đảo chiều. Nhưng ít nhất thì đến cuối tháng 10, tình hình tại châu Âu cũng khá hơn nhiều so với kỳ vọng của giới chức.
"Tình trạng dư thừa khí đốt được dự báo kéo dài đến ít nhất là tháng 12", Giacomo Masato - nhà phân tích tại công ty năng lượng Illumia cho biết.
Giá khí đốt châu Âu hiện thấp nhất nửa năm. Ảnh: Bloomberg
Nguồn cung khí đốt từ Nga đã giảm từ năm ngoái. Đến hè năm nay, lượng khí chảy qua Nord Stream 1 cũng bị ngừng hẳn trước khi đường ống chủ chốt này phát nổ vài lần tháng trước. Thời tiết ấm đang giúp hạn chế nhu cầu tại châu Âu. Tuy nhiên, các chính trị gia vẫn lo ngại giá khí đốt thấp - so với đỉnh mùa hè - sẽ kéo lượng tiêu thụ lên cao khi nhiệt độ hạ xuống.
Giá khí đốt hiện vẫn ở mức thấp nhất kể từ tháng 6. Tuy nhiên, giá khí giao tháng 2/2023 hiện cao hơn 44% so với tháng 11. Giá cho mùa đông năm tới còn cao hơn, cho thấy các vấn đề về nguồn cung được dự báo còn kéo dài.
Những điều này có nghĩa giảm tiêu thụ, dù giá đang thấp, vẫn là điều cần thiết. Theo Timera Energy, nhu cầu khí đốt năm 2022 được dự báo giảm 7-9%, "chủ yếu nhờ các công ty trong lĩnh vực công nghiệp". Tuy nhiên, mục tiêu của EU là giảm tới 15%.
"Khả năng châu Âu tránh được khủng hoảng điện và khí đốt trong 2 năm tới phụ thuộc vào mức độ giảm nhu cầu", Timera cho biết, "Chúng tôi cho rằng cuộc khủng hoảng này còn lâu mới chấm dứt".
Dù việc lấp đầy các kho dự trữ giúp xoa dịu phần nào sức ép trên thị trường, nó chỉ đủ giúp Đức đáp ứng nhu cầu trong 2 tháng lạnh. Vì thế, châu Âu vẫn cần mua thêm LNG.
Tuy nhiên, mô hình thời tiết của Bloomberg cho thấy trời sẽ vẫn ấm hơn bình thường cho đến tháng 11. Và hiện tại, các tàu chở khí đốt vẫn đang đổ đến châu Âu.
Tây Bắc Âu sẽ nhận 82 tàu chở LNG tháng này, tăng 19% so với tháng 9. Nhiều tàu khác đang chờ cập cảng do khả năng tiếp nhận hạn chế, hoặc muốn bán với giá cao hơn, theo hãng môi giới tàu biển Fearnleys A/S. Tình hình này có thể kéo dài đến giữa tháng 1, theo Oystein Kalleklev - Giám đốc hãng tàu chở khí đốt Flex LNG (Na Uy) cho biết.
Khi giá khí đốt giảm, nhu cầu từ châu Á có thể tăng lên và Nga sẽ ngừng cung cấp khí đốt qua Ukraine. Cả hai việc này đều có thể gây sức ép tăng lên giá khí đốt, khiến việc tích trữ năm sau khó khăn hơn.
Trong khi đó, các quan chức năng lượng châu Âu vẫn đang thảo luận về trần giá khí đốt tạm thời. Một trong những vấn đề được bàn tới là trần giá có thể khiến họ khó tiếp tục mua LNG trong mùa đông này.
"Khi nhiệt độ giảm xuống và các kho dự trữ được dùng hết, sự mất cân đối cung - cầu sẽ khiến giá tăng cao, từ đó gây sức ép lên lạm phát", Katja Yafimava - nhà nghiên cứu tại Viện Năng lượng Oxford nhận định, "Vấn đề này có thể sẽ càng cấp thiết trong mùa đông tới".
Hà Thu (theo Bloomberg)