Châu Âu “đau đầu” trước “quân bài di cư” của Thổ Nhĩ Kỳ

Với lý do chính là không thể “chịu tải” dòng người di cư, Tổng thống Erdogan đã tuyên bố “mở cửa” biên giới cho người tị nạn vào châu Âu.

Trước những diễn biến bất lợi trên chiến trường Syria, “con bài di cư” đang được Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng nhằm gây sức ép với đồng minh Liên minh châu Âu, để nhận được sự ủng hộ lớn hơn về quan điểm và được hỗ trợ nhiều hơn nữa trong vấn đề Syria. Dù chưa biết bước đi này sẽ đem lại hiệu quả tới đâu, song trước mắt, nó khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải hứng chịu nhiều chỉ trích hơn là sự ủng hộ.

Với lý do chính là không thể “chịu tải” nổi dòng người di cư đổ về Thổ Nhĩ Kỳ do cuộc xung đột leo thang ở tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã tuyên bố “mở cửa” biên giới cho người tị nạn từ nước này vào châu Âu.

“Chúng tôi đã mở cửa biên giới. Ngay lập tức, khoảng 18.000 người đã tới khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Hy Lạp. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng. Chúng tôi sẽ không đóng cửa biên giới trong những ngày tới và điều này sẽ tiếp tục”, ông Erdogan nói.

Hầu hết những người di cư này đến từ Syria, Afghanistan và một số quốc gia Trung Đông khác. Họ đã đổ dồn về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Hy Lạp khi “giấc mơ trời Âu” của họ 1 lần nữa được khơi dậy, bất chấp việc Hy Lạp và các nước châu Âu đang tìm cách ngăn lại. Tuy nhiên, giấc mơ đó không dễ gì bị dập tắt.

132 1 Chau Au Dau Dau Truoc Quan Bai Di Cu Cua Tho Nhi Ky

“Chúng tôi không quan tâm những gì họ nói, chúng tôi không quan tâm đến nơi chúng tôi sẽ đi đến và dừng lại. Điều chúng tôi quan tâm là tìm một nơi an toàn cho những đứa con của mình. Chúng tôi không quan tâm những gì họ nói, cho dù đó là các nước Ả Rập hay các nước châu Âu”, một người di cư bày tỏ.

Để đối phó với làn sóng di cư “có nguy cơ sẽ ngày 1 lớn”, Hy Lạp và các nước châu Âu đang “đau đầu” cùng nhau tìm cách đối phó. Hôm qua, 3 lãnh đạo cao nhất của Liên minh châu Âu là Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli đã tới Hy Lạp, để thể hiện tình đoàn kết với quốc gia này trong cuộc khủng hoảng di cư “tiềm ẩn”; cam kết khoản hỗ trợ ban đầu cho Hy Lạp trị giá giá 700 triệu euro, tương đương 782 triệu USD. Ngoài ra, một lực lượng bảo vệ biên giới của EU cũng sẽ được cử tới biên giới Hy Lạp – Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ ngăn dòng người di cư.

Tiếp đoàn quan chức châu Âu, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã lên tiếng chỉ trích hành động mở cửa biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ để người di cư tràn vào châu Âu, coi đây là điều “không thể chấp nhận”. Nhà lãnh đạo Hy Lạp khẳng định, nhiều người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ muốn vào châu Âu không đến từ tỉnh Idlib, hoặc nhiều người đang có cuộc sống tốt ở Thổ Nhĩ Kỳ và Ankara đã sử dụng người di cư như “một con tốt” để phục vụ “trò chơi địa chính trị trong khu vực”.

“Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm hoàn toàn tuyên bố của EU – Thổ Nhĩ Kỳ, khuyến khích và hỗ trợ một cách có hệ thống hàng chục nghìn người tị nạn và người di cư vào Hy Lạp bất hợp pháp. Hành động này đã thất bại và sẽ tiếp tục thất bại. Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng người di cư để thúc đẩy chương trình nghị sự địa chính trị của mình, chuyển hướng sự chú ý ra khỏi tình hình khủng khiếp tại Syria. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề tị nạn và tìm một giải pháp cho câu hỏi hóc búa ở Syria, nhưng không phải trong những trường hợp như thế này”, Thủ tướng Hy Lạp Mitsotakis nói.

Đồng tình với quan điểm này, từ Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nêu rõ nước này hiểu rằng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn từ châu Âu, song điều đó “hoàn toàn không thể chấp nhận” được khi Ankara buộc người tị nạn phải gánh chịu hậu quả.

Dự kiến, trong ngày hôm nay, Bộ trưởng nội vụ các nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ nhóm họp bất thường, để bàn về vấn đề này./.

Theo Đình Nam / vov.vn

Bài liên quan