Số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 10 ngày, lần đầu tiên vượt mốc 200.000 ca nhiễm mới hôm 22-10.
Vùng Lombardy của Ý đã ban hành lệnh giới nghiêm ban đêm trong 3 tuần - Ảnh: REUTERS
Cho đến nay, châu Âu đã có hơn 7,8 triệu người nhiễm virus corona và hơn 247.000 người chết vì đại dịch này, theo Hãng tin Reuters.
Các quốc gia như Ý, Áo, Croatia, Slovenia và Bosnia đều báo cáo số ca mắc mới hàng ngày cao nhất hôm 22-10. Châu Âu lần đầu tiên ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm mới hằng ngày là vào ngày 12-10.
Hãng tin Reuters cho biết châu Âu là khu vực đang ghi nhận nhiều ca nhiễm hằng ngày hơn Ấn Độ, Brazil và Mỹ cộng lại, một phần là do các nước trong khu vực này đã tiến hành nhiều xét nghiệm COVID-19 hơn hồi làn sóng thứ nhất của dịch bệnh.
Theo thống kê của trang worldometers.info, thế giới ngày 22-10 ghi nhận 478.132 ca mắc mới, trong đó châu Âu chiếm 217.438 ca. Tính đến nay, châu Âu chiếm gần 19% số ca nhiễm toàn cầu và khoảng 22% ca tử vong toàn cầu.
Tại Tây Âu, Pháp, số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày đang ở mức cao nhất châu Âu với khoảng 25.480 ca nhiễm mỗi ngày, riêng ngày 22-10 lên tới hơn 41.500 ca. Để làm chậm sự lây nhiễm của virus corona, Thủ tướng Pháp Jean Castex ngày 22-10 thông báo mở rộng lệnh giới nghiêm, ảnh hưởng tới hơn 2/3 dân số của nước này.
Một quốc gia khác ở Tây Âu là Hà Lan cũng có hơn 9.000 ca mới trong 24 giờ, một kỷ lục mới của nước này, theo Viện Y tế công cộng quốc gia (RIVM) ngày 22-10.
Đức cũng lần đầu tiên ghi nhận hơn 10.000 người nhiễm mới trong ngày 22-10. Nước này đã mở rộng cảnh báo du lịch với Thụy Sĩ, Ireland, Ba Lan, hầu hết các khu vực của Áo và Ý, bao gồm thủ đô Rome.
Các bệnh viện khắp châu Âu vẫn đang trong tình trạng căng như dây đàn, số ca nhập viện để điều trị COVID-19 cũng đang tăng trở lại.
Đầu tuần này, một chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói rằng châu Âu và Bắc Mỹ nên noi gương các quốc gia châu Á, kiên trì với các biện pháp chống COVID-19 và cách ly bất cứ người nào nhiễm bệnh.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online