Bắt đầu xuất hiện dấu hiệu người dân Anh không chấp hành yêu cầu ở nhà, khi số liệu cho thấy người sử dụng phương tiện giao thông các loại gia tăng trong những ngày qua.
Theo Telegraph, số lượng người sử dụng xe hơi và phương tiện giao thông công cộng, vốn đã giảm kể từ khi chính phủ công bố các yêu cầu giãn cách xã hội nghiêm ngặt từ ngày 23/3, có xu hướng tăng trở lại trong những ngày vừa qua, bắt đầu từ đầu tuần này.
Giới chức cũng quan ngại rằng khi trời nắng lên vào cuối tuần này, với nhiệt độ ở London tăng lên khoảng 20 độ C (đang ở mức 10 độ C), sẽ có thêm nhiều người bất chấp lệnh phong tỏa để ra ngoài tận hưởng ánh nắng, khi kỳ nghỉ lễ Phục Sinh bắt đầu.
Ông Mervyn King, cựu thống đốc Ngân hàng Anh, cho rằng sẽ có một "sự nổi loạn" nếu lệnh phong tỏa được ban hành quá lâu.
Nhân viên dọn dẹp cửa hàng tại chợ Brixton ở phía nam thủ đô London. Nhiều người Anh bắt buộc phải làm việc vì họ không được nhận trợ cấp từ chính phủ. Ảnh: Getty.
Nhiều lao động tự do không nằm trong danh sách được hưởng trợ cấp của chính phủ cũng sẽ cảm thấy họ không có lựa chọn nào khác là phải trở lại làm việc, một cố vấn chính phủ chia sẻ với Telegraph.
Ông Alok Sharma, Bộ trưởng Phát triển Quốc tế, thừa nhận "sự gián đoạn cực độ" xảy ra với cuộc sống của người dân, nhưng cảnh báo rằng một đợt bùng phát đỉnh điểm thứ 2 có thể xuất hiện nếu các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ sớm.
"Mọi người sẽ hiểu tại sao chúng ta phải áp đặt những hạn chế này trên khắp đất nước, và thủ tướng đã nói rõ rằng mọi thứ sẽ kéo dài trong 3 tuần và sau đó chúng ta sẽ xem xét chúng", ông Sharma phát biểu.
"Nhưng điều cũng rất qua trọng là, nếu chúng ta dừng các biện pháp phong tỏa quá sớm, có khả năng rằng những nỗ lực khổng lồ của mọi người sẽ bị đổ bể, và chúng ta có khả năng nhìn thấy một đợt đỉnh dịch thứ 2. Chúng ta hoàn toàn muốn tránh điều đó", ông nói thêm.
Giáo sư Yvonne Doyle, Giám đốc Y tế của Cơ quan Y tế Công cộng Anh, cho biết việc gia tăng trong hoạt động giao thông là xu hướng đáng lo ngại đôi chút.
Theo Zing