Ngày 10/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, Chính phủ Anh sẽ từ chối việc tiếp tục gia hạn Brexit, vài giờ sau khi các nghị sĩ Anh ban hành nghị quyết có hiệu lực yêu cầu chính phủ trì hoãn việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu cho đến năm 2020 trừ khi có thể đạt được thỏa thuận Brexit.
Như vậy, lần thứ hai trong một tuần, các nhà lập pháp Anh từ chối yêu cầu của ông Johnson, để cố gắng phá vỡ bế tắc thông qua một cuộc bầu cử quốc gia sớm. Tổng cộng 293 trong số 650 thành viên nghị viện vào ngày 10/9 đã ủng hộ đề xuất này, thiếu 2/3 số phiếu cần thiết. Các nghị sĩ đối lập đã bỏ phiếu chống lại các biện pháp của chính phủ hoặc bỏ phiếu trắng. Quốc hội Anh sẽ ngừng hoạt động cho đến ngày 14/10.
Với diễn biến này, Thủ tướng Anh dường như đã mất quyền kiểm soát việc ra đi của Anh khỏi EU với sự chấp thuận của luật pháp, điều này buộc ông phải tìm cách trì hoãn trừ khi ông có thể đạt được thỏa thuận mới tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng tới. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo EU đã nhiều lần nói rằng họ đã không nhận được các đề xuất cụ thể trước hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 17-18/10, mà ông Johnson hy vọng có thể đảm bảo một thỏa thuận.
Sau kết quả bỏ phiếu về một cuộc bầu cử sớm tại Quốc hội, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, chính phủ sẽ gây áp lực với việc đàm phán một thỏa thuận, đồng thời chuẩn bị rời đi mà không có thỏa thuận nào. Ông Johnson cũng nhấn mạnh việc sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 10 và cho dù có sự từ chối từ Quốc hội thì vẫn sẽ cố gắng đạt được một thỏa thuận vì lợi ích quốc gia. Chính phủ này sẽ không trì hoãn Brexit thêm nữa.
Brexit, động thái địa chính trị quan trọng nhất của Vương quốc Anh trong nhiều thập kỷ, vẫn còn nhiều bế tắc trong vòng 3 năm nay kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, với các kết quả có thể xảy ra vào ngày 31 tháng 10 mà không có thỏa thuận Brexit. Dự luật tìm cách chặn Brexit không có thỏa thuận, được thông qua vào ngày 9/9 khi nhận được sự đồng ý từ Nữ hoàng Anh Elizabeth, sẽ buộc ông Johnson phải xin gia hạn ba tháng tới hạn chót ngày 31 tháng 10 trừ khi Nghị viện Anh đã phê chuẩn thỏa thuận hoặc đồng ý trước ngày 19/10 để rời đi mà không thỏa thuận.
Ông Johnson đã lên nắm quyền Thủ tướng vào tháng 7 sau khi người tiền nhiệm – bà Theresa May – thất bại trong việc thúc đẩy Thỏa thuận Brexit thông qua Nghị viện. Dưới sự lãnh đạo của ông Johnson, cuộc khủng hoảng Brexit kéo dài ba năm của Anh đã từng bước được tăng cường, khiến thị trường tài chính và doanh nghiệp hoang mang trước một loạt các quyết định chính trị của Thủ tướng Anh.
BlackRock, một công ty đầu tư của Mỹ quản lý 6,8 nghìn tỷ USD cho biết, một Brexit không có thỏa thuận hoặc một cuộc trưng cầu dân ý đã dần trở nên hợp lý hơn.
Chính phủ của Thủ tướng Johnson vẫn kiên quyết muốn tìm một thỏa thuận và có nhiều thời gian để tìm một thỏa thuận trước hội nghị thượng đỉnh EU tháng 10. Dự luật có hiệu lực vào ngày 9/9 cho phép một kịch bản Brexit không thỏa thuận có thể diễn ra vào ngày 31/10 nếu Nghị viện phê chuẩn việc Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận vào ngày 19/10.
Tuy nhiên, Nghị viện hiện nay chưa chắc chắn có thay đổi quan điểm và phê chuẩn Brexit không thỏa thuận sau đó hay không.
Việt Dũng