Tình hình chính trường nước Anh đang trở nên phức tạp khi hai Bộ trưởng quan trọng bậc nhất đối với vấn đề Brexit đã từ chức.
Việc Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đệ đơn từ chức chỉ ít giờ sau sự ra đi của Bộ trưởng phụ trách Brexit Anh là ông David Davis, đang đẩy chính phủ của nữ Thủ tướng Theresa May vào một tình thế rất phức tạp.
Chỉ trong chưa đến 24 tiếng đồng hồ, 2 Bộ trưởng quan trọng bậc nhất đối với vấn đề Brexit đã từ chức. Và trong 8 tháng đã qua, con số Bộ trưởng Anh từ chức vì các bất đồng liên quan đến Brexit đã lên đến 11 người.Tình hình chính trường nước Anh đang trở nên đặc biệt phức tạp. Sau sự ra đi của Bộ trưởng phụ trách Brexit David Davis, ngày 9/7, Ngoại trưởng Anh, Boris Johnson cũng đã đệ đơn từ chức lên Thủ tướng Theresa May với cùng lí do là bất đồng quan điểm với nữ Thủ tướng Theresa May trong việc xử lý hồ sơ Brexit, khi cho rằng bà May nhượng bộ Liên minh châu Âu quá nhiều và nước Anh đang trên đường trở thành 1 thuộc địa của châu Âu.
Các diễn biến dồn dập này cho thấy hai kịch bản có thể xảy ra: một, đây có thể là sự khởi đầu cho việc chính phủ của bà May sụp đổ. Việc các ông David Davis và Boris Johnson ra đi là dấu hiệu phản kháng công khai của phe theo đường lối cứng rắn trong đảng Bảo thủ, tức những người muốn có “Brexit cứng”, kiên quyết đưa nước Anh rời hẳn Liên minh châu Âu. Nhóm cứng rắn này có thể sẽ yêu cầu một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của bà May tại Nghị viện Anh.
Điều kiện để làm được điều đó là có ít nhất 15% nghị sĩ đảng Bảo thủ, tức 48 người, viết thư yêu cầu. Theo giới phân tích, con số này có thể dễ dàng đạt được. Tuy nhiên, cái khó của phe cứng rắn ủng hộ “Brexit cứng” là không có các phương án dự phòng, tức không có chiến lược cụ thể và toàn diện đối với vấn đề Brexit.
Tham vọng của nhóm này về một “Vương quốc Anh toàn cầu”, tức từ bỏ châu Âu và xây dựng các hiệp định tự do thương mại khắp thế giới, bị dội một gáo nước lạnh khi Đại sứ Mỹ tại Anh vừa tuyên bố sẽ không thể có kịch bản một Hiệp định Tự do Thương mại Mỹ-Anh sớm được ký kết. Tuyên bố này được đưa ra ngay trước thềm chuyến thăm đến Anh vào ngày 12/6 này của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chính vì thế, các diễn biến này có thể dẫn đến một kịch bản khác: đó là bà Theresa May loại bỏ được một loạt các nhân vật bất đồng quan điểm trong đội ngũ để chủ động tiến hành chiến lược “Brexit mềm”. Trên thực tế, ngay sau khi ông Boris Johnson từ chức, bà May đã bổ nhiệm Bộ trưởng Y tế, Jeremy Hunt, một người ủng hộ việc nước Anh ở lại trong Liên minh châu Âu, vào ghế Ngoại trưởng Anh.
Các phân tích khác cũng cho thấy, đa số Nghị sĩ Anh phản đối một “Brexit cứng” nên bà May có thể sẽ được ủng hộ để tiếp tục tại vị và theo đuổi tiến trình đàm phán mềm dẻo với Liên minh châu Âu. Điều quan trọng nhất là lợi ích của nước Anh và việc đổ vỡ một chính phủ tại Anh vào thời điểm chỉ còn 9 tháng nữa Brexit phải hoàn tất, là điều có thể sẽ gây hậu quả còn nghiêm trọng hơn các nhận nhượng về Brexit./.
Theo VOV
London SW6 3JW