Chính phủ trao 1 tỷ bảng cho các công ty được chỉ định mà không cần đấu thầu

Các hợp đồng chính phủ trị giá hơn 1 tỷ bảng đã được trao cho các công ty tư nhân đang đối phó với đại dịch coronavirus, mà không cho các công ty khác cơ hội được tham gia đấu thầu.

Trong quyết định được coi là vận may Covid-19 đối với các công ty, giới chức đã đình chỉ các quy tắc tiêu chuẩn để cho phép các hợp đồng được thông qua với tiến độ “cực kỳ khẩn cấp.”

Theo lộ trình khẩn cấp này, các công ty tư nhân được trao hợp đồng trực tiếp để quản lý các xét nghiệm Covid-19, cung cấp kiện thực phẩm và thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE), và điều hành các văn phòng cùng với nhân viên chính phủ.

Trong số các công ty được hưởng lợi từ các hợp đồng do người đóng thuế tài trợ theo quyền hạn khẩn cấp nêu trên có Deloitte, PricewaterhouseCoopers và Ernst & Young.

132 1 Chinh Phu Trao 1 Ty Bang Cho Cac Cong Ty Duoc Chi Dinh Ma Khong Can Dau Thau

Những điều luật được thiết kế nhằm đảm bảo tính minh bạch và đảm bảo hiệu suất của chi tiêu công thường yêu cầu chính phủ và các cơ quan nhà nước quảng bá hợp đồng mới với một mức giá trị nhất định và mời một số nhà thầu cạnh tranh.

Tuy nhiên, vào tháng 3, các bộ trưởng thông báo với Whitehall, NHS, hội đồng địa phương và các cơ quan khác rằng trong trường hợp họ cần phải hành động nhanh chóng vì những rủi ro sức khỏe cộng đồng do đại dịch gây ra, họ có thể ký hợp đồng với các công ty tư nhân mà không cần cạnh tranh hay mời thầu.

Dữ liệu chính thức được phân tích bởi The Guardian cho thấy các cơ quan chính phủ đã trao ít nhất 177 hợp đồng trị giá 1,1 tỷ bảng cho các công ty thương mại để đối phó với đại dịch Covid-19.

Trong số đó, 115 hợp đồng - với tổng giá trị chỉ hơn 1 tỷ bảng Anh - đã được trao theo các điều luật khẩn cấp, bỏ qua đấu thầu cạnh tranh. Chúng bao gồm hai hợp đồng trị giá hơn 200 triệu bảng, cả hai được trao bởi Whitehall.

 

Daniel Bruce, giám đốc điều hành của tổ chức vận động chống tham nhũng Transparency International UK, cảnh báo chính phủ không nên sử dụng cuộc khủng hoảng như một tờ ''séc khống'' để loại bỏ các biện pháp kiểm soát tính minh bạch và trách nhiệm.

“Một số lượng hợp đồng nhiều đến đáng báo động dường như được trao mà không có bất kỳ rủi ro cạnh tranh nào, tạo ra tiền lệ nguy hiểm có thể gây tổn hại đến lợi ích cộng đồng và làm giảm sự tin tưởng,” ông nói. “Khi các giao dịch sinh lợi được trao đi mà không có đấu thầu cạnh tranh và không phải chịu sự giám sát của công chúng, tiền của người nộp thuế có thể dễ dàng bị lãng phí cho các thiết bị quá đắt hoặc các dịch vụ không đạt tiêu chuẩn.”

Hợp đồng lớn nhất, trị giá lên tới 234 triệu bảng, được Bộ Giáo dục trao cho một công ty thuộc sở hữu của Pháp, Edenred, để cung cấp cho hơn một triệu học sinh các bữa ăn tại trường miễn phí. Kể từ đó, Edenred đã bị buộc tội về những bữa ăn nghèo nàn, khiến trẻ em bị đói và các bậc phụ huynh cảm thấy phẫn nộ.

Edenred nói rằng họ “chịu trách nhiệm cho mỗi đồng xu chi tiêu cho chương trình này và mọi ý kiến cho rằng hợp đồng này chỉ mang tính chất ‘sinh lời’, được điều hành mà không có kiểm tra và kiểm soát là hoàn toàn sai lầm.”

Các hợp đồng lớn khác đã được trao mà không có đấu thầu cạnh tranh cho các công ty đa quốc gia nước ngoài, chẳng hạn như Tập đoàn Brake Brothers thuộc sở hữu của Hoa Kỳ và Tập đoàn BFS do Nam Phi điều hành, cả hai đã được bộ môi trường ký kết hợp đồng trị giá 208 triệu bảng để cung cấp gói thực phẩm cho những người dễ bị tổn thương.

Đầu tuần này, tờ The Guardian tiết lộ Randox, một công ty chăm sóc sức khỏe thuê nghị sĩ Bảo thủ Owen Paterson làm người tư vấn, đã được bộ y tế cấp cho một hợp đồng trị giá 133 triệu bảng để sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19.

Randox đã từ chối cho biết liệu ông Paterson, người mà họ trả 100,000 bảng mỗi năm, có tham gia bảo đảm hợp đồng khi nó được trao mà không đấu thầu hay không.

Đối với một số công ty, phi vụ kinh doanh mới có vẻ sẽ thay đổi vận may của họ. Derry, một công ty sản xuất rèm cửa sổ, đang được trả 48 triệu bảng để làm tấm chắn mặt cho dịch vụ y tế ở Bắc Ireland.

Để sản xuất 30 triệu thiết bị bảo vệ, Bloc Blinds đã hợp tác với gã khổng lồ bao bì Phần Lan Huhtamaki, tuyển dụng hàng trăm công nhân làm thêm, tái cơ cấu nhà máy hiện có và biến một trung tâm thể thao thành xưởng thứ hai.

Bắc Ireland đã chi hơn 160 triệu bảng để mua thiết bị bảo vệ cho nhân viên y tế và chăm sóc xã hội. Người phát ngôn của Bộ Y tế tại Belfast cho biết giá đã được “định chuẩn so với các mức giá khác hiện có trên thị trường.”

Một công ty của Hertfordshire, Computacenter, có hợp đồng trị giá 60 triệu bảng cho bộ giáo dục để cung cấp máy tính xách tay cho giáo viên và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian phong tỏa. Bộ giáo dục cho biết không có đủ thời gian để quảng bá và sàng lọc thông thông tin chào giá cạnh tranh.

Bộ y tế đã trao một thỏa thuận trị giá 8 triệu bảng cho Amazon, công ty đang giúp giao các bộ dụng cụ xét nghiệm tại nhà thông qua bưu điện. Tuy nhiên, phát ngôn viên của gã khổng lồ bán lẻ Mỹ cho biết họ đã miễn tất cả các khoản phí và đang tự trang trải chi phí.

Các hợp đồng nhỏ hơn đã được trao cho những công ty tư nhân được giao nhiệm vụ phát triển dịch vụ mai táng, phát triển ứng dụng truy tìm liên lạc NHS và cung cấp nhà ở cho người vô gia cư. Một công ty tàu du lịch, Noble Caledonia, đã được trả 1,5 triệu bảng để đưa 118 người trở về từ Nam Cực mà không phải đi qua Quần đảo Falkland.

Ở Bắc Ireland, Ernst & Young và PricewaterhouseCoopers đã được thuê để giúp thiết lập một phòng hoạt động trong Văn phòng điều hành để quản lý ứng phó với đại dịch. Các công ty từ chối bình luận.

Chính phủ Anh cũng đã chi gần 20 triệu bảng để dự trữ các loại thuốc HIV và thuốc sốt rét vì chúng được coi là hữu ích trong cuộc chiến chống lại coronavirus.

Nghiên cứu của Guardian dựa trên cơ sở dữ liệu công cộng ở Anh và EU, và được hỗ trợ bởi thông tin được tổ chức nghiên cứu Tussell thu thập, chỉ ra sự gia tăng số lượng hợp đồng không cạnh tranh trong những tuần gần đây.

“Kể từ khi cuộc khủng hoảng Covid bắt đầu, chúng tôi đã chứng kiến ​​sự gia tăng đột biến các hợp đồng trực tiếp không cạnh tranh khi các cơ quan công cộng đổ xô đi mua các sản phẩm và dịch vụ mà họ rất cần,” ông Gus Tugendhat, người sáng lập Tussell, cho biết.

Các hợp đồng được xem xét bởi Guardian và Tussell có thể chỉ là một phần trong số các hợp đồng không đấu thầu phục vụ Covid-19. Chính phủ đang từ chối công bố danh sách đầy đủ, bất chấp hướng dẫn quy định bất kỳ hợp đồng nào được trao bằng quyền hạn khẩn cấp sẽ được công bố trong vòng 30 ngày.

Các hợp đồng chưa được công bố bao gồm một số lĩnh vực then chốt trong công cuộc chống đại dịch. Các chuyên gia tư vấn quản lý tại Deloitte, các công ty gia công G4S, Sodexo, Serco và Mitie, Boots, và các công ty công nghệ Palantir và Faculty đã và đang điều hành các trung tâm xét nghiệm và tạo ra một kho dữ liệu Covid-19 kể từ tháng 3.

Deloitte từ chối tiết lộ các điều khoản trong hợp đồng của mình, bao gồm lời khuyên về việc mua PPE và công việc hậu cần xung quanh mạng lưới 50 trung tâm xét nghiệm không cần xuống xe.

Người phát ngôn của Boots cho biết họ chỉ được hoàn trả chi phí và đây không phải là “hoạt động thương mại.” Sodexo thông báo hợp đồng của họ đã được ký vào tháng Ba.

Thông thường các cơ quan công cộng có thể mất vài tháng để thông qua hợp đồng. Để đẩy nhanh tốc độ hợp đồng, chính phủ đã đưa ra một điều khoản trong Quy định hợp đồng công năm 2015.

Trả lời thay mặt cho tất cả các bộ, người phát ngôn của bộ y tế cho biết họ đã “nhờ đến chuyên môn và nguồn lực của một số đối tác thuộc cả khu vực công và tư nhân để hỗ trợ NHS và lĩnh vực chăm sóc xã hội của chúng ta. Điều này hoàn toàn phù hợp với các quy định ký kết hợp đồng cho các trường hợp đặc biệt, trong đó việc có thể kịp thời thực hiện hợp đồng là rất quan trọng trong phản ứng quốc gia chống Covid-19.”

Người phát ngôn nói thêm: “Ngay từ đầu, chúng tôi đã làm rõ rằng các cơ quan công quyền phải mang lại giá trị cho người nộp thuế và sử dụng phán quyết thương mại hợp lý, và việc công bố thông tin hợp đồng đang được thực hiện nhanh nhất có thể theo hướng dẫn minh bạch của chính phủ.”

 

Nguồn: Guardian

Bài liên quan