Nhóm chuyên gia Đại học Oxford cho rằng nCoV có thể hiện diện khắp thế giới và bùng phát khi gặp điều kiện môi trường phù hợp.
Nhân viên môi trường lấy mẫu nước thải ở một bệnh viện tại tỉnh Hồ Bắc hồi đầu tháng 2. Ảnh: Reuters.
Giáo sư Tom Jefferson, trợ giảng cấp cao ở Trung tâm Y học Thực chứng (CEBM) thuộc Đại học Oxford, cho rằng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nCoV đã xuất hiện ở nhiều nơi trước khi bùng phát tại châu Á.
"SARS đâu rồi? Nó đã biến mất. Chúng ta phải tính tới những yếu tố này và bắt đầu nghiên cứu hệ sinh thái virus, nhằm tìm hiểu nguồn gốc và cách chúng biến đổi. Tôi nghĩ nCoV đã xuất hiện ở khắp nơi. Có thể chúng ta đang chứng kiến một chủng virus không hoạt động và chỉ kích hoạt khi gặp điều kiện phù hợp", giáo sư Jefferson nói hôm 5/7.
Nhóm nghiên cứu của Đại học Barcelona, Tây Ban Nha, phát hiện nCoV xuất hiện ở Barcelona từ ngày 15/1, 41 ngày trước khi ca nhiễm đầu tiên được báo cáo ở đây. Sau đó, họ phát hiện sự hiện diện của bộ gene nCoV trong mẫu từ ngày 12/3/2019, khoảng 9 tháng trước khi ca nhiễm nCoV đầu tiên được ghi nhận tại Trung Quốc.
Viện Y tế Quốc gia Italy (ISS) hồi tháng 6 cho biết các chuyên gia phát hiện dấu vết di truyền của nCoV trong mẫu nước thải thu thập tại Milan, Torino ngày 18/12/2019 và ở Bologna hôm 29/1/2020. Nước này ghi nhận các ca nhiễm nội địa đầu tiên hồi giữa tháng 2.
"Một một ca nhiễm ở quần đảo Falkland hồi đầu tháng 2. Nó bắt nguồn từ đâu? Có một du thuyền đi từ quần đảo Nam Georgia thuộc Anh tới Buenos Aires, mọi hành khách trên tàu đều được khám sàng lọc. Đến ngày thứ 8 trong hành trình, khi họ đi qua biển Weddell, ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận. Phải chăng nCoV hiện diện trong đồ ăn được chuẩn bị từ trước và lây lan khi nó được rã đông?", giáo sư Jefferson nói.
Chuyên gia Anh cho rằng tình huống này từng xảy ra năm 1918 khi 30% cư dân ở Tây Samoa chết vì đại dịch cúm Tây Ban Nha, dù họ không có liên hệ nào với thế giới bên ngoài. "Cách giải thích hợp lý là virus không đến và đi, mà luôn có sẵn trong tự nhiên. Điều gì đó đã kích hoạt chúng, có thể là mật độ cư dân hoặc điều kiện môi trường cụ thể. Đó là điều chúng ta cần tìm kiếm", ông nói.
Giáo sư Jefferson tin rằng nCoV có thể lây truyền qua hệ thống cống nước thải và nhà vệ sinh công cộng, thay vì chỉ giới hạn trong những giọt bắn khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.
Ông và giáo sư Carl Henegehan, giám đốc CEBM, kêu gọi mở cuộc điều tra chuyên sâu tương tự nghiên cứu của bác sĩ John Snow năm 1854, trong đó chứng minh dịch tả bùng phát và lây lan ở thủ đô London của Anh vì một giếng nước nhiễm khuẩn ở khu Soho.
Nhóm chuyên gia CEBM cho rằng các đợt bùng phát Covid-19 ở nhiều cơ sở chế biến thực phẩm cho thấy đường lây lan mới, trong đó nhà vệ sinh dùng chung và không khí mát mẻ có thể cho phép nCoV phát triển mạnh.
Quan chức y tế bên ngoài nhà máy thịt ở thành phố Bielefeld, Đức, hôm 20/6. Ảnh: Reuters.
"Nhiều bằng chứng cho thấy lượng lớn nCoV nằm trong cống nước ở khắp nơi và lây truyền qua đường chất thải của con người. Virus có mật độ rất cao tại những ống cống có nhiệt độ 4 độ C, có thể là điều kiện lý tưởng để nCoV kích hoạt và phát triển ổn định.
Các nhà máy chế biến thịt thường duy trì nhiệt độ 4 độ C", Jefferson nói, thêm rằng những ổ dịch này không phù hợp giả thuyết nCoV lan truyền qua không khí. "Nó khớp với trường hợp các công nhân không rửa tay đúng cách".
Nguồn: Vũ Anh/ vnexpress.net