Chuyện về khẩu súng lậu chết chóc nhất nước Anh

Sau mỗi vụ án, súng lậu ở Anh thường được trao tay, bán lại, cho thuê hoặc bị giấu kín. Đó là cách thức khiến một vũ khí nóng mang tên Súng số 6 di chuyển ngang dọc tại một thành phố lớn ở Anh mà không bị thu giữ, để rồi sau đó được sử dụng trong rất nhiều vụ án, khiến bao gia đình tan nát.

426 1 Chuyen Ve Khau Sung Lau Chet Choc Nhat Nuoc Anh

Kiểm soát nghiêm ngặt nhưng vẫn đầy vũ khí nóng

Andy Hough là lãnh đạo lực lượng Thanh tra thám tử tại sở cảnh sát West Midlands, Birmingham, khi Súng số 6 – biệt danh của một khẩu súng ngắn CZ75 được sản xuất ở Cộng hòa Séc và nhập lậu vào Anh – lần đầu xuất hiện vào đêm 23.2.2003. Thời điểm ấy, cảnh sát nhận được một cuộc gọi ẩn danh báo có vụ nổ súng bên ngoài một bữa tiệc ở phố Proctor. Khi tới nơi, họ chỉ tìm được 2 vỏ đạn. Chẳng có nhân chứng nào cấp tin cho cảnh sát, rằng ai đã bắn họ, ai là đối tượng khả nghi. Vụ việc nhanh chóng rơi vào im lặng.

Nhưng đây không phải là lần duy nhất Súng số 6 khạc đạn. Cuộc điều tra kéo dài 2 năm của hãng tin BBC, được sự trợ giúp từ nhiều sĩ quan cảnh sát như Andy và các chuyên gia của Cơ quan phân tích đạn đạo quốc gia (NABIS), đã làm sáng tỏ lịch sử đẫm máu của “khẩu súng lậu chết chóc nhất nước Anh” này, khi nó liên quan tới hàng loạt vụ án nghiêm trọng, khiến nhiều người chết.

Tuy nhiên trước khi đào sâu vào hành trình của Súng số 6, người ta cần phải nắm rõ hơn tình hình kiểm soát vũ khí nóng ở Anh. Có thể nói rằng mọi câu chuyện về súng lậu ở đảo quốc sương mù đều bắt đầu tại Dunblane, Scotland, vào ngày 13.3.1996. Lần ấy, tay súng Thomas Hamilton đã xông vào một trường tiểu học và xả súng vào một lớp thể dục. Trong vòng có 3 phút, gã đã sát hại 16 đứa trẻ, phần lớn mới chỉ 5 hoặc 6 tuổi, và một giáo viên của các em, trước khi quay súng tự sát.

426 2 Chuyen Ve Khau Sung Lau Chet Choc Nhat Nuoc Anh
Hình ảnh trích xuất từ camera cho thấy Súng số 6 được dùng trong một vụ cướp ở Birmingham

Sự kiện về sau được gọi là Vụ thảm sát Dunblane đã thay đổi mọi thứ. Đó là vụ xả súng tồi tệ nhất ở Anh. Chỉ sau 2 năm, Anh đã thông qua việc sửa đổi Luật quản lý súng đạn để cấm người dân mua sắm tất cả các loại súng ngắn. Hoạt động kiểm soát súng ở Anh hiện nằm trong nhóm nghiêm ngặt nhất thế giới. Không ai được phép tự do sở hữu súng ngắn.

Người ta phải trải qua quá trình kiểm tra ngặt nghèo để được cấp giấy phép sử dụng súng. Không có giấy phép, việc sở hữu hoặc mua bán bất kỳ khẩu súng nào cũng bị coi là hành vi phạm pháp. Vậy vì sao Súng số 6 vẫn có thể lọt vào và trôi nổi trên các con phố của nước Anh?

Helen Poole, một chuyên gia súng đạn tại Đại học Northampton nói rằng, có nhiều phương thức giúp điều này xảy ra, trước tiên là các vụ trộm tại chính những cửa hàng bán súng, hoặc chủ sở hữu súng. Theo dữ liệu mới nhất do BBC thu thập, hơn 586.000 người ở Anh và xứ Wales sở hữu giấy phép dùng súng ngắn hoặc súng săn. Mỗi năm có khoảng 600 khẩu súng bị đánh cắp từ chủ sở hữu hợp pháp, phần lớn sẽ trôi ngay ra chợ đen.

Ngoài ra, các chủ cửa hàng bán súng ở Anh thường thanh lý “những khẩu súng cổ đã bị vô hiệu hóa” cho người đam mê lịch sử. Việc vô hiệu hóa thực tế chỉ là những chỉnh sửa nhất định để súng không còn bắn được nữa, như tháo kim hỏa. Nhưng nếu rơi vào tay kẻ xấu, những loại súng này có thể được chỉnh lại nhanh chóng để bắn được như bình thường.

Có một phương thức nữa để súng lọt vào Anh là qua các lô hàng nhập lậu lớn từ nước ngoài, do nhiều băng tội phạm lớn tổ chức. Simon Brough từ Cơ quan phòng chống tội phạm quốc gia (NCA) giải thích rằng việc ngăn chặn những lô hàng như thế đòi hỏi sự hợp tác tốt giữa nhiều cơ quan của Anh. Kết quả thu được bao gồm nhiều khẩu súng đã bị vô hiệu hóa, tới từ các khu vực từng có xung đột ở Châu Âu, như các nước tây Balkan. Nhiều khẩu trong số đó có thể dễ dàng chỉnh sửa để sẵn sàng nhả đạn trở lại.

Cách cuối cùng để súng đi vào Anh là qua những người mua linh kiện súng trên mạng, thông qua nhiều trang web đen. Sau khi có đủ các cấu kiện, họ sẽ lắp ráp súng tại nhà.

Một khi lọt vào nước Anh, nó sẽ được truyền tay từ người này sang người khác, cho tới khi bị cảnh sát tìm thấy. Chuyên gia Helen nhắc tới trường hợp một khẩu súng ngắn hiệu Beretta 9000S đã bị cơ quan điều tra thu giữ tại Merseyside hồi năm ngoái. Cảnh sát tìm thấy khẩu súng khi khám xét nhà riêng của Adam Bigley, 24 tuổi, với 4 viên đạn trong băng.

Số serial giúp nhận dạng súng đã bị xóa mờ, nhưng cơ quan điều tra vẫn dễ dàng xác định nó đã được sử dụng trong 19 vụ nổ súng khác nhau. Dù không xác định được Adam có liên quan tới vụ nào trong số này, nhà chức trách vẫn tuyên phạt gã trai này 6 năm 9 tháng tù, do sở hữu vũ khí trái phép.

Cơ quan điều tra có thể lần theo dấu vết một khẩu súng vì một khi đã khai hỏa, súng sẽ để lại dấu vết độc nhất vô nhị trên vỏ đạn. Đó là các “dấu vân tay” của một khẩu súng. Dấu vết vỏ đạn cũng là thứ đã giúp cơ quan điều tra lần ngược lại hành trình của Súng số 6. Tổng cộng người ta đã tìm thấy “dấu vân tay” của khẩu súng này ở 11 vụ nổ súng khác nhau.

Khi khai hỏa một khẩu súng, sẽ có hai điều xảy ra. Đầu tiên là dấu vết do rãnh khương tuyến nằm trong nòng súng tác động lên thành vỏ đạn và thứ hai là vết đập của kim hỏa lên phần đít viên đạn. Mỗi khẩu súng đều để lại các dấu vết này rất riêng biệt, chẳng bao giờ giống những khẩu súng khác, kể cả súng cùng loại. Qua việc lần theo các “dấu vân tay” người ta có thể biết khi nào một khẩu súng lại xuất hiện trong các vụ án khác nhau.

Góp mặt trong hàng loạt vụ án

Birmingham là thành phố lớn thứ hai ở nước Anh. Trong ít nhất 1 thập kỷ trước khi khẩu súng khai hỏa lần đầu, đường phố của Birmingham đã bị khủng bố bởi 2 băng đảng chính là Burger Bar Boys và Johnson Crew. Chúng đi vào hoạt động từ giữa những năm 1990. Ban đầu đây là những nhóm tự phát, hình thành để bảo vệ cộng đồng dân cư địa phương khỏi bị những kẻ phân biệt chủng tộc tấn công. Tuy nhiên sau đó, các nhóm này bắt đầu tranh giành ảnh hưởng và chia thành hai phe đối địch, quyết liệt tranh giành lãnh thổ của nhau. Burger được cho là bang giàu có và tổ chức tốt hơn. Chúng cũng sở hữu nhiều vũ khí chết chóc hơn kẻ địch. Nhưng băng Johnson thì đông hơn và liên minh với nhiều băng nhỏ hơn cũng đang tồn tại trong thành phố.

Năm 1995, 2 băng đã rơi vào tầm ngắm của cảnh sát do tham gia vào nhiều phi vụ buôn bán ma túy, cướp của và bắt cóc. Đó là khi các vụ nổ súng bắt đầu xảy ra gần các hộp đêm và trung tâm cộng đồng của thành phố. Năm 2002, một thành viên của Burger có tên Yohanne Martin bị bắn vào đầu khi đang chờ đèn đỏ ở West Bromwich, một vùng ngoại ô của Birmingham. Anh trai của Yohanne là Nathan tin chắc thành viên băng Johnson đứng sau vụ sát hại.

Ngay trong dịp năm mới 2002, Nathan và các thành viên khác của Burger lái xe tới địa hạt của Johnson ở thành phố và dùng một khẩu tiểu liên Mac 10 xả đạn vào những người đang dự tiệc tại một tiệm làm tóc. Đội Nathan cố bắn vào các thành viên Johnson có mặt trong bữa tiệc để trả đũa, nhưng rốt cục nạn nhân thiệt mạng lại là hai cô gái trẻ vô tội, gồm Charlene Ellis, 18 tuổi và Letishia Shakespeare, 17 tuổi.

426 3 Chuyen Ve Khau Sung Lau Chet Choc Nhat Nuoc Anh
Sáu thành viên băng đảng bị bắt và kết án sau vụ nổ súng đoạt mạng nạn nhân Ishfaq Ahmed.

Vụ việc đã gây chấn động trên toàn nước Anh. Nathan cùng nhiều đồng bọn bị bắt và hai năm sau thì nhận án phạt tới 35 năm tù. Tưởng như tình hình ở Birmingham đã êm đềm trở lại, nhưng không. Thực tế chuyện chỉ đi theo chiều hướng xấu hơn, bởi sự xuất hiện của Súng số 6, với vụ đầu tiên xảy ra trên phố Proctor.

Vụ thứ hai diễn ra chỉ sau đó không lâu, vào ngày 24.3 cùng năm, khi nhiều thành viên băng đảng được phát hiện cầm khẩu súng này đi qua nhiều cửa hàng ở phố George. Chúng tra khảo các chủ cửa càng để moi thông tin về một băng khác, trước khi lên xe bỏ chạy vì thấy đối phương xuất hiện. Nhiều tiếng súng nổ đã vang lên và cảnh sát thu được 7 vỏ đạn của Súng số 6. Chẳng có nhân chứng nào lên tiếng sau vụ này.

Sự im lặng, bất hợp tác với cảnh sát và thiếu vắng nhân chứng là đặc điểm chung trong nhiều vụ việc có liên quan tới Súng số 6. Ngày 13.6.2003, một thanh niên 24 tuổi bị kẻ khác chạy xe ngang qua rồi bắn vào người. Đạn xuyên vào tay, lưng và cổ nạn nhân, nhưng anh này gây bất ngờ khi từ chối giúp cảnh sát tìm những kẻ tấn công mình. Dấu vết đạn đạo cho thấy Súng số 6 đã được sử dụng để gây án.

Ngày tiếp theo lại có một nạn nhân bị trúng đạn từ Súng số 6 trong tình huống tương tự. Anh này đã tìm đường về nhà để tự băng bó vết thương, nhưng rốt cục vẫn phải gọi điện nhờ cấp cứu.

Và các vụ việc liên quan tới Súng số 6 cứ đều đặn diễn ra. Ngày 20.8.2003, nạn nhân trẻ nhất của Súng số 6, một thanh niên 19 tuổi, bị bắn trúng lưng và cổ. Ngày 9.5.2004, vỏ đạn của Súng số 6 được tìm thấy sau một màn đấu súng giữa hai băng đối địch. Ngày 28.6.2004, một viên đạn găm vào tường một ngôi nhà ở Birmingham. Những người sống trong ngôi nhà này chẳng hé răng nửa lời với cảnh sát.

Phải tới vụ nổ súng thứ 8, nhân chứng mới bắt đầu cấp tin cho cảnh sát. Đêm 2.10.2004, sau một vụ chạy xe tốc độ cao đuổi bắn nhau trên phố, cảnh sát đã thu được một số lời khai bên cạnh video ghi hình. Tuy nhiên họ không thể lần ra được những chiếc xe có liên quan, cũng như Súng số 6.

Từ đây, món vũ khí nguy hiểm này bắt đầu gây ra các hậu quả chết chóc hơn.

Những gia đình tan nát sau tiếng súng

Ishfaq Ahmed là một người gác cửa tại hộp đêm Premonitions ở Birmingham. Trong đêm 20.11.2004, anh hôn tạm biệt bạn gái Penny và con gái Aneesah để đi làm. Thân nhân chẳng thể ngờ đó là lần cuối họ thấy Ahmed còn sống. 00h30 hôm đó, một nhóm người có liên quan tới băng Johnson đã cậy đông xông vào hộp đêm.

Ahmed chỉ cố làm công việc của anh là ngăn chặn những kẻ muốn vào cửa mà không phải trả tiền. Sau cuộc vận lộn giữa đôi bên, thành viên băng Johnson quay ra như bỏ đi. Bất ngờ 2 tên trong số chúng xoay người lại và những tiếng nổ khô khốc vang lên. Ba viên đạn găm trúng lưng Amhed, một trong số đó bắn ra từ Súng số 6.

Ahmed thiệt mạng vì một viên đạn xuyên qua vai, làm thủng phổi và phá vỡ động mạch chủ nằm ở bụng. Anh qua đời khi mới 24 tuổi. Nhờ nỗ lực điều tra của cảnh sát, vào tháng 12.2005, 6 kẻ gây ra vụ nổ súng đã bị bắt và phải nhận án tù chung thân trước tòa. Nhưng nhà chức trách đã không thể thu hồi Súng số 6, khẩu súng đã góp phần khiến gia đình nhỏ của Ahmed tan nát, cướp mất một chỗ dựa vững chắc của bạn gái anh và đẩy con anh vào cảnh mồ côi cha.

Súng số 6 rơi vào vòng im lặng trong 8 tháng, trước khi nó xuất hiện trở lại vào ngày 23.7.2005. Người sử dụng nó lần này là Kemar Whittaker, một tay buôn ma túy mới 23 tuổi. Kemar cầm khẩu súng để săn lùng Andrew Huntley, một ông bố 31 tuổi, do có tranh chấp với người này.

Kemar phát hiện ra Andrew khi mục tiêu đang đứng chờ để vào một hộp đêm. Một cuộc rượt đuổi diễn ra ngay sau đó và Andrew đã cố chạy thoát khỏi Kemar, nhưng không thể. Khi quá mỏi mệt và hoảng sợ, Andrew quỳ sụp xuống đất bên cạnh một đường ray, tay giơ lên đầu hàng, miệng van vỉ cầu xin sự xót thương từ Kemar. “Chúng ta là những người anh em. Chúng ta không cần phải sống như thế này”, Andrew nói.

Đáp lại, Kemar lạnh lùng bắn liền 2 nhát vào đầu Andrew, khiến nạn nhân ngã vật ra chết tại chỗ. Thẩm phán xét xử Kemar sau đó kết luận rằng gã đã “hành quyết” nạn nhân như một sát thủ máu lạnh và tuyên phạt gã án tù chung thân, phải thụ án tối thiểu 30 năm mới được xem xét phóng thích sớm.

Andrew ra đi để lại cậu con trai Akeem, khi ấy còn rất nhỏ tuổi. “Cha tôi luôn là một người vui tính”, Akeem, giờ đã 20 tuổi, nhớ lại. “Ông thích thời trang, ông thích mặc đẹp. Khi ông cười, cả không gian bỗng ngập tràn sự vui vẻ, như án đèn sáng lên trong bóng đêm vậy… Mỗi ngày tôi đều nghĩ về cha, bởi nếu không có biến cố ấy, hẳn đời tôi đã rất khác”.

Sau khi đoạt mạng Andrew, Súng số 6 biến mất suốt một thời gian dài và chuyên gia Andy Hough biết rõ lý do. “Một khi khẩu súng đã được sử dụng trong một vụ án mạng, nó trở thành “hàng nóng”. Chẳng ai muốn dính líu tới nó, bởi họ sẽ có thể vướng vào rắc rối với luật pháp. Vì thế chủ nhân sẽ cố phi tang nó nhanh nhất có thể. Họ có thể chôn súng xuống đất hoặc bán nó cho người khác, những kẻ họ không quen biết”.

Dù sao thì Súng số 6 đã im lặng trong một thời gian.

4 năm sau cái chết của Andrew, Súng số 6 “tái xuất” giang hồ. Lần này nó nằm trong tay một tên tội phạm nổi tiếng là Anselm Ribera, kẻ đã giữ cả một bưu cục làm con tin. Sự việc xảy ra tại làng Fairfield, cách Birmingham 45 phút chạy xe.

Ken Hodson-Walker, người sống tại một căn hộ nằm ngay tại tầng 2 của bưu cục, kể lại với phóng viên BBC rằng, sáng ngày 9.1.2009, khi vợ ông – bà Judy- vừa mở cửa thì một nhóm cướp có vũ khí bất ngờ xông vào. “Một gã cầm cái rìu lớn. Gã còn lại cầm súng. Trong cửa hàng khi ấy có một cô gái trẻ và cô ấy đã hét lên khi thấy cướp”, Ken kể. Tiếng thét của cô gái đã khiến Judy và con trai cả của cặp vợ chồng là Craig, 29 tuổi, vội lao từ tầng 2 xuống.

Khi thấy có một vụ cướp đang diễn ra, Craig đã kéo mẹ lại, vớ lấy một cây gậy đánh cricket ở gần đó rồi lao vào bọn cướp. Cuộc vật lộn tiếp theo nhanh chóng kết thúc khi một tiếng súng lạnh lùng vang lên. “Craig bị bắn. Con la lớn lên rằng: “Bọn nó bắn trúng con rồi”. Tôi nghe tiếng cây gậy cricket rơi xuống sàn nên đã vòng tới gần chỗ con để nhặt cái gậy lên”, Ken kể. Nhưng chính ông cũng nhận lấy một viên đạn vào chân. Sau khi bắn Ken, bọn cướp còn đẩy các giá để hàng bằng sắt lên người ông, rõ ràng là khiến ông bị thương nặng hơn. Rồi chúng bỏ đi.

Lo lắng cho tính mạng của Craig, Ken vội đẩy các giá để hàng ra khỏi người ông rồi bò về phía con trai. Ông nhanh chóng thấy con trai đang nằm gục bên một vũng máu lớn. Ken bò đến gần và nhẹ nhàng lay người Craig, với hy vọng anh còn sống. Nhưng một cảm giác lạnh lẽo chạy từ người Craig sang bàn tay Ken, khiến ông bủn rủn thân thể. “Khi ấy tôi hiểu rằng con mình đã không còn nữa”, ông đau đớn nhớ lại. Craig bị bắn trúng ngực. Viên đạn xuyên thủng một lá phổi rồi chọc vỡ tim, khiến anh không có cơ hội sống sót.

Nỗi ám ảnh từ Súng số 6

Cuối năm ấy, cả 3 tên cướp bị bắt và ra tòa vì giết Craig. Chúng đều phải nhận những bản án cao nhất là tù chung thân, sau phiên tòa kéo dài 10 tuần. Nhưng kẻ sử dụng Súng số 6 là Anselm Ribera, 34 tuổi, đã không chỉ phá nát gia đình Ken mà còn đẩy chính gia đình gã vào đau thương. Con trai của Anselm là Josh Ribera mới chỉ 13 tuổi khi ấy, đã không thể chấp nhận được thực tế rằng cha mình là kẻ giết người. Cậu bé đập phá mọi thứ đồ đạc trong nhà. Cậu khóc và tức giận. Biến cố khiến Josh trải qua những thời khắc rất khó khăn và liên tục gặp rắc rối với pháp luật.

Cuộc sống của Josh khá hơn khi cậu tìm thấy niềm vui trong âm nhạc năm lên 16 tuổi. Josh lấy nghệ danh Depzman và trở thành một rapper thành công. Năm lên 18 tuổi, Josh đã biểu diễn trên khắp nước Anh và thậm chí còn đi hát ở nhiều nước Châu Âu. Album của cậu từng lên lên vị trí đầu trong các bảng tổng sắp hiphop.

Josh thu hút fan vì cậu hát về những điều tươi đẹp, về tình yêu dành cho mẹ, về nỗi nhớ cha. Ngày 20.11.2013, Josh tới một buổi hòa nhạc ở Selly Oak, ngoại ô Birmingham, để dự lễ tưởng niệm một người bạn của cậu đã bị kẻ khác đâm dao tới chết trước đó một năm.

“Tối ấy Josh chào tôi và nói “Con yêu mẹ”. Con còn ôm và hôn tạm biệt tôi”, mẹ của Josh, chị Alison, kể với BBC. Tại buổi hòa nhạc ấy, Josh nhận một nhát dao chí mạng vào ngực. Không ai biết chuyện gì đã dẫn tới việc Josh bị đâm. Cậu được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện Solihull, nhưng đã không thể qua khỏi vì thương tích quá nặng. Đó rõ ràng là cái kết buồn cho Josh và gia đình cậu, sau những biến cố đau lòng mà họ đã trải qua vì Súng số 6.

3 vụ nổ súng kể trên nằm trong số 11 vụ án có liên quan tới Súng số 6. Cho tới nay vẫn còn 8 vụ khác vẫn chưa thể giải quyết. Danh tính những kẻ đã sử dụng Súng số 6 trong các vụ đó còn nằm trong vòng bí ẩn. Nhưng có điều chắc chắn là chúng đã dùng Súng số 6 để gây ra thiệt hại lớn nhất cho nạn nhân.

“Đạn 9mm parabellum (sử dụng trên Súng số 6) được thiết kế chủ yếu để sử dụng trong các hoạt động quân sự”, Gareth Cooper, chuyên gia đạn đạo của Cảnh sát West Midlands nói. “Đó là một viên đạn xuyên, được thiết kế để tăng lực tác động vào mục tiêu và qua đó công phá mạnh cơ thể nạn nhân. Nhưng về cơ bản thì mọi viên đạn súng lục đều hoạt động dựa trên khả năng gây xuất huyết ồ ạt – càng xuyên sâu và phá mạnh càng tốt”.

Nói một cách khác thì Súng số 6 là một công cụ giết người nguy hiểm. Nó không chỉ phá nát gia đình của các nạn nhân mà còn hủy hoại gia đình của chính những kẻ siết cò. Và điều quan trọng là người ta vẫn chưa thể thu hồi được Súng số 6, bất chấp việc nó đã gây ra quá nhiều đau thương. “Thật sự lo ngại khi một thứ vũ khí đáng sợ như thế vẫn đang tiếp tục trôi nổi ngoài kia,” Gareth nói.

Nguồn: https://laodong.vn

Bài liên quan