Nông sản Việt được chế biến và xuất khẩu bởi một thương hiệu nước ngoài, trong khi nhiều loại nông sản vốn là thế mạnh của Việt Nam nhưng lại không tìm được chỗ đứng ở những thị trường khó tính.
Bà Đào Thị Nghĩa là chủ siêu thị London Starnight - ảnh TRAN UY
Một số sản phẩm Việt trong siêu thị đồ Việt Nam ở Anh quốc - ảnh TRAN UY
Hiện tượng này đặt ra câu hỏi: Tại sao những lợi thế về nông nghiệp của Việt Nam lại không được chuyển thành thế mạnh trong xuất khẩu nông sản?
Trong thời gian cuối năm 2018, đầu 2019, tác giả đã thực hiện một cuộc khảo sát tại các siêu thị đồ Việt Nam tại London, Vương quốc Anh, để tìm hiểu vấn đề thực sự nằm ở đâu.
Nguyên nhân vắng mặt nông sản Việt Nam
Trong những siêu thị bán đồ Việt Nam, có gần như đầy đủ các loại thực phẩm quen thuộc đối với người Việt Nam, từ đồ tươi cho đến đồ khô hay đóng hộp. Nhưng rất nhiều trong số đó không phải là những sản phẩm 'Made in Vietnam'.
Nước cốt dừa của Thái Lan được bán rất chạy. Việt Nam trồng rất nhiều dừa, nhưng lại không bán được nước cốt dừa ở đây.
Việt Nam đứng trong top đầu thế giới về sản xuất gạo. Nhưng ở Anh Quốc, không có nhiều gạo Việt Nam, mà lại có rất nhiều gạo Thái.
Những bao gạo Thái, trên bao bì, in thông tin bằng nhiều thứ tiếng, trong đó có cả tiếng Việt, với nhiều lỗi chính tả.
Bao gạo Thái được ghi thông tin bằng cả tiếng Việt - ảnh TRAN UY
Những hộp nước vải được sản xuất tại Trung Quốc, gợi nhớ những vụ giải cứu vải tại miền Bắc. Có thể những quả vải ở đây được trồng tại Việt Nam vì 90% sản lượng vải tươi của Việt Nam được xuất sang Trung Quốc.
Tại siêu thị Việt Nam Supermarket ở khu Hackney, thuộc thành phố London ông Mã Phúc Long - chủ siêu thị - chỉ cho tôi xem một kệ trái cây với toàn những thứ quen thuộc như mít, chôm chôm, chanh tươi… nhưng đó là những trái cây của Malaysia, Bangladesh, Thái Lan, chỉ có mỗi củ đậu là của Việt Nam.
Ông Mã Phúc Long giải thích rằng an toàn thực phẩm là một vấn đề lớn đối với nông sản Việt Nam.
Trong khi nông sản Thái Lan đã tạo dựng được uy tín cao: "Ví dụ như rau của Thái Lan, có vấn đề về thuốc trừ sâu vào khoảng 5 - 10%. Còn rau của Việt Nam tỷ lệ này lên đến 20%. Mà hải quan Thái Lan, khi hàng không đủ tiêu chuẩn thì người ta không xuất nữa."
Ông Mã Phúc Long cho rằng an toàn thực phẩm là một vấn đề lớn đối với nông sản Việt Nam - ảnh TRAN UY
Quả thật, trên bao bì của những mớ rau Việt Nam, bao giờ cũng có dòng chữ "Rửa sạch trước khi sử dụng", còn rau của các nước khác hiếm khi thấy dòng khuyến cáo đó.
Điều đáng nói là, bất chấp những lần sản phẩm bị thu hồi, bất chấp những phản hồi và cảnh báo, vấn đề an toàn thực phẩm rất chậm được các nhà cung cấp tại Việt Nam giải quyết triệt để.
Tôi hỏi ông Mã Phúc Long rằng, chắc là làm ăn với đối tác Việt Nam không dễ chịu lắm.
Ông trả lời: "Đó là một thực tế". Bởi vì sau khi phản hồi cho họ thì "đâu lại vào đấy".
Một vấn đề khác của nhiều loại sản phẩm Việt Nam tại thị trường Anh quốc, đó là các doanh nghiệp Việt Nam không nghĩ đến đối tượng khách hàng nước ngoài.
Trên nhiều loại sản phẩm, ví dụ như mỳ gói, thông tin được ghi bằng tiếng Việt. Đặc biệt là thông tin về hạn sử dụng lại dễ gây hiểu nhầm. Nó bao gồm ngày sản xuất, cộng với thời gian sử dụng.
Thông tin hạn sử dụng ghi trên bao mỳ gói của Việt Nam gây nhầm lẫn cho khách hàng nước ngoài tại Anh - ảnh TRAN UY
Trong khi tại Anh quốc, người ta quen với thông tin về hạn sử dụng được trình bày dưới dạng "Sử dụng trước…" [Best before]. Những người không biết tiếng Việt luôn thấy khó hiểu khi nhìn vào ngày sản xuất. Thường là họ quay lưng đi mà không chờ lời giải thích của chủ cửa hàng. Đó là chuyện thường xảy ra tại siêu thị London Starnight.
Bà Đào Thị Nghĩa, chủ siêu thị London Starnight lo ngại bà sẽ gặp rắc rối khi khách hàng nghĩ rằng siêu thị bán hàng quá hạn và báo cho cơ quan chức năng.
Bà Nghĩa đã phản hồi chuyện này cho các nhà cung cấp, nhưng tình hình vẫn không thay đổi.
Sản phẩm không đạt tiêu chuẩn an toàn, hạn sử dụng dễ gây nhầm lẫn… không chỉ là chuyện xảy ra ở nước Anh. Đó là tình trạng chung của nhiều loại sản phẩm của Việt Nam ở thị trường nước ngoài. Vấn đề nằm ở chỗ, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam không muốn xuất khẩu sang những thị trường khó tính như EU.
Có một nguyên nhân là nông sản Việt Nam xuất khẩu sang EU đang bị đánh thuế 14% vì Việt Nam và EU chưa ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA).
Nhưng đây có lẽ không phải là nguyên nhân chính. Tôi đã tìm gặp ông Huỳnh Xuân Long - Chủ tịch Tập đoàn Kim Sơn và Longdan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở Nước ngoài để tìm hiểu nguyên nhân chính là gì.
Tầm nhìn của doanh nghiệp Việt Nam
Theo ông Huỳnh Xuân Long, "tầm nhìn của phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn là thị trường trong nước," điều này đặt ra một vấn đề lớn đó là tầm nhìn.
Điều này dễ hiểu vì thị trường trong nước quen thuộc, dễ tính, với chuẩn an toàn và các chuẩn kỹ thuật khác thấp hơn nhiều so với châu Âu.
Trong khi đó, để đưa sản phẩm vào thị trường Anh nói riêng, hay EU nói chung, doanh nghiệp cần một chiến lược dài hạn. Sẽ mất khoảng 5, 10, thậm chí 15 năm để thành công. Thêm vào đó là rất nhiều nỗ lực, nghiên cứu và đầu tư bài bản. Đây là điều được rút ra từ hàng chục năm kinh doanh của ông Huỳnh Xuân Long.
ng Huỳnh Xuân Long nói rằng "tầm nhìn của phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn là thị trường trong nước" - ảnh TRAN UY
Tuy nhiên, đây lại là những khó khăn làm nản lòng nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Khả năng giải quyết những khó khăn này đã được đưa vào một nghiên cứu của Viện Quản trị Năng lực Lãnh đạo Singapore (HCLI). Nghiên cứu đánh giá các tiêu chí như giải quyết các vấn đề phức tạp, thích ứng với môi trường làm việc đa văn hóa và khát vọng vươn ra toàn cầu.
Các doanh nhân Việt Nam được cho rằng, cần 10-15 năm nữa để có thể thích ứng vai trò lãnh đạo ở tầm khu vực và toàn cầu.
Một chỉ dấu khác liên quan đến tầm nhìn của doanh nghiệp, đó là mức chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Theo báo cáo của World Bank năm 2017, mức chi cho R&D của doanh nghiệp Việt Nam đang kém hơn so với Campuchia và thuộc top dưới trong khối các nước Đông Nam Á.
Với tầm nhìn phần nào bị bó hẹp và năng lực cạnh tranh quốc tế hạn chế, các doanh nghiệp Việt Nam đang chậm chân ở thị trường EU.
Sắp tới, nhiều khả năng hiệp định thương mại Việt Nam - EU sẽ được ký kết. Khi đó, hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu sang EU có thuế suất bằng 0.
Đối với Anh quốc, việc ra khỏi EU (Brexit) sẽ khiến cho nước này phải tìm kiếm những nguồn cung cấp nông sản ngoài EU.
Nhưng để tận dụng những cơ hội này thì không dễ.
Tôi lo ngại sẽ gặp rắc rối khi khách hàng nghĩ rằng siêu thị bán hàng quá hạn
Bà Đào Thị Nghĩa, hủ siêu thị London Starnight
Năm 2018, thủy sản Việt Nam đã bị cảnh báo 'thẻ vàng'. Một số nước EU thay vì nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam, đã quay sang Brazil và Ấn Độ vì lý do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang EU các mặt hàng như thủy sản, cà phê, tiêu, điều, gạo, thanh long, và một số ít loại rau gia vị, với hàm lượng chế biến thấp.
FTA Việt Nam - EU hay Brexit là những cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam nhưng những rào cản kỹ thuật thì vẫn còn nguyên, thậm chí còn được siết chặt hơn.
EU vừa thông báo sửa đổi quy định dư lượng tối đa các loại hóa chất trên một số sản phẩm như rau, quả và thực phẩm. Những thay đổi này là bất lợi đối với nông sản Việt Nam.
Những quy định kỹ thuật liên tục được EU rà soát và điều chỉnh, tần suất kiểm tra gia tăng cảnh báo rằng xuất khẩu nông sản vào thị trường này có thể còn khó khăn hơn trong tương lai.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, nhà báo hiện đang sống tại Manchester, Vương quốc Anh.
Trần Uy
Gửi cho BBC từ Manchester, Anh