Một cô gái người Anh được tìm thấy đã tử vong. Hung thủ là người đã hẹn cô qua ứng dụng hẹn hò. Trước tòa, kẻ này lấy lý do cái chết của cô chỉ là "tai nạn khi quan hệ tình dục".
Tháng 11/2018, Grace Millane (London, Anh) đặt chân đến New Zealand. Cô đang trong chuyến du lịch vòng quanh thế giới sau khi tốt nghiệp đại học.
Một tháng sau, cô gái trẻ được tìm thấy trong tình trạng bị siết cổ đến chết, xác bị nhét vào va li và chôn trong một khu rừng.
Vào phiên tòa tháng 11 năm ngoái, công tố viên cho rằng hung thủ là một người đàn ông 28 tuổi, từng hẹn Milliane qua ứng dụng hẹn hò, rồi ra tay sát hại cô gái người Anh khi dụ dỗ nạn nhân đến nhà mình.
Trong khi đó, bị cáo khẳng định mình vô tội. Luật sư cho rằng thân chủ của họ chỉ ngộ sát, còn quan hệ tình dục giữa hai người là đồng thuận.
Grace Millane bị giết ở New Zealand vào tháng 12/2018. Ảnh: PA.
Lập luận chính do bên luật sư bị cáo đưa ra là nữ du khách người Anh là người thích “tình dục thô bạo”. Do đó, cái chết của cô đơn thuần là một tai nạn xảy ra khi cả hai quan hệ, khiến Millane ngạt thở dẫn đến tử vong.
Lời bào chữa “tai nạn khi quan hệ tình dục” đưa ra trước cáo buộc giết người đã có tiền lệ trước đó. Một số chính trị gia và phương tiện truyền thông gọi tên đây là hành động bào chữa “50 sắc thái”, dựa trên bộ truyện nổi tiếng cùng tên.
Trong đó, đối phương, thường là nữ giới, thích bị ngược đãi, khổ dâm khi quan hệ, ví dụ như bóp cổ.
Chỉ là tai nạn khi quan hệ
Cái chết của nữ du khách người Anh không phải là trường hợp duy nhất. Trên thực tế, nhiều vụ giết người trong đó nạn nhân là phụ nữ và thủ phạm một mực chối tội, gọi cái chết là “tai nạn khi quan hệ” xảy ra trên thế giới.
"Chúng tôi có một danh sách khoảng 250 nạn nhân nữ giới ở nhiều quốc gia khác nhau. Tại Đức, Canada, Mỹ, Australia, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, các vụ án xuất hiện nhiều hơn”, Fiona Mackenzie, nhà sáng lập We Can’t Consent To This, một nhóm vận động kêu gọi công bằng cho phụ nữ trong những trường hợp tương tự như Grace Millane.
Tất cả vụ án đều có một điểm chung khi đem ra xét xử: Các cô gái có sở thích quan hệ tình dục khác thường và tai nạn xảy ra. Bị cáo nhận tội ngộ sát, không phải tội giết người.
Bộ truyện "50 sắc thái" và phim cùng tên nổi tiếng với nội dung đề cập đến vấn đề bạo dâm, khổ dâm. Ảnh: 50 Fifty Shades of Grey.
Tháng 6/2019, tòa án ở thành phố Bielefeld (Đức) tuyên án 10 năm cho một người đàn ông 48 tuổi vì tội ngộ sát vợ.
Trước tòa, người này cho hay hai vợ chồng thường xuyên thực hiện hành vi bóp cổ khi quan hệ tình dục và vợ mình chỉ thích khi chồng làm vậy.
Lý lẽ ban đầu bị Tòa án Thành phố coi là hạ thấp nạn nhân, song về sau được chấp thuận bởi Tòa án Tối cao.
Đến tháng 11, bản án được xem xét lại bởi tuyên bố của người chồng rằng người vợ thích bị bóp cổ khi quan hệ không bị coi là “tình tiết tăng nặng” trong vụ án.
Năm 2011, Cindy Gladue, một bà mẹ ba con người bản địa, chết trong phòng khách sạn do vết thương dài 11 cm ở thành âm đạo. Bradley Barton, người trả tiền để quan hệ tình dục với Gladue trong hai đêm, hầu tòa với cáo buộc giết người.
Mặc dù thừa nhận gây ra cái chết của Gladue, Barton một mực phủ nhận việc gây thương tích cho nạn nhân. “Cô ta đồng ý với kiểu quan hệ lệch lạc. Vậy nên, không thể kết tội tôi”, Barton tuyên bố trước tòa.
Các tài liệu của tòa án lưu ý rằng trong suốt phiên tòa, nạn nhân liên tục bị gọi dưới danh xưng "gái điếm bản địa" bởi cả bên bị cáo và công tố. Theo Tòa án Tối cao, phát ngôn này "gây định kiến và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phán quyết của bồi thẩm đoàn".
Kết quả, thay vì tội giết người, Barton dự phiên xét xử với tội danh ngộ sát.
Hình ảnh từ đoạn video ghi lại cuộc thẩm vấn của cảnh sát với nghi phạm được phát tại Tòa án tối cao Auckland ở New Zealand hồi tháng 11/2019.
Xu hướng tình dục thành cớ giảm nhẹ tội
Elizabeth Sheehy, Giáo sư tại Khoa Luật của Đại học Ottawa (Canada), cho hay xu hướng, hành vi tình dục của một người phụ nữ thường bị các luật sư bào chữa đem ra sử dụng trong các phiên tòa hình sự.
"Xu hướng, hành vi tình dục có khả năng làm tổn hại đến nạn nhân nữ, ngay cả khi không có xác minh chính thức nào”, Sheehy cho hay.
“Một phụ nữ thích bạo dâm hay khổ dâm thường bị nhìn bởi ánh mắt thiếu thiện cảm. Định kiến này ảnh hưởng đến quyết định luận tội thủ phạm. Tôi lo lắng nếu ai cũng có tâm lý bình thường hóa hình thức bạo lực này”, cô đánh giá.
Ít nhất 60 phụ nữ Anh bị giết trong các vụ án được gọi là “tai nạn khi quan hệ tình dục” kể từ năm 1972. Trong vòng 5 năm qua, con số nạn nhân là 18 người, theo thống kê của We Can’t Consent To This.
Trong 45% các vụ giết người, việc kết luận thương tích xảy ra trong lúc “quan hệ tình dục thô bạo” có tác động giảm nhẹ, dẫn đến mức tội nhẹ hơn, một bản án nhẹ hơn. Cái chết không được điều tra sâu hơn hoặc thậm chí, thủ phạm được tuyên trắng án.
Một người phụ nữ thắp nến trong buổi cầu nguyện cho Grace Millane tại Quảng trường Nhà thờ lớn ở thành phố Christchurch, New Zealand. Ảnh: CNN.
Susan Edwards, Giáo sư Luật tại Đại học Buckingham (Anh) cho hay thời điểm 30-40 năm trước, “nạn nhân đồng ý với bạo dâm” phần lớn không bị đem ra làm lý lẽ biện hộ. “Kể cả có sử dụng lý lẽ đó, điều đó cũng vô cùng khó tin và khó thuyết phục được phía tòa án”, nữ giáo sư nói thêm.
Tuy nhiên, hiện tại, câu chuyện đã thay đổi. Nhiều người tin đó là lời bào chữa chính đáng.
"Để tuyên án tội giết người, cần phải có bằng chứng chứng minh bị cáo có ý định từ trước. Vì vậy, nếu luật sư có thể thuyết phục bồi thẩm đoàn điều ngược lại, mức độ phạm tội sẽ giảm đi rất nhiều", Edwards phân tích.
Tại Canada, các nhà hoạt động và chuyên gia đều có chung lo ngại về sự gia tăng của các trường hợp tương tự.
Lise Gotell, Giáo sư nghiên cứu về giới và phụ nữ tại Đại học Alberta (Canada) bắt đầu tổng hợp dữ liệu về việc sử dụng lời bào chữa "tai nạn khi quan hệ".
Tòa án nước này ghi nhận 100 vụ án tấn công tình dục, giết người, trong đó bị cáo đề cập đến yếu tố nạn nhân đồng ý với kiểu quan hệ bạo dâm, khổ dâm. Hơn một nửa số vụ án diễn ra từ năm 2015.
Văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân
Những người ủng hộ phụ nữ và các chuyên gia cho biết một nền văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân đang cản trở công lý.
"Trong mọi trường hợp, những thứ coi là xu hướng tình dục của người phụ nữ được trình bày trước tòa như một phần biện minh cho thủ phạm”, Mackenzie nói.
"Phụ nữ bị đổ lỗi cho hành vi của họ", Toni Van Pelt, Chủ tịch Tổ chức Phụ nữ Quốc gia (NOW) cho biết.
"Đời sống tình dục của nạn nhân luôn bị nghi ngờ, họ có hành vi lệch lạc nào không, họ có uống rượu say đến mất tỉnh táo không? Những điều này hoàn toàn không liên quan đến những gì đã xảy ra với họ”.
Dòng người đi lại trong im lặng, giơ cao biểu ngữ để tưởng nhớ nạn nhân xấu số. Ảnh: CNN.
Trong khi đó, hành vi tình dục của đàn ông, tiền sử bạo lực với phụ nữ lại bị bỏ qua dễ dàng.
“Số đông cho rằng đó là lỗi từ phía phụ nữ, vì họ có và thích tận hưởng những khoái cảm tình dục lệch lạc”, nữ chủ tịch đánh giá.
Ngoài ra, sự bình thường hóa bạo lực tình dục trong văn hóa và trên các phương tiện truyền thông càng khiến việc đổ lỗi cho nạn nhân trở nên trầm trọng hơn.
"Việc thương mại hóa bạo lực tình dục có liên quan đến việc chúng được đề cập trong những câu chuyện, cuốn sách hay bộ phim. Nội dung đó tác động trực tiếp đến những kẻ có ý đồ xấu", Edwards nói.
Trong trường hợp của nữ du khách người Anh Grace Millane, sau khi luật sư bị cáo tung ra lý lẽ biện hộ, các chi tiết về đời sống riêng tư của nạn nhân liên tục bị truyền thông khai thác.
“Thích bị bóp cổ”, “Thích bị ngược đãi khi quan hệ”, “Là thành viên lâu năm của một cộng đồng bạo dâm, khổ dâm trên mạng”, những cụm từ nói về sở thích, nhu cầu tình dục của người đã khuất xuất hiện trên nhiều mặt báo, trang tin.