Công nghệ có thể giúp tránh đường biên giới cứng tại Ireland

Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid ngày 3/2 khẳng định hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ hiện nay để giải quyết vấn đề biên giới giữa Vương quốc Anh với Ireland sau Brexit.

132 1 Cong Nghe Co The Giup Tranh Duong Bien Gioi Cung Tai Ireland

Bộ trưởng Nội vụ Anh Sajid Javid. (Nguồn: PA)

 

Nhận định trên được đưa ra vài ngày sau khi các nghị sỹ Anh ủy quyền cho Thủ tướng Theresa May tiến hành đàm phán lại thỏa thuận Brexit với Liên minh châu Âu (EU), để tìm một giải pháp thay thế cho điều khoản "rào chắn" gây tranh cãi liên quan đến biên giới Anh - Ireland sau Brexit.

Điều khoản này nhằm đảm bảo không có đường biên giới cứng trên đảo Ireland, song những người ủng hộ Brexit lo ngại điều đó sẽ mãi gắn Anh với các quy định về thuế quan của EU.

Phát biểu trên Đài BBC, Bộ trưởng Javid khẳng định: "Hoàn toàn có thể tránh một đường biên giới cứng trên đảo Ireland bằng cách sử dụng công nghệ hiện nay. Điều duy nhất còn thiếu là một chút thiện chí từ phía EU."

Ông Javid cho biết EU đã nói rõ rằng có thể giúp tạo ra các dàn xếp thay thế nhằm tránh một đường biên giới cứng ở Ireland nếu Anh rời khỏi liên minh mà không có thỏa thuận.

Ông đặt câu hỏi: "Nếu EU có thể làm điều đó trong trường hợp không đạt thỏa thuận, vậy tại sao họ không thể làm điều đó trong trường hợp có thỏa thuận?" Vì vậy, theo Bộ trưởng Javid, "kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất vẫn là một thỏa thuận."

Theo kế hoạch, Thủ tướng May sẽ trở lại Brussels để tái đàm phán về việc sửa đổi thỏa thuận Brexit mà bà và các lãnh đạo EU đã nhất trí hồi tháng 12/2018.

Tuy nhiên, đến nay EU vẫn cho rằng điều khoản "rào chắn" là giải pháp duy nhất có thể giải quyết vấn đề biên giới Ireland sau khi Anh rời khỏi liên minh này, đồng thời khẳng định không tái đàm phán thỏa thuận đã nhất trí.

Trong một bài viết trên tờ Sunday Telegraph số ra ngày 3/2, bà May cho biết bà đã được "giao một sứ mệnh mới" và được trang bị nhiều "ý tưởng mới" khi gặp lại các lãnh đạo EU, đồng thời khẳng định sẽ "đấu tranh cho Anh và Bắc Ireland" trong nỗ lực nhằm gỡ bỏ điều khoản "rào chắn" gây tranh cãi.

 

Theo TTXVN

Bài liên quan