Coronavirus: Nhóm cha mẹ đơn thân kiện chính phủ vì quy định phúc lợi bất công

Một nhóm các ông bố bà mẹ đơn thân không thể xin nhận phúc lợi vì tình trạng di cư của họ đang đâm đơn kiện chính phủ.

Một phiên điều trần tại Tòa án Tối cao sẽ lắng nghe những lời cầu xin dỡ bỏ các quy định hạn chế do sự bùng phát của coronavirus.

Các luật sư cho biết hàng chục ngàn người đang bị ảnh hưởng, chủ yếu là các bà mẹ từ các nước thuộc khối thịnh vượng chung có con sinh ra ở Anh. Họ đều làm những công việc được trả lương thấp.

Bộ Nội vụ cho biết "không ai nên bị đẩy vào cảnh chết đói hay nghèo khổ".

Các nhà vận động nói rằng những người lao động này đang phải đối mặt với một "lựa chọn bất khả thi": Tiếp tục làm việc khi dịch bệnh bùng phát, khiến bản thân và những người khác gặp nguy hiểm, hay ngừng làm việc và không thể thanh toán tiền ăn, tiền thuê nhà hay các hóa đơn.

Bà mẹ đơn thân Zeenab, một nhân viên chăm sóc chuyên phục vụ những người trưởng thành mắc bệnh động kinh, đã phải giảm giờ làm để chăm sóc đứa con trai bảy tuổi của mình kể từ khi các trường học đóng cửa vào tháng trước nhằm hạn chế sự lây lan của coronavirus.

132 1 Coronavirus Nhom Cha Me Don Than Kien Chinh Phu Vi Quy Dinh Phuc Loi Bat Cong

Là một nhân viên chủ chốt, cô được quyền tiếp tục gửi trẻ đến trường nhưng trường học của con trai cô cho biết họ chỉ có thể nhận trẻ hai ngày một tuần.

Cô cho biết cô buộc phải cắt giảm thời gian làm việc của mình từ khoảng 50 giờ mỗi tuần xuống chỉ còn 12 giờ và hiện chỉ kiếm được 300 bảng mỗi tháng sau các khoản khấu trừ và chi phí vận chuyển.

"Tôi không biết tôi sẽ làm gì", cô nói.

"Trong một vài tuần nữa, tôi sẽ không có đủ thức ăn hay tiền thuê nhà và tôi thực sự lo lắng.

"Tôi yêu công việc của mình. Tôi đang làm việc chăm chỉ. Tôi muốn làm việc và tôi đóng thuế nhưng tôi không được hưởng bất cứ phúc lợi gì."

Chính phủ tuyên bố những người lao động bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng coronavirus nên xin trợ cấp universal credit.

Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, gần một triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp.

Nhưng các quy tắc với tên gọi là "không truy đòi các nguồn quỹ công cộng" áp dụng cho một số tình trạng nhập cư nhất định khiến một số người không được hưởng hỗ trợ của nhà nước.

Zeenab, người gốc Sierra Leone, đến Anh năm 2007 và sinh con trai vào năm 2012.

Quyên lưu trú tại Anh của cô có hạn định nên cô không thể yêu cầu bất kỳ trợ cấp nào như trợ cấp trẻ em hay universal credit.

Cô hiện là một thành viên trong nhóm các bậc cha mẹ đơn thân lên tiếng kháng nghị những quy tắc hạn chế nói trên tại Tòa án tối cao.

Nếu họ thành công, chính sách "không truy đòi các nguồn quỹ công cộng" sẽ bị đình chỉ trước khi phiên tòa chính thức diễn ra, nơi các bậc cha mẹ sẽ tranh đấu để yêu cầu loại bỏ chúng vĩnh viễn vì chúng phân biệt đối xử với phụ nữ và người có nguồn gốc thiểu số.

"Chính sách gây ra nghèo đói ngay cả vào những thời điểm ổn định", Caz Hattam, từ Dự án Unity, một tổ chức tình nguyện đứng sau vụ kiện cho biết.

"Nhưng kể từ khi coronavirus bùng phát, mọi thứ càng trở nên tuyệt vọng hơn. Chúng tôi muốn đình chỉ chúng ngay lập tức để những gia đình này có thể tiếp cận hỗ trợ phúc lợi cơ bản trong cuộc khủng hoảng này và bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác trong tương lai."

Luật sư nhân quyền Adam Hundt, người đại diện cho nhóm, nói: "Đây là những bà mẹ của những đứa trẻ Anh. Họ đã và đang làm việc, đóng thuế và bảo hiểm quốc gia và họ không còn gì cả mà phải sống nhờ từ thiện.

"Một nhóm đông đảo trẻ em người Anh không được tiếp cận mạng lưới an sinh xã hội giống như các con tôi."

Bộ Nội vụ cho biết họ sẽ không bình luận về các thủ tục pháp lý đang diễn ra nhưng một phát ngôn viên của chính phủ cho biết: "Chính phủ đang hỗ trợ người dân vượt qua cuộc khủng hoảng này và không ai nên bị đẩy vào cảnh chết đói hay nghèo khổ.

"Các biện pháp chúng tôi đã đưa ra, chẳng hạn như giữ ổn định tiền thuê nhà và thế chấp, cung cấp phiếu mua thực phẩm, không được coi là quỹ công cộng và những người di cư có quyền lưu trú tại Anh đáp ứng các tiêu chí được phép tiếp cận những biện pháp này."

 

Nguồn: BBC

Bài liên quan