Patrick Vallance, trưởng nhóm cố vấn khoa học chính phủ Anh, cho rằng đa số ca nhiễm nCoV ở nước này có nguồn gốc châu Âu, không phải Trung Quốc.
"Vào đầu tháng 3, Anh ghi nhận rất nhiều ca nhiễm nCoV du nhập từ nhiều nơi khác nhau, đặc biệt là từ các nước châu Âu có dịch", ông Vallence phát biểu trước Ủy ban Chăm sóc Y tế và Xã hội của Hạ viện Anh hôm 5/5. Bộ gene virus vào thời điểm đó cho thấy phần lớn ca nhiễm "có thể đến từ Italy và Tây Ban Nha", ông nói.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm ở thị trấn ven biển Poole, hạt Dorset, Anh, hôm 2/5. Ảnh: Reuters.
"Có thể đó là những du học sinh về nghỉ giữa kỳ, người đi công tác, nhưng chúng tôi không chắc lắm. Nhưng rất nhiều ca nhiễm không đến từ Trung Quốc hay từ những nơi bạn nghĩ. Họ quả thực đến từ châu Âu và tới Anh với tần suất cao vào khoảng thời gian đó", Vallance nói.
Anh hiện là vùng dịch lớn thứ tư thế giới với gần 195.000 ca nhiễm và ghi nhận số người chết cao nhất châu Âu, với hơn 29.000 ca tử vong. Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh cho hay nếu tính cả các ca tử vong tại Scotland và Bắc Ireland, số người chết do Covid-19 trên toàn Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland hiện là 32.313.
Các ca nhiễm đầu tiên ở Anh được ghi nhận vào cuối tháng 1, là hai người mang quốc tịch Trung Quốc trong cùng một gia đình ở York.
Anh cùng với Tây Ban Nha, Italy hiện là ba nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh ở châu Âu. Thủ tướng Anh Boris Johnson tuần trước tuyên bố đất nước đã qua đỉnh dịch, nhưng chưa sẵn sàng dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, giám đốc Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch Bệnh châu Âu (ECDC) Andrea Ammon hôm 4/5 cảnh báo Anh chưa qua đỉnh dịch.
Lệnh phong tỏa toàn quốc ở Anh đã kéo dài hơn một tháng. Người dân vẫn được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài làm việc, mua nhu yếu phẩm hoặc tập thể dục, với điều kiện duy trì khoảng cách ít nhất hai mét với người khác.
Nguồn: Mai Lâm/ Vnexpress