Cuộc “ly dị” giữa châu Âu và nước Anh: Càng đàm phán, quan điểm càng khác biệt

Tại hội nghị cấp cao vừa rồi ở Brussel (Bỉ), các nước thành viên EU đã tiếp tục gia tăng áp lực đối với nước Anh trong xử lý việc thành viên EU này ra khỏi EU (Brexit). Do Thủ tướng Anh Theresa May không đưa ra được đề nghị mới nào ngoài nhắc lại những quan điểm và điều kiện của Anh mà EU đã biết rõ, EU đã quyết định hoãn cuộc gặp cấp cao đặc biệt đã được dự kiến trong tháng 11 tới để phán quyết lần cuối cùng về cuộc chia tay giữa EU và Anh.

Theo quyết định ấy, cuộc cấp cao này được trì hoãn cho tới khi phía chính phủ Anh đưa ra được ý tưởng mới đáp ứng được những điều kiện của EU. Cuộc gặp này càng bị trì hoãn dài thì khả năng xảy ra kịch bản Brexit mà không có bất kỳ thoả thuận nào giữa EU và Anh càng lớn. Đấy là kịch bản tồi tệ nhất đối với cả Anh lẫn EU nên cả hai phía đều muốn tránh ngay từ đầu quá trình đàm phán về Brexit.

Nhưng càng đàm phán thì dường như quan điểm của hai bên càng khác biệt nhau và sự sẵn sàng nhượng bộ lẫn nhau ở cả hai phía càng giảm. Vì thế, Brexit hiện mỗi lúc qua đi càng thêm giống câu chuyện ngụ ngôn về hai con dê trên chiếc cầu chỉ vừa cho một con đi. Con nào cũng muốn qua cầu trước để rồi bị rơi lăn cả xuống nước.

Vấn đề mắc mớ mấu chốt nhất giữa hai bên hiện chỉ còn có một là chuyện giao thương qua biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland. Ireland là thành viên EU trong khi Bắc Ireland do Anh quản lý. Ở Bắc Ireland có phong trào đấu tranh chính trị cũng như vũ trang với mục tiêu đưa Bắc Ireland tái thống nhất với Ireland, tức là tách ra khỏi và ly khai nước Anh.

Năm 1998, thoả thuận hoà bình cho Bắc Ireland được ký kết và một trong những nội dung ở trong đó là đảm bảo giao thương và đi lại tự do giữa Ireland và Bắc Ireland. Sự tự do đặc thù này được thể hiện rõ nhất ở Liên minh thuế quan và thị trường nội địa của EU.

Sau Brexit, nước Anh không còn được tham gia liên minh thuế quan và thị trường nội địa của EU này nữa, đường biên giới quốc gia và cùng với nó là kiểm soát ở biên giới sẽ phải được thiết lập giữa Ireland và Bắc Ireland.

Đối với nước Anh, đây là chuyện thuộc về chủ quyền lãnh thổ chứ không chỉ có an ninh thuần tuý. Cho nên điều kiện của phía Anh là không chấp nhận mọi sự phân biệt đối xử của EU cho giữa Anh và Bắc Ireland. Trong khi đó, EU lại lo ngại rất sâu sắc – và có lý do xác đáng – về nguy cơ hoà ước cho Bắc Ireland sẽ bị huỷ hoại nếu thuận theo điều kiện của Anh.

EU muốn giữ Bắc Ireland ở trong cả liên minh thuế quan và thị trường nội địa. Nước Anh sẽ chính thức ra khỏi EU vào ngày 29/3/2019 với hay không với thoả thuận nào đấy giữa Anh và EU về khuôn khổ quan hệ song phương cho tương lai. EU lúc đầu dành cho nước Anh thời gian quá độ đến cuối năm 2020, tức là Brexit nhưng nước Anh – và Bắc Ireland – vẫn tham gia liên minh thuế quan và thị trường nội địa.

426 1 Cuoc Ly Di Giua Chau Au Va Nuoc Anh Cang Dam Phan Quan Diem Cang Khac Biet

Thủ tướng Anh Theresa May

EU đã sẵn sàng gia hạn thêm thời gian quá độ để hai phía có thêm thời gian đàm phán. EU đã mời chào chính phủ Anh là thời kỳ quá độ nói trên không bị xác định thời hạn, tức là có thể kéo dài đến khi hai bên đạt được thoả thuận. Nhưng phía chính phủ Anh đều không đồng ý.

Lý do của phía Anh cũng không hẳn vô lý bởi chừng nào còn có chân trong liên minh thuế quan và thị trường nội địa của EU thì chừng đó chính phủ Anh không thể tự đàm phán và ký kết mọi thoả thuận hợp tác kinh tế và thương mại với bất kỳ đối tác thứ ba nào. Chính phủ Anh lo ngại về nguy cơ vẫn bị lệ thuộc vào EU sau khi đã ra khỏi EU. Cựu bộ trưởng ngoại giao Anh Boris Johnson coi khả năng này là việc “EU thuộc địa hoá nước Anh”.

Quá trình đàm phán giữa hai bên hiện bế tắc ở vấn đề này và qua hội nghị cấp cao vừa rồi của EU với 15 phút trình bày của bà May có thể thấy cả hai phía đều vẫn tiếp tục bế tắc. Ở Anh, bà May không có được sự ủng hộ chính trị nội bộ cần thiết trong quốc hội cho mọi kiến nghị giải pháp và khả năng thoả hiệp với EU.

Trong EU, quan điểm chung ngày càng thêm ngả nghiêng về kịch bản Brexit mà không có thoả thuận gì với Anh. Bên nào hiện cũng sẵn sàng thà chấp nhận cùng nhau ngã xuống nước và chịu ướt hoặc thậm chí chết đuối còn hơn là nhường cho bên kia qua cầu trước.

Biên giới Ireland là vấn đề khiến các nhà thương thuyết nhức đầu trong nhiều tháng qua. Cả Luân Đôn lẫn 27 thành viên còn lại của EU đều không muốn tái lập đường biên giới này, nhưng lại bất đồng về giải pháp.

Với việc Anh ra khỏi EU, đường biên giới dài 500km giữa tỉnh Bắc Ireland (thuộc Anh Quốc) với Cộng hòa Ireland (quốc gia thành viên EU) sẽ trở thành đường biên giới trên bộ duy nhất giữa Anh Quốc với EU. Luân Đôn đã quyết định rút ra khỏi liên minh thuế quan và thị trường duy nhất châu Âu, tức là không còn có sự tự do đi lại và không còn các chuẩn và thuế quan chung, cho nên sẽ phải tái lập việc kiểm tra ở biên giới.

Theo số liệu thống kê của năm 2016 thì có đến 31% hàng xuất khẩu của Bắc Ireland là sang Ireland và mỗi ngày có đến khoảng 30 ngàn người qua lại biên giới. Cho nên, người dân và doanh nghiệp ở hai bên đang tha thiết mong muốn là sự giao thương và đi lại trong tương lai sẽ không bị cản trở do Brexit.

Mặt khác, hiệp định hòa bình 1998 đã chấm dứt các vụ bạo động ở hai miền. Việc tái lập đường biên giới giữa Bắc Ireland và Ireland đang gây lo ngại về nguy cơ tái diễn các vụ rối loạn đó. Cảnh sát dự báo là các nhóm bán quân sự vốn không chấp nhận hiệp định 1998 rất có thể sẽ tấn công vào các cơ sở ở đường biên giới được tái lập.

Nguon: https://dantri.com.vn

Bài liên quan