Cách thủ đô London, Anh, 64 km về phía Bắc, Đại học Cranfield là trường duy nhất tại châu Âu sở hữu và điều hành sân bay cùng đội bay riêng.
Chủ yếu đào tạo sau đại học, Đại học Cranfield chuyên về Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ và Quản lý. Trường gồm 2 khuôn viên: Phần chính nằm ở Cranfield, vùng Bedfordshire và phần phụ nằm ở Học viện Quốc phòng Anh quốc, Shrivenham, vùng tây nam Oxfordshire. Sở hữu sân bay và được phép tự điều hành, Cranfield tận dụng điều này để phục vụ các khóa học nghiên cứu và giảng dạy về hàng không.
Ngôi trường được thành lập năm 1946 với tên ban đầu là Đại học Hàng không. Nó nổi lên như một “đối thủ” của các trường đại học Mỹ như Viện Công nghệ California (Caltech) hay Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Khuôn viên của Đại học Cranfield có 4 nhà chứa máy bay chiến tranh khổng lồ như một lời nhắc nhở rằng ngôi trường được xây dựng trên khu vực RAF Cranfield – nơi từng là căn cứ máy bay chiến đấu ban đêm trong Thế chiến II.
Năm tới, trường có thể có thêm nhà chứa phi cơ thứ năm, là một phần trong dự án đầu tư 86 triệu USD nhằm xây dựng Trung tâm Công nghệ và Nghiên cứu Kỹ thuật số Hàng không (Dartec).
Với sự đầu tư của các tập đoàn lớn như Boeing, Saab hay Thales, Dartec nhắm đến việc dẫn đầu nước Anh trong nghiên cứu về công nghệ máy bay không người lái, kiểm soát không lưu kỹ thuật số và tích hợp máy bay không người lái vào không phận dân sự.
Là một phần của dự án, sân bay cũ trong Thế chiến II sẽ được tái tạo bề mặt và trang bị với hệ thống tiếp cận mới, tháp kiểm soát không lưu kỹ thuật số và hệ thống radar hiện đại.
Nick Lawson là giáo sư khí động học và đo lường không khí ở Đại học Cranfield, đồng thời là người đứng đầu Phòng thí nghiệm Hàng không Quốc gia (NFL). Không chỉ nghiên cứu ảnh hưởng tới tương lai ngành hàng không, “giáo sư bay” còn là một phi công dân dụng thực thụ.
“Tôi luôn muốn được điều khiển máy bay lượn trên bầu trời. Văn phòng của tôi ở ngay sát đường băng và mỗi ngày tôi có thể chứng kiến những học viên lên máy bay thực hiện điều mình mong muốn. Và cuối cùng, chính tôi cũng không cưỡng lại được”, Lawson chia sẻ.
Quãng thời gian sau đó, “giáo sư bay” chán nản bởi công việc của học giả. Nó khiến ông mất khá nhiều thời gian trên giấy tờ mà xao nhãng việc nghiên cứu. Cuối cùng, ông quyết định từ bỏ để trở thành phi công thương mại, có cơ hội kết hợp công việc nghiên cứu và làm phi công ở NFL.
Tại phòng làm việc của Lawson, những bức ảnh đen trắng trên tường cho thấy quá trình phát triển của phòng thí nghiệm. Trong một bức ảnh, 2 chiếc Jet Streams, 3 chiếc máy bay huấn luyện Bulldog và chiếc Cranfield A1 xuất hiện trước nhà chứa máy bay. Đặc biệt, chiếc Cranfield A1 được thiết kế và xây dựng bởi chính sinh viên khóa Thiết kế Phương tiện Hàng không của trường.
Tháng 9/2017, các kỹ sư của hệ thống BAE và sinh viên từ khóa học chuyên về Kiểm soát Xe tự hành của Đại học Cranfield đưa ra khái niệm máy bay không người lái. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Cranfield cũng giúp thiết kế máy bay “không có cánh tà” (flapless) đầu tiên trên thế giới.
“Giáo sư bay” cho hay những cơ hội mà trường đại học với sân bay riêng mang lại cũng giúp phòng thí nghiệm của ông trở thành điểm đến lý tưởng với những người muốn thử công nghệ mới.
“Hệ thống giao thông hàng không rất bảo thủ. Họ không đón nhận công nghệ mới một cách nhanh nhạy, một phần vì không có nhiều nơi để họ tiến hành nghiên cứu. Giờ đây, chúng tôi đón tiếp những tên tuổi lớn. Họ mang công nghệ tới trường của chúng tôi để bay thử và thử nghiệm các hệ thống hoạt động trong thực tế. Tôi nghĩ chúng tôi là độc nhất ở Anh”, Lawson nói.
Nguồn: https://news.zing.vn