Vụ 21 nghị sỹ bị thủ tướng Boris Johnson 'khai trừ' khỏi Đảng Bảo thủ có thể được lý giải qua nguyên lý vận hành của hệ thống dân chủ Westminster tại Anh.
21 nghị sỹ Bảo thủ Anh chống lại chính phủ Johnson và tạm thời bị đuổi khỏi đảng
Trước hết, câu hỏi là hệ thống Westminster có bị sứt mẻ vì một ông Boris 'độc tài'?
Trước vụ 'đuổi 21 nghị sỹ khỏi đảng' hôm 04/09, ông Johnson đã đề nghị Nữ hoàng Anh 'tạm treo' nghị viện trong 5 tuần.
Điều này bị phê là hành vi 'độc tài', phản dân chủ.
Có thật vậy không? Chúng ta hãy xem đằng sau những ồn ào của nghị trường, hệ thống chính trị Anh vận hành ra sao, quyền hạn của các bên thế nào.
Westminster là cha đẻ của nền dân chủ đại nghị.
Đây là hệ thống tam quyền phân lập: Quốc hội lập pháp; Chính phủ thi hành luật (hành pháp), và Toà án xử án (tư pháp).
Quyền lực đến từ Quốc vương
Ba cơ quan này độc lập với nhau, nhưng không hẳn là không có ràng buộc.
Các thẩm phán của hệ thống tòa án, do Quốc vương (Monarch) bổ nhiệm phải hoàn toàn phi đảng phái.
Trên tất cả là nguyên thủ quốc gia (head of state ) ở Anh hiện là Nữ hoàng Elizabeth II.
Bà được cho là 'nguồn gốc quyền lực' (reserves of power), nhưng không trực tiếp cầm quyền.
Về lý thuyết, mọi công dân Anh là 'thần dân' của Nữ hoàng, kể cả những người nhập tịch Anh.
Mọi thủ tướng, bộ trưởng, dân biểu (trừ nhóm Sein Fein của Bắc Ireland) đều tuyên thệ trung thành với bà.
Nhưng dân chủ Westminster khác hệ thống tổng thống chế (Pháp, Mỹ...), nên nguyên thủ quốc gia, Nữ hoàng không điều hành việc nước hàng ngày.
Bà ủy quyền cho thủ tướng Anh, người về nguyên tắc có nhiệm kỳ dài chừng nào Nữ hoàng vẫn tín nhiệm, 'At Her Majesty's pleasure'.
Nữ hoàng Elizabeth II là nguyên thủ quốc gia và 'nguồn gốc quyền lực' cho chính quyền
Thủ tướng Anh vẫn có chức danh đúng văn bản từ thời trung cổ là 'First Lord of the Treasury, Minister for the Civil Service and Minister for the Union', tạm dịch là Đại thượng thư thứ nhất phụ trách Ngân khố, Bộ trưởng Công vụ và Bộ trưởng Liên hiệp Anh'.
Chính phủ và Quốc hội
Ở Hoa Kỳ, dân biểu Hạ viện (Congressmen) không làm bộ trưởng, thứ trưởng trong chính phủ.
Nhưng ở Anh, đảng cầm quyền vẫn có các nghị sỹ Hạ viện giữ chức trong chính quyền.
Nhờ đó, đảng cầm quyền có vị thế rất mạnh bởi vừa điều hành việc nước hàng ngày, vừa có thể tạo đa số, gồm cả các bộ trưởng là nghị sỹ, để ra luật.
Nghị sỹ vào chính phủ nắm chức gọi là 'frontbencher' - hàng ghế trước, vì trong bố trí phòng họp của Hạ viện, họ ngồi ở hàng ghế đầu, cùng thủ tướng, thuộc dãy ghế bên cầm quyền.
Người không tham gia chính phủ thì ngồi hàng ghế sau, gọi là 'backbencher', cùng bên với chính phủ.
Chỗ ngồi không đánh số, không ghi tên nhưng một khi dân biểu thuộc đảng cầm quyền bỏ chỗ, bước qua vạch 'lằn ranh' giữa căn phòng, gọi là 'crossing the floor', sang ngồi bên đối diện, tức là bỏ sang, theo phe đối lập.
Dân biểu, bác sỹ Phillip Lee của đảng Bảo thủ đã làm việc đó trong tuần này.
Anh Quốc chấp nhận nhiều hành vi 'ý tại ngôn ngoại' nên việc ông Lee sang ngồi cạnh bà Jo Swinson, lãnh tụ đảng Dân chủ Tự do (Liberal Democrats- Lib Dem), có nghĩa là ông theo đảng đó, chỉ trong vòng vài phút.
Giả sử ông Lee sang ngồi cùng hàng ghế của đảng Lao động (Labour) thì người ta hiểu rằng ông theo đảng đó.
Khác ông Lee, chừng 20 nghị sỹ Bảo thủ khác đã bỏ phiếu chống chính phủ của đảng mình, nhưng lại vẫn ngồi bên hàng nghế của Bảo thủ.
Họ làm vậy bất chấp tuyên bố khai trừ họ của ban kỷ luật đảng, còn gọi là Chief Whip.
Mở ngoặc giải thích một chút thì Whip là chiếc roi ngựa, hình tượng kỵ sỹ xưa vụt, lùa ngựa đi vào đúng đường, nay là hướng các nghị sỹ tuân theo đường lối của đảng, rất là Ăng-Lê và cũng nói về sự tàn bạo của chính trị.
Chief Whip - trưởng ban kỷ luật đảng có thể mua chuộc nghị sỹ bằng chức vụ, bằng quyền lợi, hoặc đe dọa (blackmail) nhưng không nghe sẽ tiết lộ scandal tình dục, bê bối trong quá khứ của dân biểu.
Toàn chuyện rất là đời sống.
Bị 'đuổi khỏi đảng' thì sao?
Trên thực tế, quy chế đảng viên ở Anh cho phép dân biểu vẫn giữ ghế trong Quốc hội sau khi 'mất thẻ đảng'.
Vì các nghị sỹ có thể là thành viên một đảng, hoặc đứng độc lập.
Họ cần vào đảng để ra tranh cử nếu đảng đó đang mạnh, nhưng lại chịu trách nhiệm nhiều hơn trước cử tri ở địa hạt (khu vực bầu cử) đã bỏ phiếu cho họ.
Bởi vậy, dù bị khai trừ ra khỏi đảng Bảo thủ, các ông như Philip Hammond, Ken Clarke, bà Justine Greening vẫn là đại biểu quốc hội, vì cử tri chưa hề phế truất họ.
Vẫn là nghị sỹ, họ chỉ lùi lại, ngồi ở ghế sau (backbencher), và vẫn có quyền bỏ phiếu nguyên vẹn, kể cả bỏ phiếu chống lại đảng (cũ) của mình.
Uy thế của thủ tướng Boris, người cũng là lãnh tụ đảng, bị hạn chế ở đây và không thể 'nặng đồng cân' hơn lá phiếu cử tri.
Nhưng vụ 21 nghị sỹ Bảo thủ bị 'khai trừ' mà 20 người không chịu bỏ đảng khiến ông Johnson đau đầu.
Sang ngày 05/09, chừng 80 nghị sỹ khác, trên tổng số 289 người trong Hạ viện, viết thư yêu cầu ông Johnson phục hồi tư cách đảng viên của những người kia.
Nếu không cẩn thận vụ này, ông Johnson sẽ làm phá tan đảng Bảo thủ Anh, có tuổi đời không nhỏ, từ năm 1834.
Khả năng đảng Bảo thủ rút lại quyết định khai trừ 21 người này là rất cao.
Vì mới đụng vào Quốc hội, chỉ trong vòng 48 tiếng, ông Johnson bị thua bốn vòng bỏ phiếu liền.
Lý do là cán cân quyền lực Westminster nghiêng về Quốc hội trong các việc lâu dài, trọng đại, còn chính phủ chỉ mạnh trong việc hàng ngày.
Quốc hội, gồm cả các đảng đối lập có quyền:
- Sa thải chính phủ qua cách chặn lại (withholding, blocking) luật ngân sách;
- Thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm thủ tướng.
Ngược lại, thủ tướng chỉ có quyền kêu gọi bầu cử sớm, trên thực tế là giải tán Hạ viện, khiến mọi dân biểu mất ghế.
Thủ tướng Johnson thua 4 lần trong 48 tiếng ở Nghị viện Anh
Đây là đe dọa ông Boris Johnson nói ông sẽ làm nếu Lưỡng viện Quốc hội thông qua luật gia hạn Brexit.
Nay thì ông đã thất bại trong cả hai tính toán chính trị này, cho thấy 'sức khỏe' của nền dân chủ đại nghị Anh vẫn rất tốt, và ông Johnson có muốn làm 'nhà độc tài' cũng khó.
Chả gì, lấy tên tên từ Điện Westminster (xây có từ 1016) ở London, Quốc hội Anh có tuổi thuộc hàng 'gạo cội' nhất thế giới.
Các nghị sỹ vẫn gọi nhau vẫn là 'Quý ông quý bà đáng kính' (Right Honourable) để công khai đấu đá, triệt hạ, khai trừ nhau.
Dưới màu sắc, ngôn ngữ truyền thống, các thủ tục có hàng trăm năm tuổi, xem ra nghị trường Anh ở thế kỷ 21 vẫn rất năng động, quyết liệt và hấp dẫn.
Nguồn: BBC