Truyền thông Anh ngây ngất với những câu chuyện bên lề khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đến đây vào “thứ sáu ngày 13”. Nhưng đó có thật là những thứ đáng xem?
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Theresa May tại cuộc họp báo chung ngày 13-7 – Ảnh: Reuters Ông Trump đã có mặt tại Scotland ngày 14-7, nơi ông sẽ dành cuối tuần cho những buổi đánh golf thư giãn tại một trong hai sân golf mà ông sở hữu.
Lúc này tại Scotland, biểu tình phản đối ông vẫn đang diễn ra, như cách tổng thống Mỹ đến Anh trước đó.
Thực ra tôi đã chỉ cho bà Theresa May cách thức thực hiện, nhưng bà ấy không chịu nghe.
The Sun dẫn lời ông Trump về việc khuyên Thủ tướng May cách thức rời khỏi EU
Lời xin lỗi của ông Trump
Không sai so với những gì người ta tưởng tượng, chuyến thăm của ông Trump tới nước Anh ngày 13-7 tràn ngập những vụ lùm xùm.
Trước tiên, quả bong bóng “em bé Trump” được căng phồng lên chào đón Tổng thống Mỹ, nhưng đi cùng với hình ảnh ấy là những cuộc xuống đường phản đối sự hiện diện của người đứng đầu Nhà Trắng.
Sự phản đối dành cho ông Trump thậm chí bùng phát khi vị lãnh đạo này có cuộc phỏng vấn với tờ báo lá cải The Sun, đăng tải ngay thời điểm ông sang Anh.
Nội dung của nó cũng sốc y như tính chất của The Sun vậy: ông chỉ trích Thủ tướng Anh Theresa May xung quanh cách bà đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), và thậm chí khẳng định Ngoại trưởng Anh Boris Johnson – người vừa từ chức – sẽ là một “vị thủ tướng giỏi”.
Chưa hết, tại cuộc họp báo tại nhà riêng của Thủ tướng May sau đó, ông Trump kể lại rằng mình đã xin lỗi bà May và được đáp lại rằng: “Đừng lo, tất cả là tại báo chí cả thôi”.
Cam kết hay đe dọa thương mại?
Những câu chuyện giật gân che lấp hầu như hoàn toàn nội dung đối thoại giữa ông Trump và bà May, hay đúng hơn là những gì hai nước Mỹ và Anh bàn thảo.
Sau hàng loạt lùm xùm trên mặt báo, họ kết thúc bằng một nhận xét lạc quan: quan hệ Mỹ – Anh đang ở “mức độ đặc biệt cao nhất”. Nhưng nó sẽ đặc biệt theo cách nào?
Một trong những diễn biến mang tính chính trị đúng nghĩa nhất và… nghiêm túc nhất nằm ở đây: ông Trump khẳng định “Brexit mềm” sẽ “giết chết thỏa thuận thương mại song phương Mỹ – Anh”.
“Brexit mềm” được hiểu là việc Anh rời khỏi EU một cách êm ái hơn. Theo đó, người Anh sẽ mất ghế trong Hội đồng châu Âu, toàn quyền quyết định vấn đề biên giới… nhưng vẫn được quyền tiếp cận thị trường miễn thuế của EU kèm theo điều kiện “bốn tự do” gồm tự do hàng hóa, dịch vụ, vốn và con người. Ở châu Âu, Na Uy, Iceland và Liechtenstein là những mô hình ví dụ cho cách thức Brexit này.
Ngược lại, “Brexit cứng” là cách người Anh tách hẳn khỏi EU như chưa hề quen biết, đồng nghĩa sẽ phải chịu thuế nhập khẩu khi làm ăn với EU như cái giá của sự “tự do” về mặt biên giới, thuế phí đóng cho khối… Anh cũng sẽ tự do thương mại với các nước khác theo luật lệ của Tổ chức Kinh tế thế giới (WTO).
Như vậy, khi ông Trump kêu gọi người Anh hãy thực hiện “Brexit cứng”, có nghĩa là ông mong người Anh sẽ… chịu thuế khi làm ăn với châu Âu.
Nói cách khác, như một phân tích trên CNN về cách ông Trump nhắn nhủ các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), người Anh sẽ vấp phải thuế của EU và vì vậy sẽ cần Mỹ hơn, làm ăn với Mỹ nhiều hơn.
Chật vật với Brexit
Chính phủ của Thủ tướng May vẫn chật vật trong quá trình rời EU, khi các điều khoản tách khỏi tổ chức này còn chưa được thông qua một cách êm xuôi, mà điển hình là bộ trưởng phụ trách Brexit cũng như ngoại trưởng ủng hộ Brexit Johnson đã từ chức.
Làm thế nào để vừa giữ quan hệ “mềm” với EU, vừa đạt được thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ để tránh phụ thuộc là bài toán khó mà ông Trump đã gửi bà May, chứ không phải những gì đang khuấy đảo các mặt báo vài ngày nay.
Nguồn: https://tuoitre.vn