Việc Quốc hội Anh bác bỏ thỏa thuận Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) đạt được giữa Thủ tướng Theresa May và EU hồi tháng 11/2018 đang tạo ra một cơn địa chấn.
Thủ tướng Theresa May đang đối mặt thách thức lớn chưa từng có. Ảnh: Telegraph
Kết quả bỏ phiếu tại Quốc hội tối 15/1 là thất bại tồi tệ nhất của Chính phủ Anh trong 95 năm qua và cũng được coi là một đòn giáng nặng nề, làm lung lay vị trí lãnh đạo của Thủ tướng May. Diễn biến mới đang đẩy Anh vào thế bế tắc chính trị và làm dấy lên nhiều hoài nghi, lo lắng về tương lai của nước này cũng như cuộc "ly hôn" với EU.
Giới phân tích đã chỉ ra một số viễn cảnh có thể xảy ra với nước Anh sau "cơn địa chấn"
Thủ tướng May từ chức
Thông thường, một thủ tướng đương nhiệm của Anh khi chứng kiến một dự luật quan trọng của mình bị quốc hội thẳng thừng bác bỏ, dù với tỉ lệ phiếu chống thấp nhất, có thể thấy cần phải từ chức vì vấn đề danh dự.
Tuy nhiên, hiện không phải là một thời điểm "bình thường", nên khả năng này được tin khó xảy ra.
Chính phủ của bà May bị bỏ phiếu bất tín nhiệm
Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn đã đề xuất một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ của Thủ tướng May.
Song, câu hỏi ở đây là, liệu các nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền và đảng Liên minh dân chủ (DUP) Bắc Ireland có sẵn sàng chấp nhận việc Công đảng sẽ thắng cử trong một cuộc tổng tuyển cử sớm tiếp sau đó?
Bà May trình các kế hoạch Brexit mới cho quốc hội
Nghị sĩ Bảo thủ Nick Boles đã công bố giải pháp có thể giúp chính phủ của Thủ tướng May đưa ra được "kế hoạch B" trong vòng 3 tuần.
Theo đó, chính phủ của bà May sẽ phải đưa ra các phiên bản Brexit mới, với nhiều điều khoản sửa đổi nhằm giành được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ thuộc Hạ viện. Điều này được đánh giá là vô cùng khó, khi có tới "9 người, 10 ý" trong cơ quan lập pháp.
Bà May tiếp tục đàm phán với EU
Bà May có thể tiếp tục đàm phán nhằm giành được các nhượng bộ có ý nghĩa hơn từ EU nhằm thuyết phục Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận Brexit lần thứ hai. Song, các nhà phân tích đánh giá khả năng này rất thấp và có thể dẫn tới việc Anh rời EU mà không có bất kỳ thỏa thuận nào.
Các nhà lập pháp Anh chặn Brexit
Những nghị sĩ phản đối Brexit có thể vận dụng điều 50 của Hiến pháp Anh để đảo ngược lại quyết định Brexit. Khả năng này hiện vẫn chưa chắc nhận được sự ủng hộ của đa số các nhà lập pháp tại Hạ viện. Song, nó có thể chứng minh là lựa chọn phù hợp đối với các nghị sĩ muốn tránh nguy cơ xảy ra một cuộc trưng cầu dân ý lần hai về việc Anh rời bỏ EU.
Anh trưng cầu dân ý lần hai về Brexit
Quan điểm của Công đảng về Brexit là, nếu họ không có được một cuộc tổng tuyển cử như mong muốn, họ sẵn sàng cân nhắc mọi lựa chọn còn lại, kể cả một cuộc trưng cầu dân ý lần hai. Thủ tướng May từng nhiều lần lên tiếng phản đối việc tổ chức lại trưng cầu dân ý về Brexit, nhưng trong tình thế hiện tại, bà có thể không còn lựa chọn nào tốt hơn khi thỏa thuận Brexit khó khăn đạt được với EU hồi tháng 11/2018 đã bị đa số các nhà lập pháp bác bỏ.
Nguồn: Tuấn Anh/ Vietnamnet.vn