Thủ tướng Johnson đang chơi một canh bạc lớn khi vừa đối đầu với Trung Quốc, vừa đề nghị mở cửa nước Anh cho hàng triệu dân Hong Kong. Kịch bản di dân hàng loạt sẽ chứng kiến "viên ngọc kinh tế" của Trung Quốc vỡ tan nát.
Báo The Guardian của Anh nhận định hàng loạt yếu tố gồm chính trị và lịch sử đã dẫn đến quyết định của London mở rộng vòng tay sẵn sàng tiếp nhận gần 3 triệu người Hong Kong.
Dân Hong Kong vẫy cờ Anh trước Lãnh sự quán Anh trong một lần biểu tình chống sự can thiệp của Bắc Kinh hồi năm ngoái - Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Boris Johnson hứa mở ra con đường sẵn sàng cho hàng triệu dân Hong Kong trở thành công dân Anh là một đề nghị đáng chú ý, nhất là khi Chính phủ Anh đã bỏ ra 4 năm ròng để thực hiện Brexit - chặn dòng người di cư tự do từ châu Âu.
Đóng sầm một cánh cửa để rồi mở toang một cánh cửa khác là điều đáng kinh ngạc, không rõ nội bộ Đảng Bảo thủ Anh hoặc cử tri ủng hộ Brexit nghĩ sao về chủ trương này.
Các nhân vật trong chính phủ ông Johnson lập luận rằng Brexit chưa bao giờ mang ý nghĩa chặn người di cư, nó chỉ bảo vệ chủ quyền và quyền kiểm soát chính sách nhập cư của Anh, bao gồm việc lựa chọn những ai xứng đáng.
Nói cho cùng, bốn nhân vật Bảo thủ quyền lực trong Chính phủ Anh đều có nguồn gốc nhập cư. Gia đình Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel từng rời bỏ Uganda. Cha của Ngoại trưởng Dominic Raab rời Tiệp Khắc đến Anh hồi năm 6 tuổi.
Ông bà của Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak thì rời quê nhà ở Đông Phi đến Anh hồi thập niên 1960. Thậm chí Thủ tướng Boris Johnson cũng có tổ tiên là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Chính sách tị nạn chính trị của Anh đã giúp cả 4 người có được cuộc sống như ngày nay.
Ngoài lý do trên, trong Đảng Bảo thủ Anh vẫn còn mang chút cảm giác "tội lỗi" về cách đối xử lạnh lùng của vương quốc dưới thời Thủ tướng Margaret Thatcher: Đặt số phận Hong Kong vào tay Trung Quốc năm 1994.
Sau ngày Hong Kong quy cố hương đại lục (1997), người dân Cảng thơm như sống trong một ngôi nhà xây dở. Họ có tấm hộ chiếu hải ngoại của Anh (BNO), được trợ giúp lãnh sự và bảo vệ bởi các đại diện ngoại giao Anh, nhưng không tự động có quyền sống và làm việc ở Anh. Những ai sinh sau năm 1997 càng không có quyền gì.
Trong hồi ký của mình, Thống đốc cuối cùng của Hong Kong, ông Chris Patten, viết: "Hồi thập niên 1990, nhiều thành viên Bảo thủ và phần lớn truyền thông Anh phản đối ý tưởng trao quyền công dân cho một bộ phận dân Hong Kong - những người phục vụ trực tiếp cho mẫu quốc, đảm bảo cho họ một con đường di cư đến Anh sau năm 1997 nếu cần thiết.
Nguyên tắc Civis Romanus sum (đại ý: mọi công dân La Mã đều được bảo vệ trên lãnh thổ đế chế) không được nước Anh áp dụng cho Hong Kong. Úc, Canada - các nước thuộc Khối thịnh vượng chung - rộng rãi hơn nhiều trong việc trao quyền công dân cho người Hong Kong. Họ hào hiệp hơn so với quốc gia tự nhận mình là "mẫu quốc (của Hong Kong)".
Thời đó "bà đầm thép" Thatcher cũng hứng nhiều chỉ trích.
Thủ tướng Anh David Cameron uống bia với Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2015. Quan hệ Anh - Trung Quốc hiện nay đã xấu hơn nhiều - Ảnh: REUTERS
Năm 1989, trong dư âm của sự kiện Thiên An Môn, Paddy Ashdown, thủ lĩnh của Đảng Dân chủ xã hội và tự do mới nổi, xác lập quan điểm của đảng này bằng cách kêu gọi trao cho dân Hong Kong quyền về nơi cư trú.
Quan điểm tự do của Ashdown ảnh hưởng gì đến thỏa hiệp chính trị ngày nay?
Tương tự nội các ông Johnson, trong chính phủ của hai thủ tướng tiền nhiệm Theresa May và David Cameron đều có các quan chức quyền lực có gốc nhập cư. Có điều khi nhìn vào kinh nghiệm Đức cho người tị nạn Syria tràn vào năm 2015, ông Cameron chỉ dừng lại ở việc kêu gọi Bắc Kinh đừng can thiệp vào bầu cử ở Hong Kong.
Mỗi thành viên Chính phủ Anh góp một phần vào sự thay đổi, nhưng các xu hướng lớn hơn của thời đại buộc Thủ tướng Johnson phải đưa ra lựa chọn vào lúc này.
Trong bối cảnh biểu tình gia tăng ở Hong Kong, nhằm đối phó với khả năng Trung Quốc chấm dứt quy chế "Một quốc gia, hai chế độ" tại Hong Kong, London đã thành lập một nhóm kế hoạch dự phòng liên chính phủ về vấn đề Hong Kong từ tháng 9-2019.
Đây là một bước đi đáng chú ý giữa lúc Đảng Bảo thủ Anh bắt đầu thay đổi cái nhìn về Trung Quốc. Mùa hè năm 2019, một nhóm chính khách có sức ảnh hưởng gồm Iain Duncan Smith, Damian Green và Tom Tugendhat kết luận rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc dưới quyền Chủ tịch Tập Cận Bình là "mối đe dọa với phương Tây", cần phải ngăn chặn.
Global Britain (nước Anh toàn cầu) được định nghĩa là cam kết đối với sự cởi mở, dân chủ và trật tự thượng tôn pháp luật. Hong Kong vô tình trở thành điểm hội tụ cho chính sách đối ngoại này. Cách Trung Quốc xử lý dịch COVID-19, và những lùm xùm liên quan đến Huawei, càng đẩy nhanh hơn quá trình này.
Liệu ông Johnson có thể lường hết mọi hệ quả?
Tuổi Trẻ (theo Guardian)