EU và Anh bước vào vòng đàm phán Brexit then chốt ngày 16-17/8, bàn thảo hai vấn đề quan trọng là địa vị tương lai của Bắc Ireland và khuôn khổ chung cho mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU.
Kết quả của vòng đàm phán này sẽ là chỉ dấu cho thấy liệu dự thảo thỏa thuận rút khỏi EU và tương lai quan hệ thương mại Anh-EU có trình được Hội đồng châu Âu thông qua tại hội nghị thượng đỉnh EU vào 18-19/10 tới hay không.
Vòng đàm phán mới giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu ngày 16/8 tại thủ đô Brussels của Vương quốc Bỉ sẽ tập trung thảo luận về các giải pháp cho vấn đề biên giới giữa Bắc Ireland của Vương quốc Anh và Cộng hòa Ireland sau khi nước Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit. Ảnh: TTXVN phát
Cho đến thời điểm này, hai bên đã nhất trí với nhau được 80% nội dung đàm phán Brexit. Tuy nhiên, 20% còn lại là những vấn đề mấu chốt và có ảnh hưởng quyết định đến số phận của thỏa thuận Brexit.
Những quan ngại về khả năng hai bên không đạt được thỏa thuận Brexit khi Anh rời EU vào tháng 3/2019 vẫn hiện hữu khi hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung đối với một số vấn đề quan trọng như đường biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, cùng một số điều khoản trong thỏa thuận thương mại mới giữa Anh-EU.
Trong mấy tháng Hè qua, đích thân Thủ tướng Theresa May và các quan chức Chính phủ Anh đã có những chuyến công du dày đặc đến các nước EU để thuyết phục chính phủ các nước này ủng hộ các kế hoạch Chequers Brexit của London. Hoạt động ngoại giao con thoi của Anh đã có tác dụng ban đầu khi những tín hiệu trước vòng đàm phán cho thấy Brussels đang nới lỏng những điều kiện đặt ra với London.
Đáng kể là việc nhiều khả năng EU sẽ chấp thuận đề xuất Anh tiếp tục ở trong thị trường đơn lẻ đối với giao thương hàng hóa, nhưng không bắt buộc phải đáp ứng yêu cầu tự do di chuyển trong khối như yêu cầu ban đầu EU đưa ra.
Đổi lại, EU yêu cầu Anh phải chấp nhận tuân theo các quy định của khối về bảo vệ môi trường, xã hội và thuế quan, điều này sẽ cản trở Anh thực hiện các thỏa thuận tự do thương mại với các nước bên ngoài EU.
Có lẽ vấn đề khó khăn và gây tranh cãi nhất do Brexit mang lại là đường biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, mặc dù hai bên đều nhất trí cần có một chính sách đảm bảo để tránh một đường biên giới cứng tại Bắc Ireland nếu như những thỏa thuận hải quan thích hợp không đạt được giữa Anh và EU trong thời gian chuyển đổi đến hết tháng 12/2020.
EU tin rằng chính sách đảm bảo sẽ là Bắc Ireland ở lại trong thị trường đơn lẻ đối với hàng hóa và liên minh thuế quan cho đến khi Anh tìm ra được giải pháp đối với vấn đề đường biên giới. Thủ tướng May lại muốn kế hoạch đảm bảo này được áp dụng trên toàn nước Anh chứ không áp riêng cho vùng Bắc Ireland.
Báo chí Anh trong những tuần qua có vẻ đã đẩy vấn đề đi quá xa khi vẽ lên một “bức tranh kinh hoàng” cho nước Anh nếu như hai bên không đạt được thỏa thuận Brexit. Nước Anh sẽ đối mặt với tình trạng giá cả leo thang, khan hiếm hàng hóa tại siêu thị, thiếu thuốc men, đường phố sẽ đầy cảnh sát… và cho rằng EU đang ở thế thượng phong trong những đàm phán sắp tới.
Thực tế là nếu không đạt được thỏa thuận Brexit thì tác động tiêu cực lên EU cũng vô cùng to lớn. Vấn đề lưu thông hàng hóa, hải quan vướng mắc sẽ dẫn đến ách tắc giao thương tại các cảng ở nhiều nước như Dover, Holyhead, Antwerp và Rotterdam….
Đối với lĩnh vực dịch vụ, trong 5 năm 2011-2016, các công ty của EU đã tiếp cận được 400 tỷ euro vốn thông qua khu tài chính London, trong khi các hãng bảo hiểm Anh đã cung cấp hơn 30 triệu hợp đồng cho các khách hàng EU. Hơn 8.000 hãng của EU đang sử dụng các quyền tiếp cận các dịch vụ tài chính trong khối để vào thị trường Anh.
Một vấn đề lớn nữa là không đạt được thỏa thuận Brexit sẽ khiến cả Anh và EU bị mất rất nhiều việc làm. Một nghiên cứu mới đây cho biết hơn một triệu việc làm tại châu Âu sẽ bị mất nếu xảy ra kịch bản này.
Nước bị ảnh hưởng nhiều nhất trong EU là Cộng hòa Ireland do nước này có những mối liên quan địa lý và lịch sử đặc biệt với Anh. Ước tính Cộng hòa Ireland có thể mất tới 4% GDP nếu Anh và EU không đạt được thỏa thuận Brexit.
Một thực tế nữa, Anh vẫn luôn là một đối tác quan trọng của EU trong các hoạt động chia sẻ thông tin tình báo và an ninh. Trong bối cảnh thế giới và châu Âu hiện nay, EU rất cần hợp tác với Anh trên lĩnh vực an ninh quân sự để đối phó những mối đe dọa như khủng bố, khủng hoảng nhập cư từ châu Phi và Trung Đông.
Bởi vậy, có lý do để tin rằng cả Anh và EU đang hướng tới giải pháp thỏa hiệp khi người phát ngôn của EU mới đây khẳng định ” EU đang làm việc với tinh thần xây dựng, miệt mài ngày đêm để đạt được thỏa thuận Brexit với Anh”, và khẳng định “điều này sẽ được thể hiện ở vòng đàm phán diễn ra ngày 16-17/ 8”. Người đứng đầu đoàn đàm phán Brexit của EU ông Michel Barnier cũng bày tỏ tin tưởng cuộc đàm phán sẽ đạt được kết quả tốt đẹp.
Ông khẳng định Anh là một thành viên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, do vậy Anh là một đối tác quan trọng của EU trên phương diện kinh tế và chiến lược. Trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, EU quan tâm không chỉ việc đẩy mạnh vị thế của khối trên thế giới mà cả việc hợp tác với Anh như là một “đối tác gần gũi”.
Người phát ngôn Chính phủ Anh cũng đưa ra khẳng định hoàn toàn tin tưởng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận Brexit. Tuy nhiên, những bất đồng ngay chính trong nội bộ Anh cũng khiến London “dè dặt”.Theo người phát ngôn này, là một chính phủ có trách nhiệm, nội các của bà May vẫn chuẩn bị mọi tình huống, cả đạt được và không đạt được thỏa thuận Brexit.
Đề xuất Chequers Brexit của Thủ tướng May được cho là linh hoạt để tìm ra tiếng nói chung với EU, nhưng đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ những người ủng hộ một Brexit dứt khoát không khoan nhượng trong đảng Bảo thủ của bà, điển hình là việc từ chức của 2 quan chức hàng đầu: Ngoại trưởng Boris Johnson và Bộ trưởng phụ trách vấn đề đàm phán Brexit của Anh David Davis.
Phe phản đối cho rằng kế hoạch của bà May làm hạn chế cơ hội ký những thỏa thuận tự do thương mại của Anh với các nước bên ngoài EU và đưa nước Anh vào tình trạng nửa vời trong quan hệ tương lai với EU.
Một điều đáng nói nữa là thỏa thuận Brexit, sau khi đạt được nhất trí hai bên, sẽ phải trình quốc hội Anh và nghị viện EU thông qua. Vấn đề chính trị nội bộ nước Anh hiện nay sẽ là một thách thức không nhỏ cho Thủ tướng May khi đưa ra trình Quốc hội Anh.
Nếu giới lập pháp Anh bỏ phiếu chống, điều này có thể châm ngòi một cuộc khủng hoảng chính trị lớn ở Anh, kéo theo sự sụp đổ của mọi bước dàn xếp về thương mại, nhập cư và an ninh thời hậu Brexit./.
Nguồn: Bnews.vn