Câu chuyện đàm phán Brexit bế tắc đang tạo ra chủ đề đáng chú ý tại Anh đó là dù đa số các thành phần kinh tế lo lắng, giới siêu giàu lại tỏ ra rất lạc quan. Trang tài chính Bloomberg tuần này tiết lộ một vài giao dịch đáng chú ý thời gian qua trên thị trường bất động sản Anh. Báo này cho biết, tiền của các tỷ phú Mỹ đang chảy mạnh vào London để mua lại các tòa nhà văn phòng đắt đỏ nhất nằm giữa hai khu trung tâm tài chính Canary Wharf và City of London.
Câu chuyện đàm phán Brexit bế tắc đang tạo ra chủ đề đáng chú ý tại Anh đó là dù đa số các thành phần kinh tế lo lắng, giới siêu giàu lại tỏ ra rất lạc quan.
Trang tài chính Bloomberg tuần này tiết lộ một vài giao dịch đáng chú ý thời gian qua trên thị trường bất động sản Anh. Báo này cho biết, tiền của các tỷ phú Mỹ đang chảy mạnh vào London để mua lại các tòa nhà văn phòng đắt đỏ nhất nằm giữa hai khu trung tâm tài chính Canary Wharf và City of London.
Các quyết định mua bán diễn ra trong bối cảnh theo Bloomberg, đàm phán Brexit ngày càng có nhiều dấu hiệu xấu. Tháng 10, tổ chức tín nhiệm Standard & Poors vừa cảnh báo khả năng Brexit không thỏa thuận đã tăng lên, thậm chí đe dọa có nguy sơ suy thoái. Bloomberg trích lời các nhà đầu tư Mỹ đánh giá tình hình này rằng sự thiếu chắc chắn dẫn đến biến động thị trường và biến động tạo nên cơ hội. Dường như nhiều người có chung quan điểm đầu tư này.
Thống kê cho thấy, đầu tư nước ngoài vào bất động sản văn phòng ở London tăng trong 2 năm qua. Giao dịch nước ngoài chiếm 67% thị trường vào tháng 8/2016, đến tháng 8/2018 tăng đến 74%. Đầu tư của giới siêu giàu châu Á tại đây chiếm đến một nửa số giao dịch. Hiện 2 trong 3 tòa nhà văn phòng mang tính biểu tượng giữa trung tâm tài chính City of London đã được mua lại và sở hữu bởi các ông chủ Trung Quốc và Hong Kong.
Không chỉ chờ đến giai đoạn cuối của đàm phán Brexit, với logic rằng bế tắc và khủng hoảng có thể tạo ra cơ hội, giới siêu giàu mới đã nhảy vào thị trường. Báo chí Anh từng nhắc khá nhiều đến những khoản đầu tư khổng lồ từ các tỷ phú Anh cho chiến dịch vận động rời châu Âu. Các khoản tài trợ này không chỉ đơn thuần vì quan điểm chính trị không mấy mặn mà với EU, mà chủ yếu còn vì chuyện làm ăn.
Theo tờ The Independent, trong số các nhà tài trợ chiến dịch vận động rời EU, có đủ cả 5 tỷ phú giàu nhất nước Anh. Một trong số đó từng đưa nhận định dự đoán trên báo chí, kết quả trưng cầu hồi 2016 sẽ khiến kinh tế Anh sớm rơi vào suy thoái và thị trường chứng khoán mất 80%. Các hoạt động đầu tư của ông này từ năm 2016 đều dựa trên phán đoán đó.
Trang This is money rút dòng tít “Dù Brexit có xảy ra hay không, các tỷ phú Anh đã rót vốn tài trợ cho chiến dịch rời châu Âu vẫn luôn là những người hưởng lợi từ ván bài chính trị này”. Thống kê cho thấy một phần lớn tài sản của các nhà tài phiệt Anh đang đến từ các thị trường nước ngoài. Và dù kết quả đàm phán hay bản thỏa thuận Brexit đi theo hướng nào, họ vẫn luôn tìm ra cơ hội cho mình.
Những câu chuyện về mối liên quan giữa giới siêu giàu tới các hoạt động chính trị phương Tây đã được nhắc từ khá lâu và khá nhiều, báo chí cũng không còn lạ với các diễn biến này. Tuy nhiên, vấn đề này đặc biệt gây tranh cãi ở Anh khi tài trợ cho các hoạt động chính trị đa số là tiền cá nhân, tiền từ các triệu phú, doanh nghiệp hay nghiệp đoàn, những người luôn luôn có lợi ích liên quan trực tiếp từ bất kỳ hoạt động chính trị nào. Cách các tỷ phú Anh góp phần tạo ra Brexit đang là minh chứng rõ nhất.
Nguon: https://vtv.vn