Đợt hạn hán chưa từng có đang ảnh hưởng đến gần 1/2 lục địa châu Âu, gây tổn hại kinh tế nông nghiệp, làm cháy rừng và đe dọa các loài thủy sinh.
Trong gần 2 tháng qua, Tây, Trung và Nam Âu không có lượng mưa đáng kể nào khiến các chuyên gia lo ngại thời kỳ khô hạn dự kiến còn kéo dài và đây có thể là đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 500 năm qua.
Biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm các điều kiện thời tiết cực đoan khi nhiệt độ cao hơn làm tăng tốc độ bốc hơi, thực vật cần nhiều độ ẩm hơn và lượng tuyết giảm vào mùa đông làm hạn chế nguồn cung cấp nước để sử dụng vào mùa hè.
Không chỉ châu Âu đối mặt cuộc khủng hoảng khí hậu, tình trạng hạn hán cũng được ghi nhận ở Đông Phi, miền Tây Mỹ và miền Bắc Mexico.
Ông Andrea Toreti, nhà nghiên cứu cấp cao tại Cơ quan Giám sát Hạn hán châu Âu, cảnh báo trong 3 tháng tới, có nguy cơ rất cao về tình trạng khô hạn ở Tây, Trung Âu và nước Anh. Theo hãng tin AP, hạn hán đã khiến một số quốc gia châu Âu áp đặt hạn chế về việc sử dụng nước trong khi hoạt động vận chuyển hàng hóa trên sông Rhine và sông Danube bị đe dọa vì mực nước xuống thấp.
Sản lượng ngô của Liên minh châu Âu (EU) dự kiến thấp hơn năm ngoái khoảng 12,5 triệu tấn và sản lượng hướng dương sẽ giảm hơn 1,6 triệu tấn, theo báo cáo từ Công ty Nghiên cứu S&P Global Commodity Insights (Mỹ).
Cháy rừng nghiêm trọng ở vùng Gironde - Pháp hôm 12-8. Ảnh: Reuters
Tình trạng hạn hán nghiêm trọng cũng khiến một số nông dân ở châu Âu chật vật với việc tưới tiêu và chăn nuôi gia súc. Ông Baptiste Colson, người sở hữu trang trại bò sữa và trồng cây thức ăn chăn nuôi ở làng Moloy - Pháp, cho biết đàn bò đang bị ảnh hưởng bởi hạn hán khiến chất lượng và số lượng sữa ngày càng giảm.
Theo một nghiên cứu mới đáng báo động, hơn 1/2 số bệnh truyền nhiễm đe dọa loài người trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu, như sốt xuất huyết, viêm gan, viêm phổi, sốt rét, Zika và bệnh than.
Ông Camilo Mora, giáo sư tại Trường ĐH Hawaii và là tác giả chính của nghiên cứu trên, cho biết: "Thật đáng sợ khi phát hiện nguy cơ tổn hại sức khỏe phần lớn do hậu quả của khí thải gây hiệu ứng nhà kính".
Sự suy thoái môi trường và mất môi trường sống tự nhiên cũng đang buộc các loài động vật mang bệnh, như loài gặm nhấm và dơi, sống gần con người hơn. Song song đó, hiện tượng nóng dần lên trên toàn cầu đang khiến các chỏm băng và lớp băng vĩnh cửu tan chảy, giải phóng nhiều mầm bệnh bị đóng băng thời gian dài.
Xuân Mai