Hàng nghìn lao động nhập cư Anh đang đứng trước nguy cơ bị trục xuất khỏi xứ sở sương mù do chính sách siết chặt nhập cư của Bộ Nội vụ Anh…
Sau một đêm, Nisha Mohite (33 tuổi) đã mất việc, nhà và quyền lưu trú tại Anh chỉ vì một sai lầm đơn giản trong tờ khai thuế.
Đặt chân đến nước Anh theo diện visa cấp cho sinh viên năm 23 tuổi, sau khi hoàn thành bằng thạc sỹ về phân tích dược phẩm, Nisha Mohite được cấp thị thực làm việc và sớm được nhận vào làm tại một công ty dược tại đây. Sau 8 năm làm việc cật lực và không ngừng nâng cao tay nghề, Nisha Mohite quyết định nộp đơn xin cư trú dài hạn tại xứ sở sương mù.
Tuy nhiên, cô gái trẻ không thể ngờ chỉ vì một lỗi khai báo nhầm trong bản khai thuế từ cách đấy 5 năm, cô lại phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất khỏi nước Anh do bị cáo buộc “đe đọa đến an ninh quốc gia”.
“Thử tưởng tượng ngày hôm trước bạn đang có một cuộc sống ổn định với mức thu nhập 35.000 Bảng/tháng, ngày hôm sau bạn đã gần như mất tất cả. Thật kinh khủng.”, Nisha Mohite chua xót.
Những trường hợp người nhập cư tại Anh bị chính quyền “tuýt còi” như Nisha Mohite đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Aditi Bhardwaj – đại diện pháp lý cho Tổ chức Người nhập cư có tay nghề tại Anh cho biết, hiện cô đang phải xử lý khoảng gần 400 trường hợp giống như Nisha Mohite.
“Sao có thể gắn cho họ – những người nhập cư chăm chỉ cống hiến và lương thiện những tội danh như một kẻ khủng bố?”, Aditi Bhardwaj bức xúc. Tổ chức của Aditi Bhardwaj vừa đề xuất bản kiến nghị kêu gọi Chính phủ Anh “ngừng lạm dụng các điều khoản an ninh quốc gia” để từ chối người nhập cư. Đến nay, bản kiến nghị đã thu được hơn 30.000 chữ ký.
Chính sách nhập cư khắc nghiệt
Từ khi chính thức lên nắm quyền tại Anh vào năm 2010, đảng Bảo thủ đã đề ra chủ trương sẽ giảm khoảng hơn chục nghìn người nhập cư, nhằm giúp nước này kiểm soát chặt chẽ tình trạng di cư ồ ạt vào Anh. Chính sách này đã phát huy khá hiệu quả khi tính đến nay, số người nhập cư ở Anh chỉ xấp xỉ 244.000 người, thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Chính sách hạn chế nhập cư được cho là do chính đương kim Thủ tướng Anh Theresa May khởi xướng, khi bà còn là Bộ trưởng Nội vụ giai đoạn 2010-2016. Thời điểm đó, bà May đã cho ngừng dạng thị thực Tier One – một dạng thị thực phổ biến dành cho những người nhập cư có thời gian cư trú lâu dài tại Anh, vì cho rằng có đến 30% số người hưởng thị thực này đều làm việc trong những ngành có kỹ năng thấp như lái taxi, nhân viên bảo vệ hoặc thậm chí là “vô công rỗi nghề”. Với quyết định này, tháng Tư vừa qua, rất nhiều người được cấp thị thực Tier One đã không thể gia hạn thị thực.
Zeena Luchowa, một luật sư cho hay, rất nhiều người người nhập cư tại Anh đã gặp phải trở ngại khi đi gia hạn thị thực hoặc nộp đơn xin cư trú lâu dài. Các quy định thì ngày càng ngặt nghèo và không ít trường hợp bị từ chối thẳng thừng, chỉ vì những lý do nhỏ liên quan đến “hành vi, nhân cách hay tổ chức mà họ làm việc”. “Thậm chí, những người phản đối quyết định của Bộ Nội vụ Anh còn bị giữ hồ sơ lên tới hơn 1 năm”, Luchowa tiết lộ.
Những động thái siết chặt người nhập cư của Bộ Nội vụ Anh thời gian qua đã gây ra không khí hoài nghi và lo âu bao trùm nước Anh, đặc biệt là cộng đồng người nhập cư. Không chỉ ảnh hưởng đến những người lao động, chính sách này còn gây ảnh hưởng cả những quan chức cấp cao. Con của Arthur Snell – một cựu ủy viên cao cấp của Anh đã bị từ chối nhập quốc tịch Anh chỉ vì được sinh tại nước ngoài.
Nhiều người nhập cư cho rằng, họ nên được Chính phủ nhìn nhận và đối xử công bằng vì họ cũng là một trong những nguồn lao động chủ chốt, cũng như có trách nhiệm đóng thuế giống như nhiều cư dân bản địa. “Những quy định mới đang khiến người lao động nhập cư cảm thấy bị tổn thương. Điều này giống như việc đuổi một thành viên trong gia đình sau khi cùng chung sống hạnh phúc suốt 10 năm”, anh Tahir Saleem (40 tuổi), một người nhập cư phàn nàn.
Phần nổi của tảng băng chìm
Một loạt những vụ việc người nhập cư bị trục xuất khỏi Anh do những sai sót nhỏ liên quan đến kê khai thuế, tài chính cá nhân… có thể coi như những điển hình mới nhất trong chuỗi bê bối về nhập cư của Chính phủ Anh mới đây.
Vụ bê bối gần đây liên quan đến thế hệ di dân Windrush (lấy theo tên con tàu đầu tiên đưa họ đến Anh năm 1948) – thế hệ người nhập cư tới Anh theo chương trình dành cho người di cư từ vùng Caribe, nhằm bù đắp nhân công thiếu hụt ở nước này sau Chiến tranh thế giới thứ 2, đã khiến dư luận Anh phẫn nộ.
Sau hàng chục năm nhập cư và đóng góp cho xã hội Anh, nhiều người trong thế hệ di dân Windrush cho đến nay vẫn không có đầy đủ giấy tờ chứng thực tình trạng lưu trú tại Anh. Thực tế này đã khiến thế hệ con cháu của họ bị ảnh hưởng, bị coi là cư trú bất hợp pháp tại Anh dù được sinh ra, lớn lên và đi làm đóng thuế tại đây, song lại không được hưởng quyền lợi về phúc lợi xã hội và y tế công như những đối tượng cư trú hợp pháp, thậm chí còn đối mặt với nguy cơ bị trục xuất. Thậm chí, một số người nhập cư Windrush đã bị trục xuất.
Trước làn sóng phản đối từ dư luận Anh và quốc tế, mới đây, thay mặt Chính phủ Anh, Thủ tướng Anh Theresa May đã buộc phải lên tiếng xin lỗi lãnh đạo các nước vùng Caribe về cách hành xử đối với người di dân thế hệ Windrush, đồng thời cam kết Chính phủ sẽ hỗ trợ những đối tượng nhập cư nói trên khắc phục giấy tờ, để họ có có thể tiếp tục cư trú vĩnh viễn và được hưởng mọi phúc lợi xã hội và y tế.
Dù vậy, nhiều người cho rằng, vụ bê bối Windrush vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, khi còn rất nhiều trường hợp người nhập cư Anh vẫn đang phải vật lộn trong cuộc chiến pháp lý để đòi lại quyền được cư trú lâu dài tại xứ sở sương mù.
Mất việc làm và mòn mỏi theo đuổi các thủ tục pháp lý đã khiến nhiều gia đình người nhập cư ở Anh lâm vào cảnh khánh kiệt. Nisha Mohite đã mất gần 9.000 Bảng trong khi Tahir Saleem đã phải chi gần 35.000 Bảng cho các hóa đơn pháp lý. “Tôi sẽ chiến đấu đến cùng, ngay cả khi đứng trước nguy cơ phá sản”, anh Tahir Saleem khẳng định.
Không chỉ cạn kiệt về tài chính, cuộc chiến đòi quyền nhập cư còn khiến nhiều người suy nhược về cả tinh thần và sức khỏe. Aditi Bhardwaj chia sẻ, thị thực của cô từng bị Bộ Nội vụ nước này từ chối do nhầm lẫn. Ròng rã kháng cáo sau 18 tháng, Bộ Nội vụ cuối cùng đã nhận sai và Aditi Bhardwaj được đồng ý cấp thị thực lưu trú dài hạn.
“18 tháng kháng cáo là 18 tháng tôi bị mất ngủ hàng đêm và buộc phải uống thuốc chống trầm cảm. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại rơi vào hoàn cảnh tồi tệ như vậy”, Aditi Bhardwaj tâm sự.
Nguyễn Thảo