Hàng triệu phụ nữ có thể bị buộc phải làm việc lâu hơn hoặc chấp nhận sống những năm tháng tuổi già kham khổ hơnn sau khi các nhà hoạt động thua cuộc trong trận chiến pháp lý liên quan đến lương hưu nhà nước.
Theo ước tính của House of Commons Library, gần 1,56 triệu phụ nữ sinh vào những năm 1950 đã bị ảnh hưởng khi tuổi nhận lương hưu của nhà nước đối với phụ nữ tăng từ 60 lên 66.
Và tổng cộng, House of Commons Library ước tính gần 4 triệu phụ nữ phải chịu cảnh tăng tuổi hưu, dù chưa đến ngưỡng 66 tuổi.
Thay đổi quan trọng này đã được giới thiệu bởi các chính phủ tiếp nối nhau vào các năm 1995, 2007 và 2011, đưa tuổi hưu của phụ nữ lên tương ứng với nam giới và cũng để phù hợp với thực tế tuổi thọ của con người tăng lên và mọi người làm việc lâu hơn.
Nhưng thế hệ phụ nữ sinh năm 1950 tuyên bố chính sách này là phân biệt đối xử và họ không có đủ thời gian để chuẩn bị, nghĩa là họ không có đủ tiền để sinh sống khi nghỉ hưu hoặc sẽ bị buộc phải làm việc lâu hơn.
Tom Selby, nhà phân tích cao cấp tại nhà cung cấp dịch vụ tài chính AJ Bell, nói rằng phải chờ thêm sáu năm nữa để có thể nhận lương hưu nhà nước đẩy nhiều người vào tình trạng “khó khăn tài chính nghiêm trọng".
Hai nguyên đơn trong vụ kiện - Julie Delve, 61 tuổi và Karen Glynn, 63 tuổi - đã kiện Bộ Lao động và Lương hưu (DWP) ra tòa, với lập luận cho rằng tăng tuổi hưu là hành vi "phân biệt đối xử cả về mặt tuổi tác, giới tính, và kết hợp cả hai yếu tố trên".
Hai người phụ nữ, được hỗ trợ bởi nhóm chiến dịch Backto60, cũng tuyên bố họ không được thông báo đầy đủ để có thể điều chỉnh trước các thay đổi.
Một nhóm hoạt động khác có tên WASPI (Phụ nữ chống lại bất bình đẳng về lương hưu nhà nước) cũng đã có những hoạt động vận động mạnh mẽ chống lại "những thay đổi không công bằng".
Nhưng khi đưa ra phán quyết tại Tòa án tối cao ở London vào ngày 3/10, Quan tòa Irwin và Whipple đã bác bỏ luận điểm này.
Trong một bản tóm tắt về quyết định của tòa án, các quan tòa cho biết: "Không có sự phân biệt đối xử trực tiếp nào về mặt giới tính, bởi vì luật này không khiến phụ nữ gặp ít thuận lợi hơn nam giới.
"Thay vào đó, nó còn giúp cân bằng sự bất cân xứng từ trước đến nay giữa nam và nữ."
Tòa án cũng bác bỏ lập luận của các nguyên đơn cho rằng chính sách này là phân biệt đối xử về mặt tuổi tác, và cho biết thêm rằng ngay cả khi có hân biệt, "nó cũng có thể được giải thích một cách hợp lý dựa trên thực tế".
The Sun đã yêu cầu Backto60 đưa ra bình luận và cũng hỏi xem liệu tổ chức có kế hoạch kháng cáo phán quyết của tòa án hay không.
Nhưng Tom McPhail, người đứng đầu chính sách thuộc Hargreaves Lansdown, nói rằng vì hầu hết những phụ nữ có liên quan hiện đã qua tuổi hưởng lương hưu mới, "thật khó để biết chiến dịch sẽ đi về đâu ".
Người phát ngôn của DWP cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh phán quyết của Tòa án tối cao. Chúng tôi luôn có quan điểm rằng những thay đổi chúng tôi đã thực hiện đối với tuổi hưu của phụ nữ tuổi là hoàn toàn hợp pháp và không phân biệt đối xử trên bất kỳ cơ sở nào.”
Nguồn: The Sun