Hệ lụy của Brexit với các cơ quan tình báo của Anh và Châu Âu

Giờ đây, người Anh đã bỏ phiếu thể hiện ý chí rõ ràng muốn rời khỏi EU. Một vấn đề đặt ra là an ninh quốc gia của nước Anh và của Châu Âu nói chung sẽ bị tác động thế nào từ sự kiện Brexit?

Đặc biệt là hoạt động chia sẻ thông tin tình báo giữa các cơ quan an ninh của Anh và các nước EU, những cơ quan luôn “đứng mũi chịu sào” về việc bảo đảm an ninh cho quốc gia mình.

An ninh quốc gia ở nước Anh sau Brexit tăng hay giảm?

Việc chia sẻ thông tin tình báo có một lịch sử lâu đời, đặc biệt là giữa Anh và Mỹ. Nó đã được thực hiện ngay từ trong những ngày đen tối của Chiến tranh thế giới thứ hai và mối quan hệ tình báo và an ninh đặc biệt này (giữa Anh với Mỹ) vẫn không hề bị xóa bỏ sau khi Anh trở thành thành viên EU. Vương quốc Anh có cũng mối quan hệ tình báo chặt chẽ và lâu đời với các quốc gia EU khác.

1 He Luy Cua Brexit Voi Cac Co Quan Tinh Bao Cua Anh Va Chau Au

Hai lãnh đạo đảng Bảo thủ, ông Boris Johnson và Jeremy Hunt tranh luận về viễn cảnh an ninh quốc gia hậu Brexit.

Tuy nhiên, chia sẻ thông tin tình báo ở châu Âu, vốn đã phát triển thịnh vượng trong 10 năm qua, luôn được một số người Anh nhìn nhận theo một cách kém tích cực hơn, đặc biệt là vào lúc cuộc tranh luận về Brexit lên đến cao trào. Điều này một phần là do tư cách thành viên EU sẽ liên quan đến việc chia sẻ chủ quyền, đồng nghĩa với sự suy giảm hoặc mất mát của nó.

Về nguyên tắc, các cơ quan tình báo tượng trưng cho chủ quyền quốc gia, và chắc chắn trước vụ tấn công khủng bố ở London vào tháng 7-2005, các cơ quan tình báo của Vương quốc Anh đã hết sức thận trọng trong việc hợp tác đa phương trong khuôn khổ EU thay vì hợp tác song phương. Kỳ lạ là, các thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo của nhóm “Ngũ nhãn” (Five Eyes) chưa bao giờ bị coi là sự xói mòn chủ quyền quốc gia; điều này cũng đúng đối với sự ủng hộ của Vương quốc Anh đối với NATO, nơi Điều 5 của Hiệp ước thể hiện rất rõ ràng một sự mất chủ quyền quốc gia.

Ở Anh, những năm gần đây, ác cảm ngày càng tăng đối với châu Âu đã khiến cho từ ngữ này trở nên độc hại trong một số trường hợp. Ý tưởng rằng MI-6, MI-5 và các cơ quan khác của Vương quốc Anh sẽ phải hoạt động “kề vai sát cánh” trong Liên minh Châu Âu với các cơ quan nhỏ hơn hoặc năng lực kém hơn rất dễ làm người Anh thấy khó chịu, mặc dù trên thực tế nhiều cơ quan tình báo của các nước EU có những thế mạnh riêng của họ. Ví dụ, cả Ý và Áo nói riêng đều nổi tiếng về mạng lưới tình báo họ có được ở Balkan và khu vực Bắc Phi.

Trong các chiến dịch vận động cho Brexit, những chính trị gia ủng hộ Brexit luôn tuyên bố rằng nước Anh không thu được lợi lộc gì từ sự hợp tác tình báo, hơn thế nữa họ còn ngụ ý rằng chính các cơ quan an ninh và tình báo Anh cũng rất muốn rời khỏi EU.

Một trong những ý kiến nổi bật nhất trong các cuộc tranh luận này là của Richard Dearlove, người đã tuyên bố rằng Brexit sẽ mang lại “hai lợi ích an ninh quan trọng cho nước Anh: hủy bỏ Công ước Châu Âu về Nhân quyền (ECHR) và kiểm soát tốt hơn về vấn đề nhập cư từ EU”. Ông này cũng khẳng định rằng Vương quốc Anh là “nhà lãnh đạo châu Âu về các vấn đề tình báo và an ninh, luôn phải cho đi nhiều hơn những gì nhận được", Richard Dearlove cũng đã công kích mạnh mẽ các thủ tục như “Lệnh bắt giữ của EU”.

Nhưng Richard Dearlove lại là nhà tình báo cấp cao lẻ loi duy nhất của Vương quốc Anh ủng hộ Brexit. Các phương tiện truyền thông và chính trị gia ủng hộ Brexit đã nhanh chóng tận dụng để khai thác quan điểm chuyên môn của ông ta. Nghị sĩ theo chủ nghĩa tự do David Davis nhấn mạnh rằng Hiệp định Schengen có nghĩa là Anh (nước không phải là thành viên) từ nay không thể ngăn cản các phần tử thánh chiến từ EU thâm nhập vào Vương quốc Anh. Boris Johnson tuyên bố rằng "Tòa án Công lý Châu Âu đang chống lại khả năng kiểm soát biên giới và duy trì hoạt động giám sát thích hợp của chúng ta".

2 He Luy Cua Brexit Voi Cac Co Quan Tinh Bao Cua Anh Va Chau Au

Phòng tình huống khẩn cấp của INTCEN có trụ sở đặt tại Brussels, Bỉ - một trong các công cụ bảo đảm an ninh tập thể của EU.

Những đặc thù của tình báo Anh quốc

Không chỉ là một trong số cơ quan tình báo tốt nhất trên thế giới, hệ thống luật pháp nước Anh còn cho phép các cơ quan tình báo của mình thực thi những hoạt động mà ở các quốc gia EU khác cấm. Điều này có nghĩa là tình báo Anh có thể tiếp cận và cung cấp, về mặt pháp lý, các khả năng và các giải pháp mà đa phần sẽ bị các đồng minh và đối tác của mình từ chối.

Điều quan trọng cần lưu ý là Hiệp ước Lisbon quy định rõ ràng rằng “an ninh quốc gia, trong một số trường hợp đặc biệt, là trách nhiệm riêng rẽ của từng quốc gia thành viên” và EU không có thẩm quyền trực tiếp trong lĩnh vực này. Vì thế về lý thuyết, việc trở thành thành viên EU sẽ không tạo ra sự khác biệt về năng lực của từng quốc gia EU trong việc cung cấp an ninh cho công dân của mình và cũng không ảnh hưởng đến nguyện vọng của quốc gia đó muốn hợp tác trên cơ sở song phương hay đa phương với các quốc gia khác.

Tuy nhiên, trên thực tế, các quốc gia thành viên của EU đã lựa chọn hợp tác, đồng thời khai thác các ưu thế mà EU sở hữu để tạo điều kiện bảo đảm an ninh quốc gia. Sự hợp tác này thể hiện thông qua các thỏa thuận đa phương mang tính thực tiễn nhằm nâng cao khả năng và phạm vi tiếp cận thông tin tình báo của tất cả các quốc gia thành viên, chẳng hạn các thông tin tình báo thu được từ các vệ tinh do thám.

Thực tế, việc chia sẻ thông tin tình báo để bảo đảm an ninh cho các quốc gia châu Âu đã trở nên quan trọng đến mức người ta tin rằng dù có Brexit hay không Brexit, việc chia sẻ thông tin tình báo vẫn sẽ luôn phục vụ cho cả lợi ích của cả Vương quốc Anh và 27 nước thành viên EU và vì thế nó cần phải được tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, nếu điều này không xảy ra, việc Vương quốc Anh hủy bỏ những phương thức chia sẻ thông tin tình báo như hiện nay sẽ có tác động rất lớn đối với cả cơ quan an ninh và tình báo của Anh cũng như của 27 nước EU (viết tắt là EU27).

3 He Luy Cua Brexit Voi Cac Co Quan Tinh Bao Cua Anh Va Chau Au

Rời khỏi EU, nước Anh sẽ không còn được Trung tâm Vệ tinh EU (SATCEN) chia sẻ các dữ liệu tình báo quan trọng như trước nữa.

Cơ chế an ninh chung Châu Âu và vấn đề Brexit

Nhiều bằng chứng cho thấy đối với các cơ quan tình báo và an ninh của EU28 (EU28 là EU khi còn nước Anh tham gia) khía cạnh quan trọng nhất nằm ở sự thuận lợi trong quan hệ làm việc và cộng tác hàng ngày để thúc đẩy hoạt động an ninh hiệu quả. Tất cả các đại sứ quán Phương Tây đều có một bộ phận tình báo với nhiệm vụ chủ yếu là tạo thuận lợi cho các mối quan hệ hợp tác và hiệu quả giữa các cơ quan tình báo của họ và nước chủ nhà.

Brexit không nhất thiết sẽ loại bỏ những mối quan hệ này nhưng chắc chắn sự hiện diện của Anh sẽ kém phổ biến hơn ở châu Âu sau Brexit và các cuộc đàm phán khó khăn đã và đang diễn ra có nguy cơ làm suy yếu các mối quan hệ trong công việc hợp tác tình báo. Ở những nơi mà các quốc gia rất ủng hộ ý tưởng của EU, chẳng hạn như Đức, hoặc nơi họ coi trọng ECHR (mà Vương quốc Anh khẳng định sẽ từ bỏ), thì việc hợp tác trở nên khó khăn hơn nhiều, thậm chí là bất khả thi khi nó liên quan tới các vấn đề nhân quyền.

Các đánh giá chiến lược trước đây được chia sẻ giữa EU28 trong khuôn khổ của INTCEN (Intelligence Analysis Centre - Trung tâm phân tích tình báo của EU) cơ quan có trụ sở ở Brussels, với quân số 100 người thuộc bốn bộ phận được tuyển dụng từ tất cả các quốc gia EU, 55% nhân sự làm việc trong bộ phận phân tích. Họ tiếp cận “tất cả các nguồn thông tin”, khai thác tất cả phân tích dựa trên thông tin tình báo bí mật đến từ các quốc gia thành viên và các phân tích đến từ các nguồn mở của riêng họ (INTCEN cũng nhận được thông tin từ Trung tâm vệ tinh của EU). Phòng Tình huống của cơ quan này giám sát các sự kiện 24/7.

Vào mùa hè năm 2016, các quốc gia EU đã thành lập “Nhóm chống khủng bố” có trụ sở tại The Hague nằm bên cạnh Europol. Nhóm này bao gồm các nhân viên của các cơ quan an ninh từ tất cả 28 quốc gia EU cộng thêm với Na Uy và Thụy Sĩ (những nước không thuộc INTCEN nhưng yêu cầu được tham gia). Nhóm chống khủng bố nhắm đến việc trao đổi thông tin nhanh chóng.

4 He Luy Cua Brexit Voi Cac Co Quan Tinh Bao Cua Anh Va Chau Au

Trụ sở của Europol tại The Hague. Sau Brexit, các cơ quan tình báo Anh sẽ phải gõ cửa cơ quan này để xin được cấp phép hoạt động trên lục địa Châu Âu.

Brexit và những hệ lụy cho các cơ quan tình báo nước Anh

Brexit có nghĩa là Vương quốc Anh sẽ phải rời INTCEN, Phòng Tình huống của EU, Bộ phận quản lý khủng hoảng lãnh sự cũng như Nhóm chống khủng bố. Vương quốc Anh cũng sẽ rời khỏi Europol. Nước Anh sẽ không còn tham gia vào chính sách An ninh và Quốc phòng chung, Ủy ban Chính trị và An ninh, Trung tâm Vệ tinh EU (SATCEN), Galileo, cũng như các nhóm nghiên cứu Nguồn mở (OSINT). Việc rời khỏi Europol sẽ có những tác động tức thì và sâu sắc. Nếu Vương quốc Anh không còn tuân thủ ECHR nữa, rất có thể các quốc gia EU27 sẽ từ chối mọi dẫn độ về Anh.

Hiển nhiên là sau Brexit, các cơ quan tình báo Anh sẽ phải gõ cửa các cơ quan của EU như Europol để xin được cấp phép hoạt động trên lục địa Châu Âu, ngay cả khi được phép, tình báo Anh cũng chỉ có được vị thế của những người “ăn nhờ ở đậu” trên lục địa. Thật khó để có thể tin rằng các cơ quan tình báo Anh sẽ cảm thấy thoải mái như khi phải ở vào vị trí thứ yếu đối với các đối tác EU và các mối quan hệ thân thiết và bền chặt đã phát triển trong thập kỷ qua sẽ có nguy cơ bị phá vỡ, đó là một vấn đề nghiêm trọng. Rõ ràng là nguy cơ đối với an ninh quốc gia của nước Anh, sau Brexit sẽ tăng lên khá nhiều.

Dương Thắng

Nguồn: antg.cand.com.vn

Bài liên quan