Nghiên cứu mới đây của Đại học Oxford cho thấy nhiều học sinh tiểu học Anh có nhiều dấu hiệu về vấn đề sức khỏe tâm thần, cảm xúc trong giai đoạn phong tỏa do dịch Covid-19.
Nghiên cứu có sự tham gia của hơn 10.000 bậc phụ huynh, người trông trẻ nhằm nghiên cứu ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên sức khỏe tâm thần của trẻ nhỏ.
Nghiên cứu ghi nhận sự gia tăng các vấn đề về hành vi ở nhiều trẻ trong độ tuổi 4-10, bao gồm giận dữ, không nghe lời, cáu bẳn và cãi lời. Nhiều bậc phụ huynh cũng cho biết con cái họ có biểu hiện buồn, hồi hộp trong giai đoạn phong tỏa.
Giáo sư Cathy Creswell, đồng chủ nghiệm nghiên cứu, cho rằng: “Việc quan tâm tới sức khỏe tâm thần của trẻ nhỏ và thanh niên trong dịch Covid-19 nên được ưu tiên.
Nghiên cứu cho thấy trẻ nhỏ và thanh niên chịu tác động của dịch Covid-19 ở nhiều mức độ khác nhau. Một số cảm thấy cuộc sống dễ dàng hơn trong khi những người khác gặp nhiều khó khăn”.
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ nhỏ gặp vấn đề về tâm thần trong dịch Covid-19 cũng như đưa ra biện pháp hỗ trợ để những ảnh hưởng này không gây hậu quả lâu dài ở trẻ.
Tom Madders, Giám đốc chiến dịch tại tổ chức từ thiện về sức khỏe tâm thần YoungMinds, cho biết: “Nhiều trẻ nhỏ gặp khó khăn trong giai đoạn phong tỏa.
Nguyên nhân có thể do cô đơn, nỗi sợ virus corona, thói quen sinh hoạt hàng ngày bị phá vỡ và thiếu sự hỗ trợ từ nhà trường”.
Với những trẻ ở độ tuổi lớn hơn, các em gặp nhiều khó khăn khác nhau trong và hậu giai đoạn phong tỏa. Nhiều em cảm thấy hồi hộp, lo lắng khi bước vào giai đoạn phong tỏa, và gặp nhiều khó khăn trong việc tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn.
Những em khác cảm thấy an toàn, yên tâm khi ở nhà lại gặp khó khăn trong việc học online và đi học lại ở trường. Học sinh trung học cơ sở gặp ít vấn đề về cảm xúc hơn, nhưng lại gia tăng các vấn đề về khả năng tập trung và tình trạng bồn chồn.
Ông Madders cho rằng việc quan tâm tới và giải quyết vấn đề về sức khỏe tâm thần ở học sinh tiểu học là rất quan trọng, khi các em đã quay trở lại trường học.
“Trẻ nhỏ gặp khó khăn khi quay trở lại trường sau thời gian nghỉ dài, cần có giai đoạn cho các em “thích nghi lại” và ưu tiên sự khỏe mạnh ở trẻ. Điều này đặc biệt cần thiết ở những trẻ dễ tổn thương như trẻ từng bị lạm dụng, bị bạo hành hoặc ít được quan tâm”, ông Madders nói.
Theo Daily Mail