Ngày 23/3, hãng BBC đưa tin hơn 1 triệu người đã xuống đường biểu tình tại thủ đô London để yêu cầu nhà chức trách Anh tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 về việc nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (gọi là Brexit).
Cờ EU (phải) và quốc kỳ Anh (trái, phía trên) bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London ngày 6/3/2019. Ảnh: THX/TTXVN
Cuộc biểu tình quy mô lớn nói trên diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Brexit sau nhiều tháng bế tắc đang nhấn chìm chính trường Anh và mới đây nhất các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí lùi thời hạn Anh rời liên minh này tới sau ngày 29/3.
Các nhà tổ chức chiến dịch có tên gọi "Để người dân quyết định" xác nhận hơn 1 triệu người đã tham gia cuộc biểu tình/tuần hành trước trụ sở Quốc hội Anh. Cuộc tuần hành lần này được xếp vào hàng những cuộc biểu tình lớn nhất tại thủ đô London kể từ khi diễn ra cuộc biểu tình "Stop the War" (Chấm dứt Chiến tranh) năm 2003.
Theo nguồn tin trên, dòng người biểu tình ủng hộ nước Anh tiếp tục là thành viên EU tập trung gần công viên Hyde Park vào khoảng giữa ngày trước khi tuần hành qua Văn phòng Thủ tướng và kết thúc bên ngoài tòa nhà quốc hội. Các diễn giả phát biểu trước đám đông người biểu tình gồm có Thủ hiến vùng Scotland Nicola Sturgeon, Thị trưởng London Sadiq Khan và Phó Chủ tịch Công đảng đối lập Tom Watson.
Người biểu tình tham gia chiến dịch "Put It To The People" kêu gọi Anh ở lại EU. Ảnh: ITV.com
Cuộc biểu tình diễn ra khi "Xứ sở sương mù" vừa trải qua 3 năm chìm trong chia rẽ, và cho tới nay người dân Anh vẫn chưa chắc chắn Brexit sẽ diễn ra như thế nào, khi nào thì diễn ra và thậm chí là liệu tiến trình này cuối cùng có được tiến hành hay không.
Trong khi đó, Thủ tướng Theresa May hiện đối mặt với vô vàn sức ép và vẫn đang "vật lộn" tìm cách tháo gỡ vấn đề được cho là gây ra cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc nhất trong vòng một thế hệ ở nước này.
Trong cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2016, phe ủng hộ Brexit giành chiến thắng sít sao với 52% số phiếu thuận, trong khi phe ủng hộ EU chiếm 48% số phiếu. Từ đó tới nay, phe phản đối Brexit cũng tìm nhiều cách để yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân khác.
Một đơn kiến nghị hủy Brexit đã nhận được 4 triệu chữ ký chỉ trong vòng 3 ngày sau khi Thủ tướng May phát biểu trước công chúng rằng bà luôn đứng về phía người dân trong vấn đề Brexit và kêu gọi các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận của bà. Bà May cũng nhiều lần tuyên bố không tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác, cho rằng điều này sẽ khoét sâu chia rẽ nội bộ và làm tổn hại tới nền dân chủ.
Trong khi đó, phe ủng hộ Brexit cho rằng cuộc trưng cầu ý dân lần hai sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp tại quốc gia này.
Thủ tướng Theresa May đang đối mặt với nhiều sức ép vì Brexit. Ảnh: Getty
Hôm 22/3, khi chỉ còn một tuần trước khi Brexit chính thức diễn ra mà chưa có thỏa thuận nào được Hạ viện Anh chấp thuận, London và Brussels đã nhất trí gia hạn Brexit theo hai kịch bản. Nếu thỏa thuận Brexit mà hai bên đạt được hồi cuối năm 2018 không được ủng hộ hoặc không được đưa ra bỏ phiếu lần 3 vào tuần tới, Anh sẽ "chia tay EU" mà không có thỏa thuận vào ngày 12/4 tới.
Kịch bản thứ hai là nếu thỏa thuận Brexit nhận được ủng hộ của Hạ viện trong cuộc bỏ phiếu lần 3, sau hai lần bị bác bỏ, thời điểm thực thi Brexit sẽ được gia hạn tới ngày 22/5 để Anh kịp hoàn thiện các thủ tục pháp lý trước khi chính thức rời ngôi nhà chung.
Ngày 22/3, sau khi Thủ tướng Anh tuyên bố để ngỏ khả năng không đưa thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu tại Hạ viện lần thứ 3, đồng nghĩa chiến lược Brexit của bà hoàn toàn sụp đổ, truyền thông Anh đưa tin sức ép buộc bà từ chức gia tăng.
Sau thời gian dài bế tắc, giờ đây quan điểm ủng hộ Anh ở lại EU đang ngày càng tăng. Bản kiến nghị với hơn 4 triệu chữ ký ủng hộ ở lại EU có đoạn viết: "Chính phủ liên tục tuyên bố rằng việc rút khỏi EU là ý nguyện của người dân. Chúng ta cần chấm dứt tuyên bố này, chứng tỏ ngay sức mạnh lòng dân, để ở lại với EU". Con số những người muốn ký kiến nghị gia tăng đột biến vào sáng 21/3, một ngày sau khi Thủ tướng Theresa May đề nghị EU gia hạn thời điểm Brexit.
Số liệu trang mạng trên ghi nhận được cho thấy số người ủng hộ đề xuất ngừng Brexit đông nhất tại khu vực thủ đô London, Bristol và Brighton. Theo quy định, kiến nghị thu thập được từ 100.000 chữ ký trở lên, vấn đề sẽ phải được đưa ra quốc hội phải thảo luận.
Thanh Tuấn
Nguồn: baotintuc.vn