Hơn 1,1 triệu người chết vì Covid-19, châu Âu sợ mùa đông

Các quốc gia châu Âu lo sợ kịch bản ác mộng về sự tăng trở lại các ca Covid-19 đầu mùa đông năm nay.

Theo trang worldometers.info, tính đến 8h sáng 16/10 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 39,15 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong đó tổng số ca tử vong đã tăng lên con số 1.102.412 ca. Hơn 29,36 triệu bệnh nhân Covid-19 đã phục hồi trong khi còn hơn 8,68 triệu ca vẫn đang được điều trị.

Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với hơn 8,21 triệu ca bệnh, trong đó có 222.706 ca tử vong. Đáng chú ý, sau thời gian số ca mắc mới trong ngày giảm xuống mức khoảng 30.000 ca thì những ngày gần đây, con số này đã tăng gấp đôi.

Sau Mỹ là Ấn Độ với hơn 7,36 triệu ca mắc và 112.144 ca tử vong. Hiện mỗi ngày nước này ghi nhận khoảng 60.000 ca mắc mới, giảm đáng kể so với mức khoảng 90.000 ca/ngày từng được ghi nhận cách đây khoảng 1 tháng. Tiếp đến là Brazil với hơn 5,17 triệu ca mắc, trong đó có 152.513 ca tử vong.

Kịch bản mùa đông ác mộng

Dịch bệnh hiện đang diễn biến phức tạp tại châu Âu. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC), có 17/31 (hơn 50%) quốc gia châu Âu mà tổ chức này theo dõi đang ở mức cảnh báo đỏ về dịch bệnh.

Tổng số ca nhiễm COVID-19 của toàn châu Âu trung bình đã vượt quá 100.000 người/ngày, chiếm khoảng 1/3 tổng số ca mắc mới hằng ngày của toàn thế giới và cao hơn mức trung bình hằng ngày của Mỹ là khoảng 50.000 ca, theo hãng tin Reuters ngày 15/10.

Các quốc gia châu Âu đã phải ban hành lệnh giới nghiêm, phong tỏa một phần các thành phố trong bối cảnh lo sợ kịch bản ác mộng về sự tăng trở lại các ca Covid-19 đầu mùa đông năm nay.

"Một khi chúng ta bước vào mùa lạnh cùng cúm mùa, khi mà một số triệu chứng rất chung chung và giống với Covid-19 như sốt và ho trở nên phổ biến hơn, vấn đề sẽ trở nên rất phức tạp ở những khu vực nơi các xét nghiệm vẫn đang được thực hiện dựa trên việc một người có triệu chứng hay rủi ro phơi nhiễm", bà Julie Fischer, nhân viên của Tổ chức phi lợi nhuận CRDF Global, nói.

Trong khi đó, ủy viên phụ trách sức khỏe và an toàn thực phẩm châu Âu Stella Kyriakides cho rằng rõ ràng mùa đông năm nay châu Âu phải chống lại mối đe dọa kép từ virus corona và cúm.

"Tôi rất lo ngại trước những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay và những gì có thể xảy ra trong những tuần và những tháng tiếp theo. Chúng ta phải hành động quyết liệt. Đây có thể là cơ hội cuối cùng của chúng ta để ngăn những gì của mùa xuân lặp lại lần nữa" - bà Kyriakides nhận định.

132 1 Hon 11 Trieu Nguoi Chet Vi Covid 19 Chau Au So Mua Dong

Nhiều quốc gia châu Âu đã ban hành lệnh giới nghiêm, phong tỏa một phần các thành phố để phòng dịch Covid-19 lây lan. Ảnh: DW.

Chánh Văn phòng Thủ tướng Đức Helge Braun ngày 15/10 cảnh báo về sự bùng phát của làn sóng Covid-19 thứ hai, kêu gọi người dân của nền kinh tế lớn nhất châu Âu hãy làm tốt trách nhiệm của bản thân để chung tay ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Trong khi đó, Thủ tướng Angela Merkel cho biết: "Dựa theo các con số hằng ngày, chúng ta đang trong giai đoạn tăng theo cấp số nhân".

Ông Braun đưa ra cảnh báo trên khi Đức ngày 15/10 ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục (6.638 ca) kể từ khi Covid-19 lần đầu xuất hiện ở nước này, nâng tổng số người nhiễm virus corona ở nước này lên hơn 341.000 người. Kỷ lục hằng ngày trước đó là 6.294 ca hôm 28/3, đợt cao điểm của làn sóng thứ nhất.

Chính quyền các bang ở Đức cuối ngày 14/10 đã nhất trí mở rộng các biện pháp ngăn dịch tới nhiều khu vực rộng lớn hơn của đất nước khi các ca mắc mới tăng cao. Tuy nhiên, bà Merkel cảnh báo có thể cần tới các biện pháp nghiêm ngặt hơn.

Anh và Pháp cũng đang "đứng ngồi không yên" vì dịch bệnh. Theo Reuters, một bộ trưởng cho biết Chính phủ Anh có thể áp đặt thêm các biện pháp phong tỏa tại nhiều khu vực phía bắc nước này trong ngày 15/10.

Đầu tuần này, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố những hạn chế nghiêm ngặt nhất theo hệ thống cảnh báo 3 tầng mới - phân loại các khu vực với mức độ cảnh báo "trung bình", "cao" và "rất cao" ở nước này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 14/10 ban hành lệnh giới nghiêm tại Paris và 8 thành phố khác để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 sau khi số ca mắc mới mỗi ngày đang ở mức cao kỷ lục. Lệnh giới nghiêm từ 21h đến 6h hằng ngày sẽ kéo dài trong 4 tuần và ảnh hưởng đến khoảng 20 triệu người.

Lệnh giới nghiêm cũng tạm cấm những cuộc tụ tập ăn chơi 50-60 người, các lễ hội... vì đây là những sự kiện dễ lây dịch bệnh. Những người vi phạm lệnh giới nghiêm có thể bị phạt 159 USD. Tổng thống Pháp khẳng định những nỗ lực mới của chính phủ là để giảm cho bằng được số ca nhiễm mới xuống "3.000 hoặc 5.000" ca so với mức hiện tại là gần 27.000 ca mỗi ngày.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte mới đây tuyên bố ông không muốn tái áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc, nhưng chính quyền từng vùng có thể ban hành những hạn chế riêng rẽ, kể cả việc ban bố lệnh giới nghiêm lúc đêm khuya. Italy hiện vẫn đang duy trì tình trạng khẩn cấp quốc gia, theo đó cho phép chính quyền từ trung ương tới địa phương có nhiều thẩm quyền hơn trong xử lý đại dịch. Tình trạng khẩn cấp này sẽ được kéo dài cho đến cuối tháng 1/2021.

44 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng

Trong khi đó, tính đến 6h sáng 16/10, Việt Nam trải qua 44 ngày không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng. Tổng số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam hiện là 1.124 ca , trong đó có 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 13.386, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 154 trường hợp, cách ly tập trung tại cơ sở khác 12.029 trường hợp, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 1.203 trường hợp.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covif-19, số ca âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 là 8 ca, lần 2 là 5 ca, lần 3 là 12 ca. Số ca tử vong: 35 ca. Số ca điều trị khỏi: 1.030 ca.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 15/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm và luôn chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương thực hiện các nghiên cứu để sản xuất vaccine trong nước; đồng thời đẩy mạnh phối hợp với các công ty, đối tác sản xuất và cung cấp vaccine có uy tín trên thế giới nhằm có vaccine phòng, chống Covid-19 trong thời gian sớm nhất.

 Bà Hằng dẫn thông tin từ Bộ Y tế cho hay, Việt Nam đã đặt mua vaccine của một số đối tác, trong đó có Nga và Anh. Việc cung cấp vacicne phụ thuộc vào tiến độ, các thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất cũng như quy trình thử nghiệm trước khi đưa vào sử dụng".

"Hiện nay, Việt Nam thường xuyên trao đổi, cập nhật tình hình với các đối tác. Chúng tôi tha thiết mong muốn sớm có vaccine, thuốc và phác đồ điều trị, tiến tới kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này”, bà Lê Thị Thu Hằng nói.

An Nhiên

Nguồn: baodatviet.vn

Bài liên quan