Cơ quan tư pháp Iran tuyên bố đại sứ Anh là "persona non grata" (người không được chào đón), kêu gọi trục xuất ông, trong khi những người ủng hộ chính quyền đốt hình ông và cờ Anh.
Sự việc xảy ra sau khi Đại sứ Anh tại Iran Rob Macaire bị bắt trong một khoảng thời gian ngắn vào cuối tuần trước và bị cáo buộc "điều phối" các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Hình bìa cắt ông Macaire bị đốt cháy ở Tehran hôm 14/1, cùng lúc một phát ngôn viên tư pháp cáo buộc nhà ngoại giao "can thiệp vào các vấn đề nội bộ (của Iran)", vi phạm các công ước về ngoại giao, theo Guardian.
"Theo luật quốc tế, một người như vậy là 'persona non grata'. Nhân dân muốn người này sẽ bị trục xuất và đó cũng là điều mà luật pháp quốc tế yêu cầu", ông Ghiramhossein Esmaili nói, theo truyền thông nhà nước.
Hình bìa cắt ông Macaire bị đốt trên đường phố Iran. Ảnh: AFP.
Việc tuyên bố ông Macaire, 53 tuổi, là "persona non grata" - thuật ngữ chính thức được sử dụng để cấm một nhà ngoại giao ở lại một quốc gia - không được coi là tuyên bố chính thức gắn với hệ quả pháp lý.
Song việc này có thể sẽ làm xáo trộn thêm quan hệ ngoại giao giữa London và Tehran, vốn đã căng thẳng do tranh cãi về vấn đề công dân Anh trong nhà tù Iran, các khoản nợ mua bán vũ khí tồn đọng hàng thập kỷ và vụ bắt giữ tàu chở dầu.
Ông Macaire bị bắt trong khoảng 30 phút tối 11/1 sau khi ông nói ông đã cầu nguyện những người thiệt mạng trên chuyến bay của Ukraine International Airlines bị tên lửa Iran bắn nhầm. Vị đại sứ được miễn truy tố ở Iran theo luật quốc tế và được thả không lâu sau đó.
Ông phủ nhận việc liên quan đến các cuộc biểu tình nổ ra ở một số khu vực của Tehran và nhiều địa phương khác trên toàn Iran trong những ngày gần đây.
Vụ bắt giữ đại sứ Anh dường như là nhầm lẫn của cảnh sát Tehran, nhưng chính phủ Iran, vốn đang bị chỉ trích, được cho là đã tranh thủ cơ hội để chuyển hướng chú ý của công chúng đang tức giận sau khi chính phủ thừa nhận bắn nhầm máy bay chở khách Ukraine.
Cơ quan tư pháp hôm 14/1 cho biết các lệnh bắt giữ đầu tiên đã được thực hiện sau vụ bắn nhầm hôm 8/1, khiến tất cả 176 người trên máy bay thiệt mạng.
Máy bay bị bắn sau khi vừa khởi hành đi thủ đô Kiev của Ukraine, chở 167 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn, bao gồm 82 người Iran, 57 người Canada - bao gồm nhiều người Iran có hai quốc tịch - và 11 người Ukraine, theo các quan chức. Có 15 trẻ em trong số các hành khách, bao gồm một trẻ sơ sinh.
Iran đã bắn hạ máy bay trong lúc đang đề phòng khả năng bị Mỹ trả đũa sau khi Iran phóng tên lửa vào hai căn cứ quân sự của quân đội Mỹ ở Iraq. Các cuộc tấn công được thực hiện để trả đũa việc Mỹ giết chết một lãnh đạo của Vệ binh Cách mạng, tướng Qassem Soleimani, tại Baghdad, Iraq.
Iran ban đầu phủ nhận việc bắn rơi máy bay, song sau đó đã thừa nhận và đưa ra lời xin lỗi, động thái được cho là hiếm hoi. Tuy nhiên, sự thiếu minh bạch của chính phủ đã dẫn đến các cuộc biểu tình trên toàn quốc.
Theo Zing