Italy trở thành 'điểm nóng' virus corona tại Châu Âu: 132 ca nhiễm bệnh và 2 người chết, chưa cách nào xác định nguồn lây lan

Số ca nhiễm của Italy đã vượt qua con số 100 - cao nhất ở châu Âu và chỉ đứng sau Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Hàn Quốc trên phạm vi toàn thế giới.

CNN dẫn lời giới chức Italy cho biết nước này có 132 ca nhiễm virus corona tính đến chủ nhật, 23/2. Trong đó có 26 bệnh nhân đang nằm ở phòng điều trị tích cực, 2 người đã qua đời và 1 người hồi phục. 

Số ca nhiễm nCoV của Italy đã tăng thêm 53 người chỉ trong hôm nay, và là con số cao nhất ở châu Âu. Còn trên phạm vi toàn thế giới chỉ thấp hơn Trung Quốc đại lục (76.936 người nhiễm nCoV), Nhật Bản (751 ca) và Hàn Quốc (602 ca).

132 1 Italy Tro Thanh Diem Nong Virus Corona Tai Chau Au 132 Ca Nhiem Benh Va 2 Nguoi Chet Chua Cach Nao Xac Dinh Nguon Lay Lan

Italy có hơn 100 ca nhiễm nCoV, vượt xa các nước châu Âu khác (Ảnh: Reuters).

Trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát nhanh, chính phủ Italy đã ban hành các biện pháp ứng phó khẩn cấp, bao gồm cấm các sự kiện đông người ở 10 đô thị, đóng cửa các tòa nhà công cộng (kể cả bảo tàng), giám sát và cách ly cá nhân nghi ngờ nhiễm bệnh, hạn chế các phương tiện đi lại.

Bộ trưởng Bộ Y tế Italy - Roberto Speranza - nói trong buổi họp báo vào hôm qua (22/2): "Chúng tôi khuyến nghị bất kỳ ai từng đến các khu vực có dịch hãy hạn chế ra khỏi nhà. Kế hoạch ứng phó sẽ bao gồm một số biện pháp khẩn cấp mà chúng ta phải tuân thủ, về bản chất là những biện pháp mạnh. Bởi vì, mục tiêu thiết yếu phải đạt được trong vài giờ tới là xác định và giới hạn chính xác khu vực bùng phát dịch; và hành động để ngăn chặn virus tiếp tục lây lan".

Nhiều vùng ở Italy khó khăn trong việc xác định nguồn lây nhiễm, lo ngại số ca bệnh sẽ tăng lên

Theo CNN, giới chức Italy chưa thể xác định "bệnh nhân số 0" gây lây nhiễm virus corona. Vì vậy tình hình dịch bệnh trong thời gian tới cũng rất khó lường.

Tâm dịch là ở phía bắc đất nước. Cụ thể là vùng Lombardia (dân số hơn 10 triệu người, thủ phủ Milan) và vùng Veneto (dân số khoảng 4,8 triệu người, thủ phủ Venice).

Ở Veneto, Thống đốc Luca Zaia nhận định virus corona đã "lây nhiễm như bệnh cúm", vì vậy các biện pháp như truy tìm 1 nguồn gốc lây nhiễm ban đầu hay tìm hiểu các mối liên quan với ca bệnh từ Trung Quốc đã không còn hiệu quả.

"Bạn có thể bị lây từ bất kỳ ai" - ông Zaia nói với phóng viên AP. "Chúng tôi dự kiến sẽ có thêm các bệnh nhân mà chưa từng tiếp xúc (với người bệnh trước đó)". 

132 2 Italy Tro Thanh Diem Nong Virus Corona Tai Chau Au 132 Ca Nhiem Benh Va 2 Nguoi Chet Chua Cach Nao Xac Dinh Nguon Lay Lan

Khẩu trang cháy hàng ở nhiều vùng phía bắc Italy (Ảnh: AP).

Một trong hai nạn nhân vừa qua đời vì nhiễm nCoV ở Italy là nam giới, 78 tuổi, đến từ vùng Veneto. Ông ấy không được xếp vào diện có nguy cơ cao nhiễm virus vì chưa từng đến Trung Quốc hay tiếp xúc bất kỳ ai từ Trung Quốc. Tuy nhiên 2 tuần trước, ông đã bị viêm phổi, được chữa trị bằng các phương pháp thông thường. Đến khi tình hình chuyển biến xấu, người đàn ông mới được cho xét nghiệm nCoV, kết quả dương tính thì đã quá muộn để cứu chữa, hãng tin AP dẫn lời Francesca Russo - người đứng đầu cơ quan y tế vùng Veneto - cho biết.

Cùng với nạn nhân đã mất, có thêm 8 người khác nhiễm bệnh ở "ổ dịch" Vo’Euganeo - nơi chỉ có 3.300 dân. Tuy nhiên các nhân viên y tế tại đây đã xét nghiệm âm tính với virus.

132 3 Italy Tro Thanh Diem Nong Virus Corona Tai Chau Au 132 Ca Nhiem Benh Va 2 Nguoi Chet Chua Cach Nao Xac Dinh Nguon Lay Lan

Đường phố vắng lặng ở thị trấn Codogno, vùng Lombardy ngày 22/2 (Ảnh: AP).

Ở Lombardy, chính quyền cũng gặp khó khăn khi truy tìm nguồn gốc "ổ dịch". Cư dân đầu tiên nhiễm nCoV đã tiếp xúc với một người đàn ông từ Trung Quốc về nước hôm 21/1. Tuy nhiên, bản thân anh này lại âm tính với virus.

Sau đó, cơ quan y tế phát hiện các ca bệnh đều tiếp xúc hay ở chung bệnh viện với một người đàn ông 38 tuổi, nhập viện từ ngày 18/2.

Hiện giờ, các trung tâm y tế ở Lombardy đã xét nghiệm xong 250 trường hợp. Hàng trăm ca khác cũng đang tiến hành, bao gồm một công nhân nhà máy của tập đoàn Unilever.

Đến nay, 10 thị trấn của vùng đã phải dừng các hoạt động và dịch vụ không thiết yếu. "Căn cứ vào tình hình lây lan rất nhanh, có thể các ca nhiễm virus sẽ còn tiếp tục tăng" - Giulio Gallera, người đứng đầu Sở Y tế và Phúc lợi vùng Lombardy cảnh báo.

(Theo Reuters, AP, CNN)

Bài liên quan