Kẽ hở nhập cư lộ trên bờ biển Anh

Khi được hỏi việc nhập cư lậu qua đường biển diễn ra thế nào, Frank Lappin, quản lý một trạm giám sát tại hạt Norfolk, đáp “dễ như ăn bánh”.

Trạm giám sát mà Lappin quản lý thuộc tổ chức phi chính phủ Viện Giám sát bờ biển Quốc gia (NCI), đặt tại làng Caister, hạt Norfolk, phía đông nước Anh. Theo Carol Ellero, tình nguyện viên tại NCI, những bãi biển rộng lớn của Norfolk, nơi có đường bờ biển dài tới 145 km, cùng địa hình bằng phẳng giúp những kẻ buôn người dễ dàng “nhập lậu” dân di cư, đặc biệt tại những khu vực hẻo lánh.

Số nạn nhân của đường dây buôn người được phát hiện tại Norfolk đã tăng gấp ba trong 5 năm qua. Theo số liệu của Cơ quan Tội phạm Quốc gia (NCA), 21 người được cho là đã nhập cư lậu qua Norfolk vào năm 2018, bao gồm hai phụ nữ từ Trung Quốc và Hungary có nguy cơ trở thành nạn nhân bị buôn bán tình dục. Trong khi đó, số nạn nhân hồi năm 2014 là 7 người.

Ellero cho biết mục tiêu của NCI là phát hiện những hoạt động đáng ngờ. Các tình nguyện viên thuộc tổ chức này cùng Nhóm An toàn Biển, đơn vị điều hành tổ chức Giám sát Bờ biển Pakefield ở hạt Suffolk, cũng được đào tạo để đối phó với tình huống khẩn cấp.

Các tình nguyện viên đôi lúc bắt gặp những tàu không sử dụng hệ thống nhận dạng tự động (AIS), thiết bị giúp phát tín hiệu định vị tàu thuyền. Nhiệm vụ của họ là theo dõi các tàu không xuất hiện trên radar của Tuần duyên Anh. Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu đáng ngờ, họ sẽ thông báo cho lực lượng tuần duyên, biên phòng và cảnh sát.

Tuy nhiên, người nhập cư lậu không phải lúc nào cũng trốn trong những tàu thuyền khả nghi. Hôm 24/9, 21 người di cư, trong đó có 19 đàn ông và hai trẻ em từ Albania, được tìm thấy trên một tàu chở hàng vận chuyển turbine gió khi nó còn cách bờ biển thị trấn Great Yarmouth, hạt Norfolk khoảng 8 km.

132 1 Ke Ho Nhap Cu Lo Tren Bo Bien Anh

Tàu vận chuyển turbine chở theo 21 người di cư Albania tới bờ biển thị trấn Great Yarmouth, hạt Norfolk, Anh hôm 24/9. Ảnh: BBC.

Theo Linda Lawrence, quản lý trạm giám sát của NCI tại thị trấn Cromer, phía bắc hạt Norfolk, dân di cư có thể lợi dụng những khoảng trống lớn giữa các trạm bố trí dọc đường bờ biển trải dài của hạt này. “Việc di chuyển vào ban đêm vô cùng dễ dàng. Họ có thể đi nửa quãng đường bằng tàu, sau đó chuyển sang những chiếc thuyền nhỏ”, bà cho hay.

Geoff Mann, quản lý trạm giám sát Pakefield ở hạt Suffolk cũng đồng tình với quan điểm của bà Lawrence. “Họ chắc chắn có thể lợi dụng sơ hở này, đặc biệt là vào ban đêm. Dù vậy, nơi đây cách Hà Lan tới hơn 160 km, nên việc vượt biển trên những con tàu không thích hợp vô cùng nguy hiểm”, Mann nói.

95 km đường bờ biển nối giữa Pakefield và thị trấn Felixstowe ở hạt Suffolk hoàn toàn không có người kiểm soát. Một sự cố đã xảy ra tại “kẽ hở” này hồi tháng 5/2017, khi 7 nghi phạm nhập cư trái phép được kéo ra từ một chiếc thuyền buồm mắc kẹt ở làng Orford.

Thêm vào đó, khó khăn trong việc tuyển tình nguyện viên và sự thiếu hụt các cơ sở phù hợp để vận hành những trạm giám sát khiến quá trình kiểm soát đường bờ biển dài tại hai hạt Norfolk và Suffolk gặp trở ngại. Các trạm chỉ hoạt động vào ban ngày, trừ trạm tại thị trấn Felixstowe.

Vào đầu những năm 2000, đông đảo người di cư Trung Quốc tràn vào phía tây Norfolk để nhận việc trong các nhà máy hoặc làm nông. Tính riêng năm 2004 đã có hơn 2.000 người Trung Quốc nhập cư qua cảng King’s Lynn. Một số người rơi vào tay các băng đảng tội phạm và phải chịu điều kiện sống tồi tệ.

132 2 Ke Ho Nhap Cu Lo Tren Bo Bien Anh

Người lao động Trung Quốc thu hoạch dâu tại một trang trại ở phía tây Norfolk, Anh. Ảnh: Eastern Daily Press.

Tình cảnh của những người lao động Trung Quốc không có giấy tờ tùy thân được hé lộ nhờ một vụ hỏa hoạn vào ngày 2/6/2003. Ngôi nhà gồm ba phòng ngủ tại khu vực Fairstead Estate, ngoại ô thị trấn King’s Lynn, bốc cháy do quá tải điện. Chính quyền tìm thấy 18 người Trung Quốc sống tại đây, sau đó biết được về hoàn cảnh của họ.

Một người giấu tên thuộc hiệp hội người Trung Quốc ở phía tây Norfolk cho biết dân di cư 15 năm trước bắt đầu đổ tới địa phương này “để tích lũy tiền và gửi về quê nhà”. Một số người lao động sau đó được cấp quyền cư trú hợp pháp và ổn định cuộc sống cùng gia đình.

“Lịch sử đang lặp lại. Tình trạng nhập cư lậu không phải điều gì mới mẻ. Họ tìm những tuyến đường bất hợp pháp và đánh cược rất nhiều”, đại diện của hiệp hội cho hay.

“Những người ở phía bên kia thế giới nhìn vào Anh và nghĩ rằng số tiền họ có thể kiếm trong một tuần tại đây tương đương với thu nhập cả tháng ở Trung Quốc. Đây là một viễn cảnh vô cùng cám dỗ”, người này nói thêm.

Ánh Ngọc (Theo Eastern Daily Press)

Nguồn: VnExpress

Bài liên quan